Đường lối ngoại giao của Việt Nam đã được Đảng ta xác định "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực.
Về quân sự, chúng ta cũng kiên định chính sách quốc phòng "4 không”, cụ thể là: "không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Đặc biệt, với tư duy mới, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã khái quát thành nguyên tắc, thể hiện cách nhìn nhận mới và thống nhất về đối tác, đối tượng. Sau khi Nghị quyết ra đời, nguyên tắc xác định và xử lý quan hệ đối tác, đối tượng được kiểm nghiệm qua thực tiễn và khẳng định tính đúng đắn.
Do đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã đưa nguyên tắc trên thành quan điểm: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng.
Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh.
Nhờ nghệ thuật ngoại giao mà chúng ta đã không vướng vào các cuộc xung đột, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, uy tín của Việt Nam ngày càng nâng lên, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Trong quan hệ ngoại giao với các nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam vẫn vận dụng chính sách ngoại giao khôn khéo, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã thống nhất nâng cấp mối quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Ngay sau chuyến thăm của Tổng thông Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm và làm việc tại Mỹ 5 ngày.
Đây là chuyến thăm được các nhà quan sát cho rằng sẽ cụ thể hóa quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, khi hai nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện… Khi quan hệ Việt - Mỹ đạt được những bước tiến quan trọng và phát triển tốt đẹp, các thế lực thù địch một mặt kích động dư luận về những vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền của Việt Nam.
Mặt khác, đẩy mạnh tung hô nước Mỹ với những luận điệu "Việt Nam nên từ bỏ Trung Quốc để thân thiết với Mỹ” lại được réo lên không ngớt đáng tiếc cũng ít nhiều đã tác động đến một bộ phận người dân thiếu thông tin, không tỉnh táo… nên đã hùa theo lũ phản động, tung hô nước Mỹ, chê trách Chính phủ Việt Nam, kỳ vọng vào siêu cường Mỹ.
Trái lại, có không ít người vẫn tiếp tục chê bai nước Mỹ, đưa ra những bài viết, những thông tin nhằm khơi gợi thương đau do chiến tranh gây ra; bài bác nước Mỹ khi vẫn áp đặt những chính sách không thiện cảm với Việt Nam và các nước khác…, một đất nước, một chính phủ, một dân tộc không đủ tin cậy, không thể thân mật và gần gũi. Họ đưa ra những luận điểm, họ bày tỏ quan điểm không thiện cảm với nước Mỹ.
Họ nói vậy đã đủ biết họ không hiểu về chính sách ngoại giao của Việt Nam, cụ thể như; "Đối tác - Đối tượng”, "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước…”, "Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”… dù đó là quan điểm cá nhân nhưng đưa lên mạng xã hội thì ít nhiều cũng gây tác động xấu đến cộng đồng.
Tỉnh táo trước những luận điệu của kẻ xấu, trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết sâu rộng hơn; thận trọng khi phát ngôn, đăng tải, chia sẻ các bài viết lên mạng xã hội; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng… đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta, luôn vững niềm tin vào Đảng như lời Bác Hồ đã nói: "Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Lê Phiên