Hội tụ tinh hoa di sản

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/9/2022 | 7:44:24 AM

YênBái - Sau nghi lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhân dân và khán giả xem truyền hình cả nước cùng bước vào một không gian nghệ thuật vô cùng đặc sắc để chiêm ngưỡng, trải nghiệm và cảm nhận những nét văn hóa độc đáo và tinh túy qua Chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”.

Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với công nghệ    âm thanh và ánh sáng hiện đại tạo nên một màn trình diễn mãn nhãn.
Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với công nghệ âm thanh và ánh sáng hiện đại tạo nên một màn trình diễn mãn nhãn.

Mường Lò - Nghĩa Lộ, Yên Bái - nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, xứ sở của những nét văn hóa đa sắc màu, đêm 24/9, triệu nhịp tâm hồn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã hòa với triệu triệu trái tim của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài vui mừng được đón nhận Bằng của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trời Mường Lò đương thu. Sự đỏng đảnh của cái tiết thu ấy khiến nhiều người yêu Mường Lò, yêu Xòe Thái tối hôm 24/9 từ hồi hộp, lo lắng chuyển sang vui mừng y như cái buổi chiều tối ngày 15/12/2021 khi mà Xòe Thái được xem xét công bố thông qua hồ sơ, chính thức ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mưa rả rích suốt cả buổi chiều nhưng rồi đến đúng 20h10’, trời trở nên tạnh ráo để Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 được diễn ra trang trọng, ấm nồng, đậm chất văn hóa Thái Tây Bắc.

Những khán đài kín người dân và du khách - những người may mắn khi nhận được tấm vé miễn phí từ Ban Tổ chức mới thấy sức hút của Xòe Thái với công chúng. Buổi lễ thêm phần trang trọng và người Thái Tây Bắc được nhân thêm niềm vui khi có sự tham dự của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại biểu Đại sứ quán các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Cộng hòa Pháp và đại diện các tổ chức quốc tế. 

Về phía tỉnh Yên Bái, có sự hiện diện của các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cùng lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và một số địa phương. 

Trong bài phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: "Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO đối với "Nghệ thuật Xòe Thái” hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt; tôn vinh và tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại”. 

Chia sẻ ấy đã làm ấm lòng biết bao thế hệ nghệ nhân dân gian, nhân dân, những người yêu mến văn hóa Thái Mường Lò. 

Bà Hoàng Thị Mến, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ phấn khởi: "Lãnh đạo quan tâm đến gìn giữ văn hóa dân tộc, vui lắm! Mỗi người dân chúng tôi đều phải có ý thức để bảo vệ và để Xòe Thái còn mãi cho muôn đời sau”. 

Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ vui vẻ chia sẻ: "Sự quan tâm của lãnh đạo là điều mà mỗi người dân rất cần trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống của mỗi tộc người. Sự quan tâm ấy vừa là động viên vừa là mệnh lệnh tập hợp ý chí của cộng đồng”. 

Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trao Bằng của UNESCO cho lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Ngay lúc đó, tại sân khấu của đêm vinh danh, tấm bằng công nhận ấy đã trực tiếp được trao lại cho lãnh đạo và đại diện nghệ nhân dân gian của 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. 

Pháo sáng bung trên sân khấu như cảm xúc vỡ òa của tất cả mọi người có mặt tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ thời khắc ấy cũng như những người hâm mộ điệu Xòe Thái khắp cả nước và trên thế giới. Tấm bằng không chỉ mang theo niềm vinh dự, tự hào của các nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân tộc Thái, người dân 4 tỉnh Tây Bắc mà là "ngọn đuốc soi đường” như trong lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi lễ: "Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới đã khẳng định: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 

Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc với những đặc trưng riêng có của từng dân tộc, từng vùng miền. Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc anh em, là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử đồng thời là kinh nghiệm, thể hiện thái độ ứng xử của người Việt Nam. 

Tôn vinh "Nghệ thuật Xòe Thái” là tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa, nghệ thuật, của tinh thần đoàn kết, của lòng nhân ái, của tinh thần lạc quan, của tư duy bảo tồn và phát triển, của nét sống hòa hợp với thiên nhiên, của tinh thần trách nhiệm lịch sử không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của tất cả những người dân Việt Nam”. 

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính còn trích dẫn lời ca của dân tộc Thái: "Không xòe không vui. Không xòe cây ngô không ra bắp. Không xòe cây lúa không trổ bông. Không xòe trai gái không thành đôi” khiến người dân Mường Lò, cộng đồng người Thái Tây Bắc có mặt tại buổi lễ vô cùng phấn khích. 

Nghệ nhân Lò Văn Xơi, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu xúc động: "Thủ tướng Chính phủ biết cả dân ca của người Thái chúng tôi, thật tuyệt vời! Xòe Thái, văn hóa Thái đã được quan tâm gìn giữ, đã được cả thế giới biết đến rồi. Yêu lắm Xòe Thái!”. 

Có nhiều ý kiến cho rằng, sự quan tâm của lãnh đạo là "chìa khóa” để xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng có ý kiến nhận định rằng, chính vẻ đẹp của xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình dân vũ truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc; mang biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp... là lý do để xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể. 

Đúng vậy, cả 2 lý do ấy đã đưa xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đáp lại sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc 4 tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên cam kết sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản "Nghệ thuật Xòe Thái” nói riêng và các di sản văn hóa nói chung theo phương châm "lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động”, "biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương và của đất nước với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.


Chương 2: "Miền di sản” thể hiện những nét văn hóa độc đáo trong đời sống của cộng đồng người Thái Tây Bắc. 

Sau nghi lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhân dân và khán giả xem truyền hình cả nước cùng bước vào một không gian nghệ thuật vô cùng đặc sắc để chiêm ngưỡng, trải nghiệm và cảm nhận những nét văn hóa độc đáo và tinh túy qua Chương trình nghệ thuật chào mừng với Chủ đề: "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”.

Đúng như lời giới thiệu của Ban Tổ chức trước buổi lễ, Chương trình nghệ thuật là một vở đại vũ kịch hoành tráng kể về lịch sử và những nét đặc trưng trong văn hóa Thái, chủ sở hữu của Xòe Thái - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với liên tiếp những đại cảnh công phu, lộng lẫy và hoành tráng, là sự kết hợp hài hòa giữa bản đại vũ kịch dân gian Tây Bắc và bản giao hưởng của đất trời.

Chương trình nghệ thuật được thể hiện qua các màn biểu diễn của trên 900 diễn viên chuyên nghiệp và nghệ nhân, người dân 4 tỉnh Tây Bắc kết hợp cùng công nghệ âm thanh và ánh sáng đã tạo nên một màn trình diễn mãn nhãn. Trong Chương 1 - "Thiên di - Dựng bản, lập mường” là câu chuyện tái hiện truyền thuyết từ hàng ngàn năm trước, người Thái dựng bản, lập mường, khai phá những vùng đất mới và tạo nên những cánh đồng lúa rộng lớn "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” của vùng Tây Bắc. 

Ở Chương 2 - "Miền di sản” thể hiện những nét văn hóa độc đáo trong đời sống của cộng đồng người Thái Tây Bắc Việt Nam như: tắm suối, Hạn khuống, đám cưới - tằng cẩu, dệt thổ cẩm... Chương 3 - "Tinh hoa nghệ thuật Xòe” là những màn trình diễn "Nghệ thuật Xòe Thái” hoành tráng, độc đáo với sự tham gia của 2.022 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng và thể hiện qua những hình tượng văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

Cô Nguyễn Thị Huyền - một du khách đến từ phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang hào hứng: "Buổi lễ vinh danh thì rất trang trọng, còn chương trình nghệ thuật thì rất hoành tráng! Những câu chuyện kể khiến người xem dễ dàng hiểu phần nào đó về lịch sử của xòe Thái và những nét văn hóa của người Thái nên rất ấn tượng!”.

Bạn Đức Hiếu đang theo học một trường nghệ thuật đến từ tỉnh Hải Dương chia sẻ: "Tôi rất hào hứng với âm nhạc bản địa. Qua chương trình, tôi hiểu thêm về nghệ thuật âm nhạc, trang phục người bản địa”. 

Là một diễn viên tham gia trực tiếp vào Chương trình nghệ thuật, nghệ nhân Vì Thị Vui ở bản Him Lam 2, phường Him Lam, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên bày tỏ: "Tôi tự hào khi được cùng đoàn của tỉnh đến Mường Lò để đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa nhân loại cho xòe Thái. Lại được tham gia vào một vai diễn nhỏ trong chương trình nghệ thuật, tôi vinh dự lắm! Cũng là văn hóa của dân tộc mình thôi nhưng trên sân khấu với ánh sáng, âm thanh trở nên thật lạ và rất tuyệt!”.

Kết thúc chương trình nghệ thuật là vòng xòe bất tận. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh, các nghệ nhân và nhân dân cùng nắm tay vui điệu xòe hoa của bản làng Tây Bắc. 



Thanh Ba

Tags Nghệ thuật Xòe Thái di sản UNESCO

Các tin khác

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hoá - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 diễn ra trong niềm vinh dự, tự hào của đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung. Trong nhiều ngày qua, thị xã miền Tây được sống trong không khí lễ hội sôi động và hoành tráng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, du khách trong và ngoài nước.

Tối nay - 24/9, tỉnh Yên Bái vinh dự phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên long trọng tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái phát biểu đáp từ tại Lễ đón nhận.

Sau ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã phát biểu đáp từ. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái.

Tối 24/9, phát biểu chỉ đạo tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây vừa là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi chúng ta nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương, các thế hệ nghệ nhân dân gian dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục