Phớt lờ sự thật lịch sử để bôi nhọ, kích động, chia rẽ

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/6/2023 | 9:13:42 AM

YênBái - Trương Nhân Tuấn - kẻ lưu vong ở nước ngoài thường viết bài đăng trên mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Mới đây, trên trang Tiếng Dân, y có bài viết: “Câu hỏi trước ngày 30 tháng 4”.

Người dân hân hoan, hạnh phúc đi trên con đường hoa nông thôn mới  rực rỡ ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Ảnh: Thanh Chi
Người dân hân hoan, hạnh phúc đi trên con đường hoa nông thôn mới rực rỡ ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Ảnh: Thanh Chi

Ở phần đầu bài, Trương Nhân Tuấn viết: "… Câu hỏi đặt ra, trước ngày 30 tháng Tư, là đồng bào Việt Nam có sẵn lòng hy sinh để bảo vệ đất nước, khi một ngoại bang nào đó xâm phạm lãnh thổ hay không? Cá nhân tôi thì từ lâu đã có câu trả lời rồi”. 

Tiếp đó, hắn viết: "Mở dấu ngoặc ở đây là tôi không "nhân danh" ai để đấu tranh hết cả. Tôi chỉ cố gắng nghiên cứu tài liệu, sử sách các nơi với mục đích thiết lập lại công lý. Tức đem lại sự thật cho lịch sử, như làm bổn phận của một người viết sử, ngay cả với tư cách một người viết sử không chuyên nghiệp. Tôi cũng không tranh đấu cho ai hết cả. Tôi chỉ tranh đấu để đất nước Việt Nam ngày thêm tốt đẹp hơn, các thế hệ tương lai Việt Nam không còn sống cảnh "trai làm nô, gái làm tì" cho ngoại bang, ngay trên đất nước của mình. Đóng dấu ngoặc”. 

Thế rồi, hắn lại huyên thuyên đưa ra những câu hỏi, những vấn đề quy chụp, vô căn cứ như: "… Tại sao tôi phải hy sinh giữ biển khi mọi tài nguyên dầu khí đã được hút lên từ 1975 đến nay, không thấy một đồng đưa vào đầu tư cho dân Việt Nam, đặc biệt dân miền Nam, nơi có các mỏ dầu đã và đang khai thác. Đường sá, nhà thương, trường học... đại đa số xây dựng là tiền vay nước ngoài”… 

Cuối bài viết, Trương Nhân Tuấn kết luận: "Vì vậy, không, tôi sẽ không tranh đấu để "bảo vệ đất nước". Bởi vì tôi thấy, nếu đất nước lọt vô tay "ngoại bang", như Mỹ, Pháp... thì dân tộc Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều lần so với chế độ bây giờ”.

Đọc đến đây, có lẽ người đọc chẳng cần quan tâm nhiều đến những câu lời lẽ xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ Đảng, Nhà nước ta một cách vô căn cứ của Trương Nhân Tuấn, mà hãy xem một kẻ đang "cố gắng nghiên cứu tài liệu, sử sách các nơi với mục đích thiết lập lại công lý” đã kỳ vọng những "điều tốt đẹp” vào ngoại bang như Mỹ, Pháp đối với đất nước sinh ra hắn như thế nào? 

Trước hết, đối với thực dân Pháp, sau khi dập tắt các phong trào yêu nước, hoàn thành căn bản công cuộc bình định nước ta về mặt quân sự, chúng đã tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa, áp đặt một chính sách thống trị quy mô và triệt để trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa giáo dục... nhằm biến Đông Dương thành thuộc địa khai khẩn, bảo đảm siêu lợi nhuận cho chính quốc. 

Đồng thời, mặc sức bắn giết, tù đày những người dân vô tội, đàn áp đẫm máu các phong trào đứng lên chống Pháp của nhân dân ta. Nạn đói năm 1945 khiến hơn 2 triệu người Việt Nam bị chết, chính là bởi nguyên nhân từ những "điều tốt đẹp” từ ngoại bang Pháp.

Đối với đế quốc Mỹ, trong 21 năm xâm lược Việt Nam, chúng đã trút xuống nước ta hơn 15 triệu tấn bom, đạn để tàn phá làng mạc, đô thị, hạ tầng cơ sở, giết hại, làm tàn phế hàng triệu người dân. Có khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ được Mỹ sử dụng để làm rụng lá rừng và phá hủy mùa màng. 

Trong số này, có hơn 71,8 triệu lít chất da cam có chứa chất dioxin và hậu quả dai dẳng, đau lòng là có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm; trong đó, khoảng 3 triệu người là nạn nhân; hàng trăm nghìn người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba bị dị dạng, dị tật bẩm sinh. Hơn 3 triệu trên tổng số 10,3 triệu héc - ta rừng của Việt Nam bị phá hủy...

"Điều tốt đẹp” của ngoại bang còn được thể hiện dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp đã gây ra tới 13 cuộc thảm sát đẫm máu người dân Việt Nam; trong đó, Pháp 12 cuộc, lực lượng Bình Xuyên 1 cuộc. Dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, Hoa Kỳ và quân đồng minh gây ra 32 cuộc thảm sát; trong đó, 12 vụ do quân đội Việt Nam cộng hòa; 12 vụ do lính đánh thuê Đại Hàn; 7 vụ do quân đội Hoa Kỳ; 1 vụ do Đại Việt quốc dân đảng. Mỗi cuộc thảm sát đều có từ hàng chục đến hàng trăm người dân vô tội bị giết hại. 

Điển hình như cuộc thảm sát ngày 25/4/1954 bằng ném bom của quân Pháp vào khu trại tập trung của bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (cũ) khiến cho 444 người dân vô tội hầu hết là phụ nữ, người già, trẻ em bị thiệt mạng. Cuộc thảm sát sáng 16/3/1968, ở Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, lính Mỹ xả súng giết hại dã man hơn 500 dân làng không có vũ khí và cũng chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và cả trẻ sơ sinh. 

Ở miền Bắc, sự kiện máy bay B52 Mỹ ném bom rải thảm tối ngày 26/12/1972 vào khu phố Khâm Thiên, Hà Nội khiến 577 người chết và bị thương...

Với những tội ác tày trời của ngoại bang Pháp, Mỹ, Trương Nhân Tuấn chắc chắn không phải mang "mối lo” của một kẻ bán nước rằng, "… đồng bào Việt Nam có sẵn lòng hy sinh để bảo vệ đất nước, khi một ngoại bang nào đó xâm phạm lãnh thổ hay không?”. Bởi lẽ, để có được nền độc lập, tự do và cơ đồ phát triển đất nước tốt đẹp như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam phải đánh đổi biết bao hy sinh xương máu của nhiều thế hệ người dân. Chân lý soi đường của dân tộc ta là "Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. 

Bởi thế, để thống nhất đất nước, trước đây, dù đất nước còn muôn vàn khó khăn, quân dân miền Bắc vẫn vững vàng khí thế "Thóc không thiếu một cân/Quân không thiếu một người” cùng với cách mạng miền Nam đánh đuổi ngoại xâm. 

Trái ngược với chế độ Việt Nam cộng hòa (VNCH), dù được Mỹ đổ biết bao nhân lực, tiền của, vũ khí tối tân, nhưng thể chế chính trị của những con rối bị giật dây luôn hỗn loạn, nên chỉ từ 1960 đến 1965 mà có đến 7 cuộc đảo chính. Nạn tham ô, tham nhũng trong giới chức chóp bu và đám tướng lĩnh quân đội thi nhau đục khoét tiền viện trợ của Mỹ, tạo nên mâu thuẫn gay gắt giữa các đảng phái chính trị, suy giảm tinh thần binh sĩ. Để rồi, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu những năm tháng cuối đời trên đất Mỹ vẫn bị bọn "ba que” lôi ra trước đám đông yêu cầu trả lời về 16 tấn vàng bị nghi là Thiệu biển thủ từ ngân khố VNCH. Gái điếm ở miền Nam đông đến hàng trăm nghìn người để thỏa mãn cho hàng triệu lính viễn chinh Mỹ; nạn xì ke, ma túy tràn lan trong giới trẻ. 

Cụm từ "đi lính”, đi "quân dịch” luôn là nỗi ám ảnh, chán chường của thanh niên lúc bấy giờ với câu ca cửa miệng: "Rớt tú tài anh đi trung sĩ/Em ở nhà lấy Mỹ cho xong…”. Nhắc lại câu ca này còn giống như cái tát vào mặt Trương Nhân Tuấn khi hắn ca ngợi "điều tốt đẹp” của ngoại bang Pháp, Mỹ và thật nực cười khi hắn bày tỏ muốn đấu tranh để "… các thế hệ tương lai Việt Nam không còn sống cảnh "trai làm nô, gái làm tì" cho ngoại bang, ngay trên đất nước của mình”. 

Một thể chế chính trị thối nát, quân đội nhu nhược, "hèn với giặc, ác với dân” như thế, nên khi đang sử dụng lực lượng hải quân mạnh nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ mà quân đội Sài Gòn đành bỏ chạy trước những chiếc tàu nhỏ, cũ kỹ và để mất quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc bởi, sự đi đêm giữa Bắc Kinh và Washington. Khi đối diện với quân đội ta trong Chiến dịch mùa xuân năm 1975, phía quân đội VNCH trên khắp các mặt trận đều lần lượt nhận lệnh "triệt thoái” từ chính phủ bù nhìn, rồi ngửa cổ than rằng "bị đồng minh Mỹ bỏ rơi”.

Hàng chục năm qua, dù đất nước Việt Nam được sống trong bầu không khí hòa bình, nhưng thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, mỗi năm cả nước ta có biết bao thanh niên lên đường nhập ngũ với tinh thần sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc - bảo vệ những thành quả cách mạng tốt đẹp mà họ đang thừa hưởng; trong đó, có rất nhiều thanh niên viết đơn tình nguyện. 

Cùng đó, Việt Nam luôn coi trọng tăng cường tiềm lực quân sự và năm 2023 theo bảng xếp hạng sức mạnh quân sự của trang web phân tích quốc phòng độc lập Global Firepower, nước ta xuất sắc vươn lên vị trí 19 thế giới. 

Quy mô kinh tế ngày càng tăng, quyền lực mềm và sức ảnh hưởng được công nhận rộng rãi, Việt Nam giữ vững vị thế trong top 30 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022, theo xếp hạng của hãng US News & World Report. Chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Hình ảnh đất nước ta thay đổi mạnh mẽ từ nông thôn đến thành thị, khiến nhiều người Việt xa Tổ quốc lâu năm trở về đã thốt lên: "Đi lạc giữa quê mình”. 

Thu nhập bình quân 57 USD/người năm 1980 và năm 2022 đã tăng lên 4.162 USD... Bởi thế, những lời lẽ trong bài viết "Câu hỏi trước ngày 30 tháng Tư” của Trương Nhân Tuấn; đặc biệt là sự kỳ vọng vào những "điều tốt đẹp” của ngoại bang Pháp, Mỹ đã tạo hiệu ứng ngược, khiến những người Việt Nam chân chính chẳng ai tin vào sự bịa đặt của hắn. 

Đồng thời, nhìn rõ dã tâm của hắn là lợi dụng sự kiện 30 tháng 4, khi đám "ba que”, bọn chống cộng cực đoan còn đang tiếc nuối quá khứ ê chề để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, kích động, chia rẽ đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam. 

Trương Nhân Tuấn sang Pháp từ năm 1980 khi đã 24 tuổi - cái tuổi đủ để hiểu biết nỗi thống khổ của người Việt Nam trước ngoại bang xâm lược. Bây giờ, hắn tự xưng là "một người viết sử” mà phớt lờ sự thật lịch sử, bất chấp đúng sai để viết ra những lời bịa đặt như vậy, còn vì hắn phải chống cộng để "ghi danh” hòng kiếm ăn từ các hội nhóm phản động bằng những đồng tiền dơ bẩn lừa dối cộng đồng người Việt ở nhiều nước - một cách kiếm ăn rất phổ biến của bọn chống cộng cực đoan ở nước ngoài.

Sơn Nam

Tags Trương Nhân Tuấn kẻ lưu vong Tiếng Dân chống phá Đảng

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi về tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cấp ủy các cấp ở Yên Bái bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo tổ chức triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) tỉnh từ khi thành lập đến nay đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, quyết tâm chính trị của tỉnh trên lĩnh vực PCTN,TC. Yên Bái đã ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều văn bản quan trọng về công tác nội chính, cải cách tư pháp và PCTN,TC trên địa bàn.

Niềm tin gửi vào Đảng. (Ảnh: T.L)

Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC), góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn, là "cẩm nang” đối với công tác đấu tranh PCTN,TC ở nước ta.

Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái tham quan trưng bày với chủ đề “Ký ức thời hoa lửa” tại Bảo tàng tỉnh.

Giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, sinh viên là việc làm thường xuyên được các cấp ủy cũng như các cơ sở giáo dục ở Yên Bái chú trọng. Để phù hợp với đặc điểm, tình hình trong mỗi giai đoạn, công tác này lại được đổi mới để kịp thời định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ, phát huy tối đa vai trò của thanh niên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục