Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, đơn cử như điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 (điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 và được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định rõ, xử phạt tù từ 05 năm đến 12 năm đối với người có các hành vi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...)
Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra đại bộ phận (nếu không muốn nói là tất cả) những kẻ đang gây rối an ninh trật tự, chống phá chế độ xã hội dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền… ở Việt Nam đều có chung một kịch bản na ná giống nhau như: tham gia viết bài, trả lời phỏng vấn các trang mạng như RFA, VOA…, bóp méo sự thật, bôi nhọ chế độ xã hội và Đảng Cộng sản Việt Nam; in ấn, phát các tài liệu chống phá Nhà nước; tiếp đến là bị xử phạt hành chính, bị khởi tố bắt giam, một số trường hợp bị phạt tù, rồi được các tổ chức nước ngoài bảo lãnh xuất cảnh (chủ yếu sang Mỹ) chữa bệnh, sinh sống. Trong quá trình bị điều tra, giam giữ hoặc bị xử phạt tù theo luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những kẻ chống phá Nhà nước, phá hoại sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân được bè lũ phản động khoác cho cái tên "tù nhân lương tâm”.
Vậy, tù nhân lương tâm là gì? Tìm hiểu được biết, tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International - AI) là một tổ chức phi chính phủ, ra đời năm 1961. Như Nguyễn Trường Sơn - hiện là người làm phiên dịch cho AI ở Campuchia và Việt Nam trả lời phỏng vấn của RFA ngày 12-3-2019 đã nói, thì trước đây người ta thường sử dụng thuật ngữ "tù nhân chính trị”, nhưng "AI nhận thấy có rất nhiều người không hề hoạt động chính trị, mà chỉ đơn thuần thực hiện các quyền con người cơ bản của mình, hoặc các quyền công dân của mình, vì thế mà họ phải chịu cảnh tù đày, bắt bớ, đàn áp. Những người như vậy nếu xét theo tiêu chuẩn của một tù nhân chính trị thì không phải, cho nên AI đã nghĩ ra một khái niệm mới, đó là "tù nhân lương tâm”.
Và xem xét cách thức AI sử dụng khái niệm này thì phải khẳng định bản chất vấn đề là ở chỗ: AI cố tình sản xuất ra một khái niệm mập mờ để xóa nhòa ranh giới giữa người hoạt động nhân quyền đích thực với người chỉ nấp dưới chiêu bài nhân quyền để gây rối, chống đối, phá hoại. Qua thực tế sử dụng cái gọi "tù nhân lương tâm” nhằm vu cáo chính quyền tại một số quốc gia, AI tỏ rõ thái độ xem thường, bất chấp luật pháp, xâm phạm vào công việc nội bộ của một số quốc gia có chủ quyền.
Như đã nói ở phần trên, những kẻ phá hoại được khoác lên mình cái danh "tù nhân lương tâm” sau khi xuất cảnh được chính phủ nước sở tại cấp cho một khoản trợ cấp xã hội và được định cư, chúng đã đạt được nguyện vọng, thậm chí là đã thỏa nguyện… Từ đó, chúng không còn hăng hái, nhiệt tình và điên cuồng hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Các tổ chức phản động cũng thừa hiểu, những "người hùng” đã không còn giá trị sử dụng, những "tên tuổi lớn” không còn được nhắc tới. Hai chữ "lương tâm” đã biến thành "lương tháng” và để xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Các thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách cổ súy các đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn, cơ hội chính trị, nuôi dưỡng chúng cho đến khi có thêm một… "tù nhân lương tâm” mới.
Phạm Thị Đoan Trang nằm trong số những cái tên được các thế lực thù địch liên tục nhắc tới trên các diễn đàn như cá nhân "dũng cảm đấu tranh vì dân chủ nhân quyền ở Việt Nam”. Tuy nhiên trên thực tế, những cái mà Trang làm chỉ có thể gói gọn trong những hành động gây mất ổn định chính trị, bôi nhọ Đảng, Nhà nước. Theo cơ quan điều tra, đối tượng này đã soạn thảo, tán phát nhiều tài liệu có nội dung chống phá Nhà nước, đả phá thể chế, công kích chính quyền nhân dân.
Trang còn hướng dẫn kỹ năng cho các hoạt động chống phá, cấu kết với các phần tử, tổ chức trong và ngoài nước nhằm chống đối chính quyền nhân dân. Vì những hành vi này, Phạm Thị Đoan Trang đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các hành vi phạm tội tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 117, Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài Phạm Thị Đoan Trang, những gương mặt tiêu biểu cho cái gọi là "tù nhân lương tâm” ở Việt Nam thời gian qua còn có những cái tên như: Cấn Thị Thêu, Bùi Hiếu Võ, Đoàn Khánh Vinh Quang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Văn Túc, Huỳnh Trương Ca, Lê Đình Lượng, Nguyễn Ngọc Anh, Trần Thị Xuân...
Các đối tượng này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: sử dụng mạng xã hội để soạn thảo, tán phát các thông tin, tài liệu chống phá Nhà nước; lợi dụng danh nghĩa "đấu tranh dân chủ, nhân quyền", chống tiêu cực, từ thiện, môi trường… tuyên truyền chống phá chính quyền; trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài với nội dung xuyên tạc tình hình Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền...
Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, đơn cử như điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 (điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 và được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định rõ, xử phạt tù từ 05 năm đến 12 năm đối với người có các hành vi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý... Trong trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể bị xử phạt tù từ 10 năm đến 20 năm...).
Như vậy có thể khẳng định, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là "tù nhân lương tâm” mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định. "Tù nhân lương tâm”, về bản chất, là sự đánh tráo khái niệm nhằm cổ súy cho những kẻ đội lốt "dân chủ”, lợi dụng dân chủ để chống phá đất nước, vi phạm pháp luật bị kết án và phải chấp hành hình phạt tù. Mục đích chính của việc gắn mác "tù nhân lương tâm” đó là biến các đối tượng vi phạm pháp luật thành những công dân dũng cảm đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ. Đây là một âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế; cổ súy, hậu thuẫn, hỗ trợ cho số đối tượng chống đối, phá hoại công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Trao đổi với chúng tôi sau khi quyết định từ Mỹ về Việt Nam sinh sống và làm việc, bác sĩ Lê Quang Huy cho biết: "Tôi sinh ra tại Mỹ, tốt nghiệp Đại học Y khoa, tôi đã quyết định về Việt Nam học thạc sĩ và mong muốn được định cư và làm việc tại Hà Nội. Tôi quyết định như vậy là bởi Việt Nam là quê hương của tôi, đất nước của tôi, tôi mong muốn được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Việt Nam - đồng bào của tôi”.
Khi được hỏi về những phạm nhân "tù nhân lương tâm” được các tổ chức nước ngoài đưa sang Mỹ và một số nước định cư, bác sĩ Lê Quang Huy cười và nói: Họ thật ngây thơ, sao lại bỏ quê hương, đất nước của mình. Họ hòa nhập và sinh sống ra sao khi đã lớn tuổi, không có trình độ chuyên môn, nhiều người còn không nói được tiếng Anh; chắc họ chưa thấy được nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại. Người da màu bình dân bị khinh rẻ, không ít thanh niên da màu bị cảnh sát giết hại, đặc biệt là họ đã rất nhầm khi cho rằng số tiền chính phủ trợ cấp là rất lớn, giúp họ sung sướng. Xin thưa, đó là số tiền chết đói, bởi chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ, chi phí khám chữa bệnh với giá trên trời, chưa kể những vấn đề như thiếu thốn tình cảm gia đình, bạn bè, người thân… Nước Mỹ không phải là thiên đường cho tất cả, mong mọi người hiểu như vậy”.
Đừng hoang tưởng biến mình thành cái gọi là "tù nhân lương tâm” để được xuất ngoại "lĩnh lương tháng”, bao nhiêu người đã ân hận vì đã lạc lối trên đường đời.
Lê Phiên