Với những lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, Yên Bái là nơi hội tụ nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết. Tỉnh có tiềm năng đất đai rất lớn, trong đó, đất nông - lâm nghiệp, thủy sản có 588.096 ha.
Đặc biệt, với diện tích cây chè gần 8.000 ha, Yên Bái đứng thứ 2 về diện tích và sản lượng chè của cả nước. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến chuyên sâu, chế biến tinh gắn với thị trường tiêu thụ các sản phẩm chè vùng cao. Cây quế cũng được đánh giá là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, chất lượng quế thuộc vào loại tốt nhất. Với diện tích gần 70.000 ha, tỉnh ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chuyên sâu, chế biến tinh các sản phẩm vỏ quế khô, sản xuất trà quế và tinh dầu quế…
Cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Yên Bái đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, uy tín như Alphanam, TH, Euro Window, APEC, TNG... triển khai các dự án lớn với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, 80% các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, còn lại là các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và thương mại, dịch vụ...
Yên Bái cũng sở hữu tài nguyên khoáng sản đa dạng với 257 mỏ và điểm mỏ thuộc các nhóm năng lượng, vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp, kim loại và nước khoáng… Trong đó, trữ lượng đá vôi trắng trên 2,4 tỷ m3; kim loại có quặng sắt chữ lượng khoảng 200 triệu tấn.
Đây là các tiềm năng nguyên vật liệu rất lớn để sản xuất xi măng, đá ốp lát các loại, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghệ hóa mỹ phẩm...
Với tính đa dạng của cảnh quan thiên nhiên và sắc tộc của cộng đồng, Yên Bái còn có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Trong đó, phải kể đến Khu du lịch Danh thắng hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha cùng 1.300 hòn đảo lớn nhỏ; Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải rộng 2.300 ha được báo chí Mỹ ca ngợi có vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất thế giới…
Năm 2019, Yên Bái đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Về kinh tế đối ngoại, trên địa bàn tỉnh có 25 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 405 triệu USD, đầu tư vào các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, nông - lâm nghiệp, sản xuất công nghiệp dệt may; thương mại, dịch vụ; công nghiệp gia công, lắp ráp. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đã đạt 170 triệu USD, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ đá, chè xanh, chè đen và tinh dầu quế đến các thị trường như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong năm, tỉnh có 266 doanh nghiệp được thành lập mới. Trong lĩnh vực du lịch, Yên Bái đã đón trên 700.000 lượt khách du lịch, trong đó 150.000 lượt khách quốc tế. Những con số trên đã góp phần giúp GRDP năm 2019 tăng vượt bậc, đạt 7,03% (cao nhất từ trước tới nay), đưa tỉnh trở thành một trong những điểm đến giàu tiềm năng của các nhà đầu tư.
Yên Bái đang phát triển mạnh, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng giao thông. Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa bàn tỉnh dài trên 80 km đã rút ngắn khoảng cách từ Yên Bái tới các vùng kinh tế trọng điểm với đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa để phục vụ nhu cầu phát triển, giao thương nội bộ cũng như hoàn thiện việc nối Yên Bái với những địa điểm quan trọng trong bản đồ kinh tế Việt Nam.
Những năm gần đây, tỉnh đã đề ra các chính sách thu hút đầu tư phù hợp với lợi thế và định hướng phát triển của địa phương, từng bước trở thành một trong những điểm đến tốt nhất cho nhà đầu tư. Ngoài việc áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh có nhiều cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ cho các nhà đầu tư như: tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, đơn giản hóa các thủ tục hành chính được áp dụng; thành lập riêng một Ban Chỉ đạo nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thông qua Chương trình "Cà phê doanh nhân”, chính quyền địa phương được đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác hiệu quả hơn.
Yên Bái đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hệ thống cơ sở hạ tầng gồm: điện, nước, thông tin liên lạc và dịch vụ viễn thông, vận tải, tài chính, ngân hàng, y tế, cũng như các cơ sở đào tạo nghề với một số nghề đã được đào tạo đạt chuẩn cấp độ ASEAN. Tất cả những yếu tố trên đã tạo điều kiện cho Yên Bái trở thành nhịp cầu quan trọng kết nối khu vực mậu dịch tự do ASEAN, là một mắt xích, điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh và các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, Yên Bái luôn chào đón các nhà đầu tư nói chung, các nhà đầu tư đến từ các nước ASEAN nói riêng cùng hợp tác, đánh thức, khai thác tiềm năng và cùng nhau gặt hái được thêm nhiều "trái ngọt” từ các mối quan hệ hợp tác này trong tương lai.
Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái