“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” từ góc nhìn của một nhà báo nữ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 17/12/2022 | 8:20:48 AM

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12-1972 _ 12-2022), ngày 16-12, tại Đường sách TPHCM, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu cùng tác giả - cựu nhà báo Tô Minh Nguyệt nhân dịp ra mắt ấn phẩm Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô.

Tác giả Tô Minh Nguyệt (giữa) cùng nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại chương trình
Tác giả Tô Minh Nguyệt (giữa) cùng nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại chương trình

Cùng tham gia vào chương trình, ngoài tác giả Tô Minh Nguyệt còn có nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. Cả ba từng có thời gian gắn bó ở Hà Nội, từng trải qua những năm tháng đau thương khi Hà Nội ngập chìm trong bom đạn của 12 ngày đêm lịch sử cách đây 50 năm. Đặc biệt, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã mang đến chương trình những hiện vật gắn liền với Hà Nội một thời như balo, mũ rơm, mũ cối, dép cao su. Những hiện vật đó làm thức dậy rất nhiều ký ức buồn vui, đau khổ, hạnh phúc… trong tâm thức của những người từng sống ở Hà Nội thập niên 60, 70 của thế kỷ trước.

Nhà báo Tô Minh Nguyệt, sinh năm 1944 tại làng Láng (Hà Nội). Bà tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), nguyên phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam. Trước Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô, tác giả Tô Minh Nguyệt từng có một số cuốn sách được xuất bản như: Người mẹ Hà Nội (1981), Tình yêu và cuộc sống (1983), Địa chỉ mùa xuân (1985), Một thời không xa vắng (1993), Bầu trời xanh (1997)…

Trong số các tác phẩm viết về trận Điện Biên Phủ trên không, tập truyện - ký của tác giả Tô Minh Nguyệt có sắc thái riêng biệt hẳn. Bà không nói về vết thương chiến tranh với thái độ đả kích hay hằn học. Cuốn sách là những câu chuyện gia đình, câu chuyện của một người chị, một người con và một người mẹ. Đọc Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô, người ta thấy ở đó sự can trường của người phụ nữ, của một thế hệ chịu thương, chịu khó và rất lạc quan dù tình cảnh cực kỳ đau thương.


Những hiện vật từng gắn bó với nhiều người dân Hà Nội một thời, được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mang đến chương trình

Theo chia sẻ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, điều ông ấn tượng nhất ở tập sách này là những trang viết của 50 năm trước, lúc tác giả Tô Minh Nguyệt còn là phóng viên. Thời điểm trước, trong và sau sự kiện B-52 ném bom Hà Nội, bà là phóng viên chiến trường, trực tiếp đi tác nghiệp. Nhờ đó, qua mỗi trang viết của cựu nhà báo Tô Minh Nguyệt, người đọc hôm nay như được sống trong chiều kích thời gian, không gian của đời sống thường nhật lúc bấy giờ.

Chương trình ra mắt sách Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô là dịp để tất cả mọi người cùng nhìn lại những gì trong quá khứ, nhìn lại thời bom đạn, với biết bao câu hỏi, trăn trở, về một thế hệ, một thời đại - những con người đầy khát vọng, lý tưởng hừng hực của tuổi trẻ ngày xưa nay đã là những bậc lão thành. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ ngày nay có thể tìm hiểu về sự quật cường và sức mạnh dân tộc trong thời kỳ đầy khốc liệt. Làm sao có được một sức mạnh dân tộc đoàn kết, làm sao mà cả một thế hệ thanh niên có thể cống hiến trọn vẹn tuổi xuân, trọn vẹn sức sống cho đất nước trong hoàn cảnh sống như vậy.

Khi được yêu cầu gửi một lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ ngày hôm nay, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải bày tỏ: "Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng, chúng tôi đã hết lòng trong thế hệ của chúng tôi, và giờ các bạn cũng hãy hết lòng với thế hệ của mình”. 

(Theo SGGP)

Các tin khác
Cựu chiến binh Nguyễn Huy Hảo - cán bộ tiền khởi nghĩa.

Ông Nguyễn Huy Hảo là cán bộ tiền khởi nghĩa và cựu chiến binh đã trực tiếp sát cánh cùng đồng chí, đồng đội tham gia chiến đấu với không quân Mỹ khi chúng điên cuồng bắn phá mảnh đất Yên Bái, đặc biệt trong Chiến dịch Linebacker II của Hoa Kỳ, từ ngày 18 tháng 12 đến ngày 30 tháng 12 năm 1972.

Các bạn trẻ thăm quan gian trưng bày những hiện vật lịch sử tỉnh Yên Bái giai đoạn chống Mỹ cứu nước tại Bảo tàng tỉnh.

Một sớm mùa đông, tôi tìm đến Bảo tàng Yên Bái - nơi trưng bày những hiện vật và tư liệu lịch sử về mảnh đất con người Yên Bái, nơi tôi sinh ra, lớn lên và nguyện gắn bó cả cuộc đời mình.

Trung tướng, phi công Phạm Tuân (người thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Sân bay Yên Bái.

Một trong những chiến công trên mặt trận chiến đấu trên không đã đi vào lịch sử của không quân nhân dân Việt Nam, đó là ngày 27/12/1972, từ Sân bay Yên Bái, phi công Phạm Tuân đã thực hiện chuyến bay chiến lược, xuất kích chiến đấu bắn rơi pháo đài bay B.52 của Mỹ trong Chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Cục Văn hóa cơ sở trao giải Nhất cuộc thi sáng tác tranh cổ động cho tác giả Phạm Ngọc Mạnh, Báo Phụ nữ Việt Nam.

Chiều 14/12, tại khu vực quảng trường Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức khai mạc triển lãm tranh cổ động tấm lớn và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (18/12/1972 - 18/12/2022).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục