Đứng trước yêu cầu đổi mới và hội nhập, ngành thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào trong quản lý, xây dựng hệ thống ứng dụng quản lý thuế hiện đại, cơ sở dữ liệu tập trung. Từ cuối năm 2014, ngành thuế đã triển khai diện rộng ứng dụng quản lý thuế tập trung TMS thay thế cho 16 ứng dụng quản lý thuế hiện hành đáp ứng việc hỗ trợ cơ quan thuế trong thực hiện các nghiệp vụ quản lý thuế và các quy trình quản lý thuế.
Hiện, ngành thuế đang đưa vào khai thác, sử dụng 27 ứng dụng quản lý thuế; trong đó, có 6 ứng dụng dịch vụ công, cung cấp miễn phí cho người dân, doanh nghiệp để thực hiện các TTHC thuế; đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế theo phương thức điện tử đáp ứng dịch vụ công mức độ 3 và 4; 21 ứng dụng quản lý nội ngành đáp ứng các nghiệp vụ quản lý thuế. Hệ thống ứng dụng đã giúp cho người dân, doanh nghiệp, công chức thuế tác nghiệp trong môi trường hiện đại, tính chuyên nghiệp cao, giảm thiểu thời gian và giải phóng sức lao động.
Nhiều ứng dụng quản lý thuế được xây dựng dựa trên nền tảng, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: dữ liệu lớn (Big data) triển khai cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành thuế, tiến tới phân tích xử lý dữ liệu lớn phục vụ dự báo số thu, quản lý rủi ro về thuế; chống chuyển giá, thanh tra, kiểm tra về thuế...
Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: "Hiện, ngành thuế Yên Bái đã đưa vào sử dụng ứng dụng cơ sở dữ liệu NNT (Data Warehouse); ứng dụng TMS, ứng dụng thanh tra, kiểm tra, phân tích rủi ro; triển khai hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trên nền tảng công nghệ tiên tiến; triển khai dịch vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế qua giao dịch điện tử; triển khai hạ tầng CNTT hiện đại trên nền tảng công nghệ ảo hóa và siêu hội tụ".
Tuy nhiên, bên cạnh sự đầu tư trang bị công nghệ thông tin rất hiện đại của Tổng Cục Thuế thì kỹ năng khai thác và sử dụng ứng dụng của một bộ phận công chức còn yếu và hạn chế, chưa dành nhiều thời gian cho việc cập nhật các nội dung thông báo của Tổng cục Thuế về các lần nâng cấp ứng dụng, vận hành sử dụng ứng dụng mới.
Chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của nguồn dữ liệu, số liệu mà được coi là kho vàng dữ liệu để phục vụ cho quản lý thuế, nhất là trong lĩnh vực phân tích thống kê, thanh tra, kiểm tra, đánh giá và dự báo thu ngân sách.
Công tác lãnh đạo và chỉ đạo về sử dụng ứng dụng CNTT ở một số đơn vị còn chưa được chú trọng mà dành nhiều thời gian cho chỉ đạo thu ngân sách. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc khai thác các ứng dụng mới sau khi đưa vào vận hành, sử dụng chưa được thường xuyên và kịp thời.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng phòng Tin học Cục Thuế tỉnh chia sẻ: "Để nâng cao hiệu quả việc khai thác ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn thì mỗi cán bộ phải tự xác định cho mình việc tự học, tự nghiên cứu, tự trau dồi kiến thức về các ứng dụng CNTT của ngành thuế là việc cho chính bản thân mình. Trong đó, cán bộ, đảng viên không phân biệt về tuổi tác phải là đầu tàu, gương mẫu về tự học, tự nghiên cứu để quần chúng noi theo".
Học đi đôi với hành, các lớp đào tạo tập huấn ngoài việc truyền đạt kiến thức phải gắn liền với thực hành và kiểm tra đánh giá kiến thức để công chức được đi tập huấn nắm vững kiến thức và hỗ trợ đồng nghiệp cùng triển khai tốt các ứng dụng mới.
Tranh thủ và tận dụng các trang thiết bị của ngành đã đầu tư để tự tổ chức các lớp tập huấn trong nội bộ phòng/đội thuế để một người cùng biết nhiều việc hỗ trợ nhau trong công việc; các bộ phận chức năng kiểm soát, xử lý dữ liệu trên hệ thống các ứng dụng quản lý thuế, nhằm đảm bảo dữ liệu quản lý thuế được xử lý kịp thời, đầy đủ, trung thực, chính xác, phục vụ tốt cho việc phân tích, đánh giá dữ liệu.
Đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra CNTT, nhất là kiểm tra theo chuyên đề; đồng thời, phối hợp với các phòng chuyên môn như: kiểm tra nội bộ, kê khai và kế toán thuế để mở rộng các nội dung kiểm tra về quản lý dữ liệu của ngành thuế trên các ứng dụng.
Có thể khẳng định, công tác kiểm tra CNTT là công cụ quan trọng giúp cho lãnh đạo Cục Thuế và các chi cục thuế có nhìn nhận và đánh giá toàn diện về năng lực, kỹ năng sử dụng ứng dụng CNTT trong từng khâu nghiệp vụ quản lý thuế của từng công chức thuế; đồng thời, mỗi công chức sau khi được kiểm tra biết mình đang ở vị trí nào để tự học tập, trau dồi kiến thức nhằm nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng ứng dụng CNTT.
Quang Thiều