Triển khai thực hiện Đề án chính quyền điện tử, đến nay trên địa bàn huyện đã có 74 cơ quan, đơn vị được triển khai cấp tài khoản và sử dụng phần mềm, bao gồm 27 xã, thị trấn, 13 phòng chuyên môn, 7 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, 27 cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn với gần 900 tài khoản.
Việc triển khai phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp, triển khai chữ ký số và phát hành liên thông tất cả các văn bản của HĐND, UBND huyện đều được liên thông trao đổi, gửi nhận 2 chiều giữa 3 cấp xã - huyện - tỉnh.
Hiện tại, UBND huyện đã liên thông văn bản đến 41 sở, ban, ngành của tỉnh và 8 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Tỷ lệ văn bản chỉ đạo, điều hành được triển khai trên phần mềm đối với cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt trên 90%.
Năm 2016, huyện đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cơ bản cho 120 cán bộ, công chức 27 xã, thị trấn. Năm 2019, phối hợp mở 1 lớp đào tạo kiến thức CNTT cho 54 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và xã.
Đến nay, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã hoàn thành việc nhập dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức vào phần mềm; cập nhật thông tin, khai thác sử dụng hiệu quả thông tin cán bộ từ phần mềm. Cùng với đó, huyện đã đưa vào vận hành có hiệu quả phần mềm giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp huyện - "Một cửa điện tử”, bước đầu nhận được sự hài lòng cao của người dân và doanh nghiệp.
Từ 1/4/2019, bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã trên địa bàn huyện đi vào hoạt động nề nếp. Hiện nay, số lượng TTHC cấp huyện được đưa vào giải quyết tại Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện là 415 thủ tục, cấp xã 145 thủ tục; có 43 TTHC cấp huyện và 5 TTHC cấp xã được triển khai cung ứng trực tuyến ở mức độ 3; 5 TTHC cấp huyện, 2 TTHC cấp xã được triển khai cung ứng trực tuyến ở mức độ 4. Đây là bước đột phá để huyện Văn Yên giữ vững vị trí đứng đầu về chỉ số CCHC trong khối các huyện, thị, thành phố của tỉnh 3 năm liên tiếp (2016 - 2018).
Việc ứng dụng phần mềm đã tạo nền tảng tốt để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết TTHC các cấp đảm bảo nhanh, hiệu quả trong việc liên thông 3 cấp.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai phần mềm quản lý bảo hiểm y tế; phần mềm quản lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo cấp huyện và cấp xã. Bước đầu, các cơ quan, đơn vị có liên quan của huyện và UBND các xã, thị trấn đã thực hiện ứng dụng phần mềm quản lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Chính phủ trong công tác quản lý, báo cáo số liệu và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo quy định. Thực hiện cập nhật và khai thác sử dụng phần mềm phục vụ công tác quản lý bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thụ hưởng.
Sau 4 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức cấp huyện ở Văn Yên đã đạt 0,9 máy; đối với cấp xã đạt 0,8 máy/cán bộ, công chức. 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kết nối Internet; nâng cấp đường truyền; đầu tư trang thiết bị máy móc cho Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, UBND các xã, thị trấn, đáp ứng các điều kiện để triển khai các ứng dụng phần mềm CNTT. Năm 2017, huyện đã phối hợp với các ngành của tỉnh triển khai trang bị phòng họp trực tuyến cấp huyện tại Trung tâm Hội nghị huyện.
Với mục tiêu hướng tới việc nâng cao mức độ hài lòng của xã hội, cải tiến hiệu quả và minh bạch hoạt động chính quyền, năm 2020, huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn khai thác sử dụng có hiệu quả các phần mềm; sử dụng chữ ký số để gửi các văn bản liên thông trên phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp, hạn chế đến mức tối thiểu việc phát hành văn bản giấy. Phối hợp triển khai hệ thống giao ban trực tuyến; tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hiện ứng dụng giải quyết TTHC công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
Minh Thúy