Trân trọng tiếng lòng sâu thẳm!

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2020 | 8:38:02 AM

YênBái - “Tên tôi là William Hubert. Năm nay tôi đã 95 tuổi, đang sống tại miền nam bang California - Hoa Kỳ. Tôi là một cựu chiến binh từ cuộc chiến Việt Nam năm 1964 ở Sài Gòn, tôi xin được góp chút tiền, chung tay với nhân dân Việt Nam chống dịch bệnh Covid-19. Xin liên lạc với tôi ở số điện thoại (…) để trao đổi thêm”.

Cựu chiến binh Mỹ William Hubert.
Cựu chiến binh Mỹ William Hubert.


Đó là bức điện thư mà tôi nhận được từ ông William Hubert, qua hộp thư tòa soạn kênh Văn hóa Việt Nam TV (VHVNtv-Vietnam Culture TV), và tôi đã có cuộc trò chuyện với cụ ông William Hubert. Câu chuyện khá thú vị về một người lính Mỹ già rất đáng ghi ra đây để quý bạn đọc cùng suy ngẫm.

20 triệu VND, số tiền mà ông muốn tôi đích thân đem đến Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đóng góp "Như một món quà tinh thần rất nhỏ, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn cho sự bao dung của nhân dân Việt Nam đã đối xử rất tốt với tôi, một cựu chiến binh Mỹ...”. 

Cụ William Hubert mở đầu câu chuyện với tôi như vậy! Trong suốt nửa tiếng trò chuyện với ông, tôi được hiểu thêm vì sao trong lòng mỗi cựu chiến binh Hoa Kỳ đều có chung một tâm tình, một sự mặc cảm nào đó mỗi khi nhắc lại cuộc chiến tranh đã đi qua 45 năm. William Hubert đến Việt Nam, là sĩ quan cấp tá về thông tin năm 1964. Hoạt động trong quân đội Mỹ 27 năm. Trở lại thăm Việt Nam từ năm 1997, và sau đó về thăm thêm 3 lần nữa.

"Tôi đã chứng kiến Việt Nam từ năm 1964 đến hôm nay, từ một đất nước bộn bề chiến tranh, một Sài Gòn năm xưa đầy màu sắc rằn ri của quân đội, các quán bar, động gái điếm. Vậy mà bây giờ, một thành phố Hồ Chí Minh năng động, trung tâm kinh tế, giao dịch sầm uất không thua kém bất cứ thành phố tiên tiến nào của thế giới. Lần về gần nhất của tôi là năm 2018.” 

Ông kể: "Mỗi lần về Việt Nam, ngoài những chuyến đi đến chốn cũ, trước từng đóng quân ra để xem lại, tìm lại những kỷ niệm xưa, tôi đã lạc lối vì không còn nhận ra cảnh cũ nữa. Tất cả như một giấc mơ đã qua. Những khu rừng, những bãi ruộng, khu căn cứ năm xưa, giờ đã thành những tòa nhà, những khu chung cư, những vùng dân cư đông đúc, không còn hoang vắng như trong trí nhớ của tôi nữa. 

Việt Nam hôm nay đã có những thay đổi thần kỳ! Và con người Việt Nam hôm nay, cũng đã khác hẳn ngày xưa. Giờ phần lớn họ đều rất trẻ. Tuổi trẻ của họ hướng về tương lai. Gặp ai, tôi cũng thấy trong ánh mắt là niềm vui, là hạnh phúc và dường như câu chuyện hận thù quá khứ giữa Mỹ và Việt Nam đã không còn nữa. 

Có rất nhiều sinh viên trẻ gặp tôi để trò chuyện. Họ muốn thực tập tiếng Anh. Lúc đầu, tôi có chút e dè, sợ họ truy vấn về quá khứ chiến tranh, nên tôi luôn có sẵn những câu trả lời cho phải lẽ, để giải thích sự ân hận của tôi, một cựu chiến binh Mỹ thua trận, về cuộc chiến đã qua. Nhưng không, các bạn trẻ ấy lại không thích, không muốn nghe nhiều về chiến tranh. Họ hỏi tôi về nước Mỹ hôm nay, về quan điểm chính trị của Tổng thống Trump, về kinh tế nước Mỹ. 

Tôi nhận ra rằng, chúng tôi, thế hệ đi qua chiến tranh đã lạc nhịp với những người trẻ Việt Nam hôm nay”. William Hubert chia sẻ và thú nhận rằng, ông đang có ý định về Việt Nam sống hết quãng đời còn lại. "Với số tiền hưu khoảng 3.000 USD hàng tháng, tôi nghĩ mình sống đủ ở Việt Nam nhỉ?”. 

Ông cũng nghĩ rằng: "Chúng ta cũng nên khép lại quá khứ, để hướng tới tương lai. Hãy xem quá khứ là bài học để không lặp lại những sai lầm nữa. "Sự đoàn kết trong hòa bình là xu thế chung của nhân loại. Quan hệ Mỹ - Việt ngày càng gần gũi, nhân dân hai nước càng có nhiều sự thông cảm với nhau hơn”.

Khi biết ông ở miền Nam California, rất gần với cộng đồng người Việt ở Little Saigon, tôi hỏi ý kiến ông về những người Việt sống ở đây như thế nào, một cách khá dè dặt, ông nói: "Thú thật, tôi không muốn trả lời câu hỏi này, vì nếu nói đúng với thực tế, sẽ rất đau lòng, vì tôi biết vẫn còn tồn tại một số người Việt ở cộng đồng còn chưa hết mang trong lòng sự hận thù. Họ không về Việt Nam kể từ tháng 4/1975, nên thiếu thông tin thực tế. Tôi còn nghe mấy người bạn Việt của tôi nói, họ muốn chống cộng vì những mục tiêu khác, không hẳn vì chính trị…”. 

Sau câu nói lấp lửng, ông kết luận: "Lịch sử đã đi qua, thời gian đã hơn 45 năm, hơn một thế hệ mới đã trưởng thành, tôi nghĩ người Việt Nam nên khép lại quá khứ và cùng nhau nhìn về tương lai, để cùng xây dựng quê hương Việt Nam tốt hơn. Đến người Mỹ và Việt Nam, từ thù đã thành bạn, đã hợp tác ở tầm chiến lược, tại sao các anh (người Việt) với nhau mà vẫn còn nhiều khoảng cách?...”. 

Câu hỏi ông William Hubert nêu ra cuối cuộc trò chuyện với tôi, cũng là một câu hỏi chung của nhiều người thiện chí đối với đất nước. Và, mùa dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một loại "giặc” mà qua đó, mỗi người chúng ta có cùng đồng lòng đẩy lùi "kẻ thù vô hình” này hay không, đó là lương tâm và trách nhiệm mỗi người, nhưng việc đóng góp của ông - người cựu chiến binh Mỹ già, chắc chắn người Việt ở hải ngoại cần phải suy nghĩ lại, để có trách nhiệm với đất nước và dân tộc.

Câu trả lời vẫn còn mở ngỏ, tùy vào mỗi người, mỗi hoàn cảnh!              

 Trường Nguyễn

Các tin khác
Hội CCB xã Púng Luông tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Phong trào “Ba bỏ”.

Những năm qua, các cấp Hội cựu chiến binh huyện Mù Cang Chải đã tích cực phối hợp, vận động, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy thông qua Phong trào “Ba bỏ” (bỏ trồng; bỏ hút; bỏ tàng trữ, vận chuyển buôn bán trái phép chất ma túy).

Đồng chí Đoàn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh trao bằng khen của Trung ương Hội cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” năm 2018.

Kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) cũng là dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái (5/5/1990 - 5/5/2020, đã khẳng định được vị trí, vai trò của Hội là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Việc nhân dân ta kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng một trận quyết chiến chiến lược với sức mạnh hùng hậu nhất, ý chí quyết tâm cao nhất là nhờ nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo đưa đến việc giải phóng Sài Gòn gần như còn nguyên vẹn.

Thanh niên Thủ đô Hà Nội phấn khởi lên đường tòng quân chống Mỹ, cứu nước năm 1972.

Là Thủ đô, trái tim của cả nước, Hà Nội có trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn hai mươi năm, Thủ đô Hà Nội luôn hướng về miền Nam, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đến thắng lợi cuối cùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục