Hư ảo những “nấc thang vàng”

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/10/2013 | 3:11:24 PM

YBĐT - Tôi lên Mù Cang Chải lần này vào tiết cuối thu. Xe tới đầu đèo Khau Phạ, nhìn xuống bên phải đã thấy Bản Lìm. Thiên nhiên và con người nơi đây đã khéo cùng nhau tạo nên một phong cảnh thật hùng vĩ mà cũng rất trữ tình. Đèo thì là Sừng Trời, chân đèo là đồng ruộng, bản làng do con người tạo ra như một bức tranh thêu.

Những “nấc thang” tới trời.
Những “nấc thang” tới trời.

Từng tốp, từng tốp dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp và dân “phượt”, đủ các loại máy, các cỡ ống kính, đang “chĩa” tất cả xuống bản mà thi nhau bấm máy. Tiếc một chút là trời còn thiếu nắng. Thiếu thì thiếu, cứ phải bấm vài kiểu cho đã. Nghe giọng nói cũng đủ biết có cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Họ đã vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số bằng ô tô, xe máy đến đây cùng mê mải, xuýt xoa, trầm trồ.

Có gì hấp dẫn họ đến vậy? Câu trả lời không mấy khó khăn. Đó là cảnh vật, con người miền Tây, nhất là ruộng bậc thang, là mùa vàng Mù Cang Chải. Hay nói khác đi, là tiếng gọi của những giá trị lao động, văn hóa, danh thắng trên miền đất này. Cho nên dù không quen biết họ vẫn hồ hởi chia sẻ cho nhau những cảm xúc, thông tin cho nhau những nơi cần đến. Vì họ cùng chung một đam mê, chung một tình yêu với đất và người miền Tây Yên Bái này và khi đứng trước cái đẹp, cái hùng vĩ, con người ta cũng tốt lên, đẹp lên, xích lại gần nhau thêm thì phải.

Còn tôi, khi nhìn thấy những những đồi, những núi ruộng bậc thang, tôi cứ nghĩ mãi về cái sản phẩm của sự khai hoang, vỡ đất, hoạt động sản xuất nông nghiệp này của người Mông từ bao đời nay vì miếng cơm manh áo tại sao lại cho du khách nhiều cảm xúc đến như vậy? Phải chăng khi sáng tạo ra nó- ruộng bậc thang- người Mông không chỉ vì tính vụ lợi, vì những giá trị vật chất mà còn hướng tới cái đẹp, cái cao cả, gửi gắm vào đó ý chí, nghị lực, trí tuệ, văn hóa và khát vọng cuộc sống của cả dân tộc mình.

Họ đã làm cho kết quả lao động sản xuất của mình trở thành một công trình nghệ thuật. Nghệ thuật hai tính năng, vừa có giá trị vật chất, đáp ứng cho nhu cầu lương thực để tồn tại, lại vừa chứa đựng tính thẩm mỹ, để nó đáp ứng khát vọng và thỏa mãn thẩm mỹ của con người về cái đẹp và cái hùng vĩ.

Có gì liên hệ giữa người Mông với ruộng bậc thang? Tôi đã cất công tìm hiểu, biết làm ruộng bậc thang là một loại hình canh tác nông nghiệp độc đáo đã có vài nghìn năm nay của một số tộc người vùng núi nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Phi-líp-pin, Inđônêxia…; biết ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, cũng có nhiều dân tộc làm ruộng bậc thang nhưng sao tôi vẫn yêu, vẫn thích ruộng bậc thang của người Mông hơn cả.

Trước chuyến đi này tôi đã biết câu chuyện về “hòn đá cổ ruộng bậc thang” ở Chế Cu Nha, Mù Cang Chải. Người Mông ở đây bảo sở dĩ họ biết san núi, san đồi thành ruộng bậc thanh là do “trời” dạy. Trời đã vẽ mô hình ruộng bậc thang lên một phiến đá ở đầu bản Chế Cu Nha, người Mông cứ theo đó làm thành ruộng bậc thang. Họ coi Chế Cu Nha là quê hương của ruộng bậc thang.

Lần này, tôi đã lên đến tận nơi có phiến đá ấy. Mặt phiến đá rộng gần 2m2, khá bằng phẳng, có những đường vân lượn sóng giống như ruộng bậc thang. Trong lúc ngồi nghỉ bên hòn đá cổ lại được người dẫn đường kể cho nghe câu chuyện thứ 2 có liên quan tới ruộng bậc thang. Ấy là có ruộng rồi nhưng chưa biết trồng cây gì xuống đó thì vào một đêm trời mưa to, bão lớn, sấm chớp đùng đùng, cây cối, nhà cửa nghiêng ngả, bỗng xuất hiện một đàn trâu rừng chạy đuổi nhau khắp vùng núi này. Khi tan mưa bão  không thấy đàn trâu đâu, chỉ còn lại những nốt chân trâu rất to.

Hôm sau, từ  những nốt chân trâu ấy mọc lên một loại cây, thân cao, nở hoa, cho hạt. Đem hạt đó bỏ vào ống nứa lam lên thì ăn rất ngon. Người Mông thấy thế liền lấy hạt đó làm giống để gieo trồng. Hạt mọc ở nốt chân trâu có nước thì đem cấy vào ruộng bậc thang, hạt ở nốt chân trâu khô đem cấy trên nương. Từ đấy mà thành 2 giống lúa: lúa ruộng và lúa nương.

Có thể đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, là sự giải thích các hiện tượng tự nhiên bằng trí tưởng tượng nhưng không thể không thấy rằng ruộng bậc thang và cây lúa nước đã xuất hiện ở vùng đất này từ rất lâu rồi và người Mông đã huyền thoại hóa sức mạnh lao động, sáng tạo, văn hóa ẩm thực, văn minh lúa nước của dân tộc mình thành những truyện cổ dân gian giống như người Kinh đã sáng tạo ra “Sơn Tinh, Thủy Tinh” hay “Bánh chưng, bánh dày” vậy.

Đó là những huyền thoại nhưng cũng có chuyện thực 100% mà người Mông ở đây vẫn truyền tụng. Đó là vào những năm 60 của thế kỷ trước, ông Giàng A Thào ở Sùng Đô (Văn Chấn), trước cảnh thiếu thóc gạo, không cam chịu đói ông đã vỡ đất núi, đất đồi thành ruộng bậc thang và tích cực tuyên truyền mọi người cùng làm. Cả một phong trào làm ruộng bậc thang khắp các bản làng, từ Cao Phạ, Nậm Có, Mồ Dề, Kim Nọi, đến Khau Mang, Lao Chải, Hổ Bốn, Chế Tạo… nhờ đó mà người Mông thoát đói.

Ông Giàng A Thào đã được Khu tự trị Tây Bắc lúc đó mời làm chuyên gia về ruộng bậc thang cho cả Khu, Nhà nước cũng phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho ông. Bây giờ đi đến đâu Mù Cang Chải cũng thấy ruộng bậc thang. Mùa cầy bừa, tích nước làm ngỡn cấy, ruộng bậc thang như những dải lụa bạch mềm mại; lúc lúa vào thì “con gái” thì như những tấm thảm xanh lơ lửng trên các sườn đồi, sườn núi nhưng đẹp nhất là mùa lúa chín, thật đúng là những “nấc thang”, những “mâm xôi” vàng.

Song nhiều nhất, tập trung nhất và cũng đẹp nhất là ruộng bậc thang của 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình, có tới 500ha. 3 xã này lại liền kề nhau, cùng gối lên bờ dãy Hoàng Liên và nhìn xuống dòng Nậm Kim thơ mộng, tạo nên cái “kiềng vàng” của Mù Cang Chải. Lên xem, chụp ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải mà chưa đến Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình là coi như chưa khám phá hết danh thắng cấp quốc gia này.

 Nguyễn Hiền Lương

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục