Tại kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Quốc hội sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt Nhà nước, trong đó có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 22 chức danh lãnh đạo khác.
Tuy nhiên, những ngày qua, trên mạng xã hội và một số trang mạng nước ngoài thiếu thiện chí, đã xuất hiện một số thông tin xuyên tạc, bịa đặt về công tác nhân sự rất quan trọng của đất nước.
Thời gian qua, Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kịp thời triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
Sau đó, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tại Hội nghị lần thứ 2 diễn ra hồi đầu tháng 3, sau khi dân chủ thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí rất cao.
Có thể thấy, công tác nhân sự đã được chuẩn bị rất bài bản, quy trình chặt chẽ. Thế nhưng, vẫn có những tổ chức, cá nhân luôn cố tình phủ nhận, xuyên tạc điều này. Họ chủ yếu là những kẻ sống ở nước ngoài đã tung ra nhiều video clip, bài viết sai sự thật về các quy trình nhân sự và một số đồng chí lãnh đạo trong diện kiện toàn tới đây.
Như tại kênh YouTube của Lê Trung Khoa, một nhân vật đang sống ở Đức. Mỗi tháng, kênh của Khoa sản xuất, đăng tải hàng trăm clip thường trắng trợn xuyên tạc đường lối của Ðảng và Nhà nước Việt Nam; đưa tin và bình luận bóp méo một số sự kiện liên quan đến Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đất nước.
Khoa đã vẽ ra đủ mọi thuyết âm mưu, với những câu từ giật gân. Để kích thích sự tò mò của người xem, đối tượng này còn cắt ghép hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, rồi chèn thêm những dòng chữ rất kích động.
Một số kênh YouTube khác tiếp tục tung ra những clip bịa ra chuyện đấu tranh phe nhóm trong nội bộ Đảng, người này "triệt hạ" người nọ để "giành ghế" - những luận điệu xuyên tạc cũ rích, đầy phi lý.
Không chỉ trong dịp họp Quốc hội này, mà trong suốt năm 2020 và đầu năm 2021, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã ra sức chống phá Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn xảo quyệt, đặc biệt là chống phá về công tác nhân sự. Rất nhiều tin tức xấu độc, bịa đặt được họ tung ra, rồi phát tán trên mạng xã hội hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, với Đại hội. Nhưng cuối cùng, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thành công rất tốt đẹp. Kết quả Đại hội, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, khách quan, minh bạch của Đảng từ trước đó là minh chứng không thể thuyết phục hơn để phản bác lại những thông tin xuyên tạc đó.
Tháng 5 năm ngoái, gần 1 năm trước khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra, một trang Facebook tự phong là cơ quan truyền thông độc lập, tung ra các ứng viên vị trí Tổng Bí thư và Thủ tướng nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Đến tháng 9, trang này tiếp tục bổ sung thêm ứng viên cho vị trí Tổng Bí thư, trắng trợn xuyên tạc rằng các phe phái đang đấu đá nội bộ và sẽ hợp nhất vị trí Tổng Bí thư và Chủ tịch nước và quy kết công tác nhân sự của Đảng là quá trình đổi chác và sắp xếp.
Tất cả những thông tin, luận điệu phản động đó đã bị chính kết quả của Đại hội XIII bóc trần. Đó là những điều hoàn toàn sai sự thật.
Thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là minh chứng sống động nhất, đập tan những thông tin sai trái và luận điệu thù địch về công tác nhân sự của Đảng.
(Theo VTV)