Ngày 30/4/1975, xe tăng T34 của quân giải phóng húc đổ dinh Độc lập, tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam cộng hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và kêu gọi binh lính buông súng. Trong niềm hoan ca của cả dân tộc khi nước nhà thống nhất, không ít binh lính ngụy quân, ngụy quyền, công chức chế độ cũ và cả người dân hoảng loạn lên tàu, đáp máy bay di tản. Họ đi vì nợ máu với cách mạng, đi vì sợ bị cộng sản đàn áp, trả thù; sự lo lắng càng trở nên cao độ khi bộ máy tuyên truyền của Mỹ và chế độ cũ đã hù dọa họ, bôi đen những người cộng sản và quân giải phóng.
Câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc sẽ ngắn gọn và ít bi thương hơn nếu những người thua trận hiểu được chân lý và lẽ phải, ít nhất là chấp nhận thời cuộc. Nhưng không, một bộ phận không nhỏ (phần lớn là ở Mỹ) sau khi di tản đã tập hợp nhau lại, trở thành những hội nhóm để chống phá Nhà nước Việt Nam với mưu đồ "phục quốc”.
Bằng mọi thủ đoạn nguy hiểm, được sự "hà hơi” tiếp sức của các thế lực thù địch, chúng điên cuồng chống phá nước ta bằng nhiều hình thức từ võ trang như Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Hoàng Cơ Minh; những tổ chức khủng bố như Việt Tân; mới đây nhất là vụ tấn công trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, những kẻ khủng bố theo sự chỉ đạo của phản động lưu vong đã sát hại cán bộ và người dân, đập phá trụ sở, tài sản Nhà nước.
Cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch, bọn phản động lưu vong cấu kết với những kẻ bất mãn, "tự chuyển hóa” trong nước là một cuộc chiến trên nhiều mặt trận, đặc biệt là mặt trận văn hóa, tư tưởng; đây là một cuộc chiến thực sự cam go và quyết liệt, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân yêu nước phải hết sức cảnh giác, phải kiên quyết, kiên trì. Sau khi Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị "về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” ra đời đã được cả hệ thống chính trị quán triệt, học tập và tổ chức triển khai thực hiện, đã thu được kết quả rất tích cực.
Bằng phương pháp đấu tranh đa dạng, chủ động và rất tích cực, chúng ta đã từng bước làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; bộ mặt thật, tâm địa xấu xa của những kẻ phản động đội lốt "dân chủ” dần lộ diện, dù chúng áp dụng thủ đoạn tinh vi để ẩn mình tới đâu. Cũng nhờ công tác tuyên truyền, đến nay, người dân đã nhận thức rõ, không phải Việt kiều nào cũng phản bội Tổ quốc, cũng quay lưng lại với dân tộc. Trái lại, đại bộ phận đồng bào xa Tổ quốc vẫn gắn bó với quê hương; sống trên đất khách quê người họ tập trung làm ăn, tận dụng cơ hội để phát triển nên đã hòa nhập với cộng đồng sở tại, đạt được nhiều thành công trên các lĩnh vực, từ đó đóng góp cho đất nước và trợ giúp người thân nơi quê nhà; nhiều doanh nhân thành đạt đã trở về quê hương mang theo nguồn lực đầu tư làm ăn và gặt hái được nhiều thành công.
Không ít doanh nhân, trí thức, quan chức chế độ cũ còn nỗ lực hòa giải dân tộc; ngay cả những nhân vật tiếng tăm như tướng Nguyễn Cao Kỳ, luật sư Hoàng Duy Hùng hay trung úy Nguyễn Ngọc Lập… cũng đã trở về, có sự nhìn nhận đúng đắn và có những việc làm cụ thể, thiết thực. "Đu càng” là từ ngữ chỉ bọn bỏ nước ra đi và luôn quay lưng lại với quê hương, chắc chắn họ không phải là những người ra đi vì chưa hiểu gì về những người cộng sản, những đoàn quân giải phóng, càng không phải là những Việt kiều yêu nước, biết khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.
Mỗi năm tết đến, xuân về Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài lại tổ chức Chương trình "Xuân quê hương” đây là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn nhằm kết nối kiều bào với trong nước, là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con và vinh danh các tập thể, cá nhân kiều bào có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước.
Thật xúc động khi thấy những người đã từng bên kia chiến tuyến, đã từng chống phá Nhà nước Việt Nam, những doanh nhân thành đạt, những trí thức trẻ tuổi… đang định cư ở nước ngoài, trong đó phần lớn ở Hoa Kỳ đã đóng góp những ý kiến tâm huyết với lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong buổi gặp mặt đầm ấp; mọi người cùng chia sẻ niềm vui khi nước nhà cường thịnh.
Chương trình "Xuân quê hương” và rất nhiều các hoạt động, các chính sách là những việc làm thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45, Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện rõ ràng quan điểm của Đảng đối với kiều bào; quan điểm nhất quán, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Hơn 5 triệu đồng bào đang sống ở 130 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới vẫn gắn bó với quê hương, vẫn là một bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam. Phản động lưu vong, nuôi dưỡng lòng hận thù, điên cuồng chống phá đất nước, quay lưng lại với đồng bào… chỉ là thiểu số. Những hành động diễu võ, dương oai, vẫy cờ vàng ba sọc của mấy ông bà già đi không vững trên đường phố California thật chẳng khác nào trò hề. Mộng "phục quốc” chỉ là những cơn mê sảng của Việt Tân cùng Đào Minh Quân (đã xưng hoàng đế) và cái gọi là "Chính phủ lưu vong”.
Ca khúc "Bài ca thống nhất” của nhạc sĩ Võ Văn Di đã, đang và sẽ hòa với niềm vui của muôn triệu người Việt Nam, dù trong hay ngoài nước để mừng Ngày Thống nhất; nó sẽ thức tỉnh những cái đầu u mê và cảnh báo những kẻ còn điên cuồng chống phá Tổ quốc rằng: "Phục quốc” chỉ là giấc mộng ngàn thu!
Lê Phiên