Quy chụp việc xử lý cá nhân sai phạm thành "chiến dịch đánh tư sản”
Thời gian qua, nhân việc các cơ quan chức năng của Nhà nước tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, xử án đối với một số doanh nhân vi phạm pháp luật như: Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC; bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam; ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát; ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh …, trên một số trang mạng xã hội, các tổ chức và cá nhân chống phá đã đặt ra những câu hỏi nhằm đánh tráo bản chất, hướng lái các vụ án sang chiều hướng tiêu cực, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng ta với đội ngũ doanh nhân.
Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị xuyên tạc việc khởi tố, điều tra các bị can trên là "nhắm vào giới doanh nhân, giới siêu giàu”. Trang của tổ chức khủng bố Việt Tân rêu rao "Chiến dịch đánh tư sản bắt đầu”, từ đó suy diễn: "Nhiều tỉ phú lần lượt bị bắt giam, một số khác đang được dự đoán sẽ xộ khám trong thời gian tới”.
Nguy hiểm hơn, chúng còn bịa ra chuyện Nhà nước "khánh kiệt” tài sản nên phải "đưa giới nhà giàu lên thớt”. Từ đó chỉ trích Đảng, Nhà nước ta "nuôi doanh nhân béo để ... thịt”, để "cướp vốn”… Đây là kiểu xuyên tạc nguy hiểm, cố tình đánh tráo bản chất vụ án, hướng lái sang vấn đề chính trị, từ đó kích động chống phá.
Các đối tượng bịa ra chuyện bắt các doanh nhân là do "đấu đá quyền lực trong đảng”, từ đó miệt thị "sống dưới chế độ độc tài cộng sản hiện nay, những đại gia, tài phiệt hoặc người giàu có tài sản đều là những người nằm trong tầm ngắm của các lãnh đạo Đảng Cộng sản, cho dù họ làm ăn chân chính cũng không thoát khỏi”.
Một số người nhẹ dạ, cả tin cũng đã đưa ra các bình luận cổ xuý cho luận điệu này, xuyên tạc vụ án hình sự sang "nghi vấn đấu đá nội bộ”…
Bốc lửa bỏ tay… doanh nhân
Đã có không ít doanh nghiệp, doanh nhân "khóc dở, mếu dở” khi xuất hiện trên mạng xã hội hình ảnh xe công an, cảnh sát đậu trước trụ sở doanh nghiệp, cùng với đó là thêu dệt chuyện doanh nghiệp, doanh nhân bị bắt, bị thanh tra… Thực chất, đây là ảnh cũ gắn với một sự kiện kỷ niệm năm thành lập doanh nghiệp.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng chống phá còn cắt ghép ảnh, ghép nối văn bản, lấy thông tin cũ "xào" lại rồi tung lên mạng, thu hút cộng đồng mạng vào xem, bình luận theo chiều hướng như doanh nghiệp này sắp phá sản, doanh nhân kia sắp vào "lò”....
Có doanh nghiệp, doanh nhân còn bị những nhóm người đến trụ sở căng băng-rôn, chụp ảnh quay phim và tung lên mạng xã hội, tạo ra những tin đồn ác ý, gây sự nghi ngờ trong xã hội, khiến các nhà đầu tư nản lòng, mất niềm tin vào doanh nghiệp.
Tin đồn, cùng với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt của các đối tượng thù địch tấn công trực tiếp vào các doanh nghiệp, doanh nhân còn nhằm mục đích sâu xa là gây hoang mang dư luận, tạo bất ổn trong xã hội, khiến người dân suy giảm lòng tin vào kinh tế đất nước.
Một số tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ; các hãng truyền thông hải ngoại thiếu thiện chí với Việt Nam đã "bốc lửa bỏ vào tay doanh nhân”, rồi suy diễn thành việc "doanh nhân đối đầu với thế lực chính trị như việc trứng chọi đá”…
Thực tế đã chứng minh Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân.
Trong thư, Bác viết: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”.
Những lời dạy của Bác, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương Việt Nam (13.10) đã được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta luôn có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”.
Trong Văn kiện Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta khẳng định: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.
Vì lẽ đó, ngày doanh nhân Việt Nam không chỉ đơn thuần là ngày tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, mà còn là ngày để mọi người đề cao cảnh giác, tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc về đội ngũ doanh nhân Việt Nam, là ngày đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
(Theo LĐO)