Mười hai ngày đêm, chiến thắng của chính nghĩa và phẩm giá Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/12/2022 | 2:33:31 PM

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng huyền thoại Chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm đánh thắng B52 vẫn sáng ngời trong tâm thức mỗi người con đất Việt.

Nhà báo Phạm Việt Tùng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời chụp ảnh chung sau khi bức ảnh máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp được công bố. (Ảnh tư liệu)
Nhà báo Phạm Việt Tùng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời chụp ảnh chung sau khi bức ảnh máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp được công bố. (Ảnh tư liệu)

Nhà báo chiến trường, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Phạm Việt Tùng, nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, phóng viên Điện ảnh Công an nhân dân, tác giả những thước phim quý giá quay B52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội đã chia sẻ với bạn đọc Báo Nhân Dân những ký ức một thời hào hùng ngày ấy.

Chủ động đón đánh B52 từ sớm, từ xa

PV: Là nhà báo chiến trường trực tiếp tham gia Chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm đánh B52, xin ông cho biết góc nhìn của ông về công tác chuẩn bị của chúng ta như thế nào?

Nhà báo-NSƯT Phạm Việt Tùng: Chúng tôi là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, được vinh dự quay phim các nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, góp phần quan trọng vào chiến thắng đó. Đế quốc Mỹ muốn áp đặt ý chí của họ lên chúng ta. Chúng ta không có cách nào khác là phải đập tan ý đồ này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại rằng, ngay từ năm 1967, Bác Hồ đã nhận định, đế quốc Mỹ sẽ đánh ra Hà Nội bằng B52 và Mỹ chỉ thua khi thua trên bầu trời Hà Nội. Không chỉ chuẩn bị về mặt tinh thần, chúng ta còn cử bộ đội vào tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh đánh thử B52 để lấy kinh nghiệm. "Cẩm nang bìa đỏ” về cách đánh B52 đã được đúc kết bằng máu. Năm 1971, phi công Vũ Đình Rạng dùng máy bay MIC 21 đánh du kích trên không, đã tiếp cận và bắn thương tích một chiếc B52, chứng thực khả năng thất bại của huyền thoại này. Sự kiện này đã được Mỹ và quốc tế ghi nhận.

Cuối tháng 12/1972, trước sự tráo trở của phía Mỹ trên bàn hội nghị Paris, chiều 18/12/1972, đồng chí Lê Đức Thọ về đến Hà Nội. Đêm hôm đó, 90 lượt B52 với hàng trăm máy bay yểm trợ ập vào ném bom Hà Nội, Hải Phòng, hòng "đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”. Nhiều người xung phong ra trận. Quân và dân Thủ đô hừng hực khí thế đánh bại B52! Ai cũng muốn góp phần nhỏ để giành chiến thắng.

Tôi đã đi đến rất nhiều mặt trận, thu lại những hình ảnh quý giá làm tư liệu. Khi đó, tôi không cảm thấy sợ hãi, mà chỉ nghĩ làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ, nếu có hy sinh thì mình là liệt sĩ.


Máy bay B52 cháy rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh PHẠM VIỆT TÙNG)

Chiến thắng của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

PV: Việt Nam đã chiến thắng trong 12 ngày đêm trước B52 của Mỹ như thế nào, thưa ông?

Nhà báo-NSƯT Phạm Việt Tùng: Chúng ta luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và nhất định phải thắng. Để tìm được vị trí ghi hình tốt nhất, tôi cùng đồng nghiệp Trần Duy Nghĩa đã tìm những nóc nhà cao nhất để quay phim trực chiến. Khi đó, địch ở trên dội bom, bắn tên lửa xuống, ở dưới mặt đất, lưới lửa phòng không Hà Nội và các điểm bảo vệ Hà Nội tầng tầng lớp lớp nhả đạn lên. Hà Nội không đèn mà sáng rực.

Đến 3 giờ sáng 18/12, tôi đã thu hình ảnh B52 đầu tiên rơi. Rất tiếc độ nhạy của phim quá kém, không cho phép ghi lại hình ảnh đó. Trong đêm, tôi nhận nhiệm vụ lập tức lên cánh đồng Phủ Lỗ (Đông Anh, Hà Nội) để ghi hình máy bay B52 rơi. Chúng tôi phải chạy xe gần 6 giờ để vượt qua quãng đường 28km bị bom đạn cày nát. Sau này, tôi được biết, chiếc máy bay này do Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261, do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy bắn rơi... Tin chiến thắng khắp nơi dồn dập báo về. Máy bay địch rụng rất nhiều trên bầu trời Hà Nội và khắp miền bắc.

Nhưng Chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm còn rất nhiều huyền thoại khác. Trận địa Chèm (Thụy Phương-Từ Liêm, Hà Nội), nơi đóng trận địa của Tiểu đoàn 77 Tên lửa với Anh hùng Đinh Thế Văn. Những phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nằm trực chiến tại trận địa đó. Điều tôi khâm phục nhất chính là sự mưu trí, sáng tạo, biến không thể thành có thể của các chiến sĩ Tiểu đoàn 77.

Chỉ trong 3 ngày đầu, Tiểu đoàn 77 đã bắn rụng bốn B52 của Mỹ bằng lối đánh táo bạo: "Vạch nhiễu tìm thù”, "Vượt trước nửa góc”, "Mở mắt tìm B52”. "Cái gì cũng có điểm yếu của nó. Và chúng tôi phải tìm ra điểm yếu ấy. Chúng tôi nhận thấy, B52 đi đến đâu thì nhiễu đến đó. Các trắc thủ phải tìm được luồng nhiễu lớn nhất, ổn định nhất, xác định chính là nhiễu của B52.

Khi luồng nhiễu đó di chuyển đến tầm khoảng cách trước tầm bắn 35-40km, chúng tôi bật ra-đa để xác định B52 trong vòng chưa tới 10 giây”, Đại tá Đinh Thế Văn đã chia sẻ chuyện này khi tôi đến ghi hình ở trận địa Chèm - Người chỉ huy phải quyết định thật nhanh, thật chính xác thời điểm phóng đạn.

Lối bắn "Vượt trước nửa góc” do chiến sĩ Nguyễn Văn Đức-một anh nuôi, trong hoàn cảnh đặc biệt, được phân công làm nhiệm vụ sĩ quan điều khiển, sáng tạo ra. Lối bắn B52 của anh vận dụng cách bắn chim sẻ của nông dân trên đồng ruộng: Bắn vào điểm chim bay đến. Lối bắn "Vượt trước nửa góc” này đã được phổ biến trên toàn mặt trận của ta, trở thành lối đánh ưu việt tiêu diệt nhiều B52 của Mỹ.

Đêm 27/12, chiếc B52 duy nhất bị bắn rơi khi chưa kịp cắt bom là do Tiểu đoàn 72, Trung đoàn tên lửa 285 đóng tại trận địa Đại Chu, Phong Châu, Yên Phong, Hà Bắc-do Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt chỉ huy. Chiếc máy bay này rơi xuống hồ Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Hà Nội. Trên nền trời đen kịt là cột phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 phố Quán Sứ sừng sững hiên ngang. Nơi xác máy bay rơi, ngày nay ta đã xây Bảo tàng B52.

Lịch sử đã chứng minh lời nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hoàn toàn chính xác: Lúc khó khăn nhất chính là lúc tinh thần và trí tuệ, bản lĩnh người Việt Nam được phát huy mạnh mẽ nhất. Chúng tôi, những người ghi chép lịch sử bằng phim và tất cả những người có trí tuệ và lương tri đều tin tưởng điều này.

Lịch sử cần được tô đậm

PV: Nhìn lại chặng đường 50 năm sau chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, ông có suy nghĩ gì?

Nhà báo-NSƯT Phạm Việt Tùng: Sau chiến thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Mỹ buộc phải ngồi lại vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Chúng ta đã "Đánh cho Mỹ cút” như Bác Hồ nói, và chuẩn bị tiến lên "Đánh cho Ngụy nhào” vào 2 năm sau đó.

Suy ngẫm về sự kiện này, tôi không chỉ thấy chiến thắng. Cái giá chúng ta phải trả rất lớn! Đó là bao sinh mạng người dân sau những trận bom rải thảm ở Bạch Mai, Khâm Thiên, An Dương...

Nhiều chiến sĩ và dân quân đã hy sinh... Đài Tiếng nói Việt Nam phải dừng phát thanh 9 phút vì bom Mỹ... Đau thương biến thành lòng căm hờn, tiếp thêm sức mạnh cho quân ta chắc tay súng, vững niềm tin. Trong khói lửa đạn bom, tình yêu và lòng nhân hậu của người Việt Nam vẫn sáng ngời. Khi kẻ thù hoành hành trên không thì chúng ta quyết tiêu diệt. Nhưng chúng ta vẫn đối xử nhân đạo với tù binh phi công, dành cho họ những chăm sóc y tế, cuộc sống tốt nhất có thể trong hoàn cảnh chiến tranh, khó khăn lúc đó.

Đó là tình người Việt Nam! Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là 12 ngày đêm chiến thắng của tình yêu cuộc sống đối với cái chết, là sự chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh và "phẩm giá Việt Nam”. Càng tự hào về chiến công ấy bao nhiêu, tôi càng mong muốn những trang sử vàng ấy được các thế hệ sau nhắc lại.

Không phải để ôm mãi quá khứ, không phải để kích động bạo lực và chiến tranh. Mà nhắc lại là để chúng ta ôn cũ biết mới, như những liều vắc-xin giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trước bất kỳ kẻ thù nào. Để cho thế hệ sau tự hào hơn về những gì cha ông họ đã làm, thêm tự tin hơn trước những biến cố trong cuộc sống.

PV: Xin cảm ơn nhà báo-NSƯT Phạm Việt Tùng!

(Theo NDO)

Các tin khác

Chiến thắng Nghĩa Lộ đã góp phần làm tiền đề, cơ sở vững chắc cho quân và dân ta tiếp tục tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiến thắng có tính quyết định buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Đây sẽ mãi là mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tự hào của nhân dân Nghĩa Lộ, nhân dân Yên Bái nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Trải qua 70 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo với quyết tấm xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa phía Tây tỉnh Yên Bái để tiếp tục viết nên những trang sử mới.

Diện mạo thị xã Nghĩa Lộ hôm nay.

Chiến thắng Nghĩa Lộ vào ngày 18/10/1952 là dấu mốc chói lọi, mở màn cho Chiến dịch Tây Bắc toàn thắng, tạo tiền đề quan trọng cho chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Vòng xòe đêm hội Mường Lò

Mường Lò - Nghĩa Lộ được biết đến là một trong bốn vựa lúa trù phú của miền Tây Bắc, năm 1948 bị thực dân Pháp chiếm lại và xây dựng trở thành một trong bốn phân khu quân sự mạnh nhất ở vùng Tây Bắc. Viên quan Tư chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ tuyên bố “Phải 5 năm nữa Việt Minh mới có khả năng đánh Nghĩa Lộ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục