Đoàn công tác của Cục C06, Bộ Công an mới đây có chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái nhằm đánh giá tình hình thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) đã kết luận: "Trên cơ sở kết quả đã tổ chức thực hiện, Yên Bái hiện đứng thứ 7 trên tổng số 63 tỉnh, thành về thực hiện Đề án 896. Kết quả đó thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các ban, ngành và sự nỗ lực của lực lượng công an từ tỉnh đến huyện, xã”.
Thực hiện Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 1265 về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 896 cấp tỉnh gồm 19 thành viên, trong đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Công an tỉnh là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 896.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã quy định, Ban Chỉ đạo 896 đã ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án; thành lập các đoàn công tác đi học tập, rút kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố triển khai điểm; tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện, những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 896 nói chung và đặc điểm, tình hình địa phương Yên Bái nói riêng.
Đại tá Trần Kim Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên quá trình tổ chức thực hiện có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, kết quả của quá trình thực hiện Đề án phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm công tác thu thập thông tin ở cơ sở, đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa chính quyền, lực lượng công an và cán bộ của ngành tư pháp. Trong điều kiện thiếu thốn về kinh phí, địa bàn rộng, giao thông khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế..., anh em cán bộ trực tiếp làm công tác thu thập thông tin rất vất vả, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa phải tăng cường thêm cán bộ, phải làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật để duy trì tiến độ”.
Đánh giá của Công an tỉnh cho thấy, các đơn vị công an đã chủ động, tích cực trong công tác thu thập thông tin dân cư (đạt tỷ lệ 96%). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại như: sau khi scan phiếu DC01, hầu hết các đơn vị đều chưa đạt tiến độ mà Công an tỉnh đề ra; số phiếu chưa thu thập được còn lớn, chủ yếu là các trường hợp vắng mặt tại nơi đăng ký thường trú không xác định được nơi tạm trú (19.004 trường hợp) hoặc chưa thống nhất được thông tin (15.268 trường hợp).
Một số đơn vị có tỷ lệ phiếu không đạt lớn như: Mù Cang Chải 12,4%, Yên Bình 5%. Lỗi chính dẫn đến phiếu không đạt là do công tác tiếp nhận, đối chiếu, kiểm tra phiếu sau khi thu thập không được thực hiện tốt, còn sót thông tin (để trống), nhiều nhất là trường thông tin số 5 (tình trạng hôn nhân) và một số trường thông tin khác như: số 15 (họ, chữ đệm và tên chủ hộ), 16 (quan hệ với chủ hộ).
Một số đơn vị số phiếu đã thu thập nhưng chưa được scan đợt 1 còn rất nhiều như: huyện Văn Chấn 18.646 phiếu, thị xã Nghĩa Lộ 6.288 phiếu, huyện Lục Yên 6.362 phiếu... làm ảnh hưởng đến kết quả thu thập thông tin dân cư chung của toàn tỉnh. Tổng số phiếu phải scan trong thời gian tới 104.392 phiếu, chiếm 12%, trong đó chưa đạt yêu cầu 29.927 phiếu, phiếu đã thu nhưng chưa scan 41.276 phiếu và phiếu chưa thu 33.189 phiếu.
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, lực lượng công an tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương và ngành tư pháp tập trung thu thập phiếu đã phát ra, bổ sung thông tin còn thiếu và thực hiện các phần việc theo kế hoạch, giải quyết, xử lý phát sinh, đặc biệt là những trường hợp vắng mặt tại địa phương. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tích cực hợp tác với cán bộ công an để Đề án 896 sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả.
Lê Phiên