Đồng thời, đảm bảo 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được chuẩn hóa về quy trình, nghiệp vụ theo Nghị định số 61 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Giai đoạn 2019 - 2020, về kết cấu hạ tầng cơ sở kỹ thuật, tỉnh chỉ đạo tập trung xây dựng Trung tâm Tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái nằm trong Tòa nhà Trung tâm điều hành thông minh, đảm bảo yêu cầu triển khai các ứng dụng nền tảng chính quyền điện tử dùng chung của tỉnh và triển khai xây dựng các dự án đô thị thông minh tỉnh Yên Bái.
Xây dựng trung tâm điều hành giám sát an ninh không gian mạng; xây dựng mới, nâng cấp hệ thống mạng LAN, kết nối WAN trên hệ thống mạng chuyên dụng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Triển khai mở rộng hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện tỉnh Yên Bái đến cấp xã, phường, thị trấn giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2020.
Về ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về người dùng tỉnh Yên Bái, về giải quyết TTHC tỉnh; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tỉnh Yên Bái; xây dựng phần mềm quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh; hệ thống xử lý nghiệp vụ nội bộ trên cùng một nền tảng; xây dựng nền tảng tích hợp, dữ liệu dùng chung cấp tỉnh; duy trì, phát triển hệ thống Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Yên Bái.
Tập trung 4 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó về môi trường chính sách, chú trọng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách về biên chế, thu hút, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ CNTT; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.
Giải pháp về triển khai, trên quan điểm các dự án phải được đầu tư phải đảm bảo tính đồng bộ khi triển khai thực hiện Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Yên Bái và triển khai xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, tập trung nguồn lực tài chính đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung đầu tư các chương trình, dự án quan trọng, cấp thiết, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các điều kiện triển khai xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Yên Bái đồng bộ, phù hợp với lộ trình xây dựng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái.
Mục tiêu, 100% các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối mạng diện rộng của tỉnh (WAN) sử dụng mạng số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. 100% các hệ thống thông tin trọng yếu của tỉnh được trang bị các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Mở rộng hệ thống giao ban trực điện tử đa phương tiện của tỉnh tới UBND các xã, phường, thị trấn phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Phấn đấu hết năm 2022 đạt tỷ lệ 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở được trang bị máy tính đáp ứng yêu cầu công việc.
Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh đảm bảo sẵn sàng tích hợp, chia sẻ dữ liệu CNTT dùng chung của tỉnh và kết nối với trục tích hợp, chia sẻ quốc gia. Giai đoạn 2021 - 2022, tiếp tục hoàn thiện và mở rộng các dự án theo nhu cầu của tỉnh. Việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến việc đổi mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, thực hiện cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí...
Trước mắt, tỉnh phấn đấu đến tháng 6/2020, 100% các cơ quan hành chính Nhà nước ở cả 3 cấp sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành được kết nối liên thông; 100% cán bộ công chức các cấp đều được cấp và sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc.
Đặc biệt, triển khai đưa vào sử dụng duy nhất Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Yên Bái, đảm bảo 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được chuẩn hóa về quy trình, nghiệp vụ theo Nghị định số 61 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC…
Minh Thúy