Từ thành phố Yên Bái theo tỉnh lộ 172 Hợp Minh - Mỵ mới được mở rộng, rải nhựa phẳng lỳ, các phương tiện di chuyển chỉ khoảng 40 phút là tới trung tâm xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn.
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Lịch đang ra sức thi đua hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đồng thời huy động cán bộ, nhân dân chỉnh trang, làm sạch các tuyến đường chính ở trung tâm xã, đường ngõ xóm để cùng với quân và dân vùng Tây Bắc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc.
Mặc dù bận rộn nhiều công việc, nhưng các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã vẫn dành thời gian cùng chúng tôi ôn lại lịch sử truyền thống 75 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ và nhân dân xã Đại Lịch; dâng hương tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thọ ở trung tâm xã; thăm một số cán bộ lão thành cách mạng đã từng tham gia trong Đội Du kích Đại Lịch.
Vừa rót trà mời khách, đồng chí Phạm Tuấn Anh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Lịch vừa giở cuốn lịch sử truyền thống của Đảng bộ và nhân dân xã Đại Lịch giới thiệu: "Đại Lịch là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, tiếp giáp với Chiến khu cách mạng Vần - Hiền Lương, có vị trí chiến lược rất quan trọng "Tiến có thế công, lùi có thế thủ” nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đại Lịch được chọn làm căn cứ kháng chiến của huyện Văn Chấn và được chọn làm thí điểm xây dựng căn cứ du kích.
Vì vậy, Đại Lịch được củng cố vững chắc về cơ sở Đảng, chính quyền, các đoàn thể cứu quốc và lực lượng du kích; trừng trị kịp thời những tên việt gian phản động, giữ cho được xã Đại Lịch không để rơi vào tay giặc, làm căn cứ bàn đạp đưa cán bộ, bộ đội tiến sâu vào vùng hậu địch. Lúc này, Đại Lịch trở thành điểm xuất phát của các mũi xung kích luồn sâu vào hậu địch, là nơi hậu cần tiếp tế cho lực lượng hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, là nơi đón tiếp, trung chuyển thương binh, bệnh binh… ".
"Sau một thời gian xây dựng mọi mặt chuẩn bị cho kháng chiến, thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tại cuộc mít tinh ngày 20/10/1947 ở bãi bằng Khe Liền, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đại Lịch đã nhanh chóng xây dựng lán trại ở những nơi hiểm yếu trong rừng để người già, trẻ em sơ tán, cất giấu tài sản chống sự đánh phá, cướp bóc của giặc, triệt để làm vườn không, nhà trống khi giặc càn tới. Đồng thời, khẩn trương tổ chức lực lượng du kích, sắm thêm vũ khí, tập luyện quân sự sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ kháng chiến, giữ vững đường dây liên lạc với cấp tỉnh để nhận chỉ thị của tỉnh về kế hoạch đánh địch...", đồng chí Phạm Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Cùng ôn lại truyền thống những năm tháng gian khổ, hào hùng kháng chiến chống Pháp của quân và dân xã Đại Lịch, cụ Hà Văn Tích - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đại Lịch, năm nay đã 89 năm tuổi đời, 59 năm tuổi Đảng vẫn minh mẫn, kể lại: "Tôi tham gia Đội Du kích thiếu niên Đại Lịch năm 1947, lúc đó mới 14 tuổi nên được phân công nhiệm vụ làm liên lạc cho Huyện bộ Việt Minh. Tôi vẫn nhớ như in, mở đầu cho chiến dịch đánh giặc tại quê hương là trận phục kích đánh địch ở khe Nước Mát (Điều Cuồng) ngày 15/11/1947, địch áp giải một đoàn phu gánh gạo, thực phẩm từ đồn Đồng Bồ (Chấn Thịnh) ra đồn Dọc (Việt Hồng) thì bị du kích của xã nổ súng đánh bất ngờ, địch hoảng hốt tháo chạy, ta giải thoát đoàn phu, thu toàn bộ lương thực, thực phẩm và 1 khẩu súng".
"Trận này để lại tiếng vang lớn, khích lệ tinh thần của du kích, quyết tâm đánh giặc bảo vệ nhân dân. Đây là trận mở đầu của chiến tranh du kích ở địa phương mang ý nghĩa chiến lược quan trọng trong chiến tranh nhân dân, Chi bộ Đảng và Ủy ban Kháng chiến đã kịp thời phát động phong trào toàn dân đánh giặc, nhân dân trong xã đã sử dụng súng kíp, nỏ, giáo, làm bàn chông, hố chông, bẫy đá trên đường địch hay qua lại để phục kích đánh địch...”, cụ Tích nói .
Trong những chiến công oanh liệt của quân và dân Đại Lịch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, từ các cụ già đến thế hệ trẻ hôm nay ai cũng tự hào về trận đánh địch ở đèo Din và tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thọ. Đèo Din có địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu và có con đường độc đạo nên trận địa có thế thuận lợi cho ta và rất khó khăn cho địch.
Trận này, ta tiêu diệt 2 tên Pháp trong đó có tên trung úy chỉ huy, 5 lính ngụy và làm 11 tên bị thương, thu 3 khẩu súng. Trong trận này, tấm gương chiến đấu anh dũng của liệt sĩ thiếu niên Hoàng Văn Thọ - chiến sĩ du kích đầu tiên của Đại Lịch hy sinh anh dũng càng làm cho tinh thần của lực lượng du kích và nhân dân địa phương thêm quyết tâm đánh giặc giữ làng, bảo vệ quê hương.
Những trận đánh địch của quân và dân Đại Lịch ở đèo Din, Gốc Lai (Đồng Mè), Lũng Bũm, đèo Đát (thôn Lường), Khe Căng, Khe Sén ở thôn Bằng Là đã làm âm mưu của địch bị thất bại nặng nề. Thời kỳ này, cùng với nhiệm vụ chống địch càn quét, bảo vệ quê hương, du kích Đại Lịch còn phối hợp với các đơn vị bộ đội và du kích các xã bạn phục kích đánh địch ở làng Mỵ, Đồng Bồ, Ca Vịnh, đồn Vần - Dọc… bảo vệ thành công khu căn cứ kháng chiến, làm điểm tập kết các lực lượng, từ đó tỏa đi khắp nơi giải phóng Nghĩa Lộ và vùng Tây Bắc.
Cụ Hà Văn Tích - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đại Lịch, đội viên Đội Du kích Đại Lịch giới thiệu kỷ vật chiến tranh "Hũ gạo nuôi quân”.
Tính từ tháng 10/1947 đến tháng 5/1950, du kích Đại Lịch đã tổ chức đánh 29 trận, tiêu diệt 5 lính Pháp, 25 lính ngụy, làm bị thương 40 tên địch, thu 6 súng trường, 2 súng máy và nhiều đạn dược... Nhiều trận chiến đấu của quân và dân Đại Lịch đã đi vào lịch sử của lực lượng vũ trang huyện Văn Chấn như: Lũng Bũm, Đèo Din, Đồng Mè… với tấm gương anh dũng hy sinh của những người con Đại Lịch như: Hoàng Văn Thọ, Phạm Ngọc Tự, Hoàng Văn Vinh, Hoàng Văn Quang…
Những chiến công oanh liệt của quân và dân xã Đại Lịch đã góp phần làm nên những huyền thoại đèo Lũng Lô; Chiến thắng Nghĩa Lộ phố; đặc biệt là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” giành độc lập, chủ quyền cho dân tộc...
Phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống của quê hương anh hùng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Lịch đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong giai đoạn 2015 - 2022, nhiều tiến bộ khoa học được ứng dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả: xã xây dựng ổn định vùng chè với diện tích trên 290 ha, sản lượng bình quân đạt trên 3.000 tấn, giá trị thu hoạch hàng năm đạt trên 9 tỷ đồng; vùng cây ăn quả có múi diện tích trên 60 ha, sản lượng bình quân đạt trên 1.000 tấn, giá trị thu hoạch hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng; vùng cây nguyên liệu giấy trên 1.500 ha gắn với công nghiệp chế biến tại chỗ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với việc phát huy tiềm năng lớn về đất đai để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, cán bộ và nhân dân xã Đại Lịch đã đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng nghìn mét vuông đất cùng nhiều tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới để năm 2016 xã Đại Lịch được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xã dự ước đạt 48,5 triệu đồng; đến nay xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Ghi nhận những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Lịch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Đại Lịch đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương chiến công hạng Hai; Huân chương Lao động hạng Hai...
Minh Hằng