Xuân về lễ hội đình Làng Dọc

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/2/2012 | 10:13:50 AM

YBĐT - Đình làng dọc nằm ở làng Dọc, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Làng Dọc có tên cổ là bản Giuộc hay bản Lọc, nghĩa tiếng Tày là bản rừng rậm. Nơi đây xưa kia mọc nhiều cây dọc, quả được dân bản ép làm dầu thắp sáng. Đình được xây dựng từ thế kỷ 19, đến đời vua Khải Định, đình được ban sắc phong.

Thi đẩy gạy trong lễ hội đình làng Dọc xuân Nhâm Thìn 2012.
Thi đẩy gạy trong lễ hội đình làng Dọc xuân Nhâm Thìn 2012.

Đình gồm 5 gian 2 trái, kiến trúc chữ “đinh”. Gian trước được làm theo kiến trúc cúng thờ. Hiên trái phía đông được chọn làm cửa chính vào đình. Nét đặc dị này do dải đồi nơi xây dựng đình tạo nên và chính điều đó đã góp phần làm nên cảnh trí độc đáo của đình làng Dọc. Đình nhìn ra suối nước trong xanh có mỏ nước ngầm chảy bốn mùa, tương truyền đó là long mạch của đình và trên mỏ nước là phiến đá lớn nơi còn lưu giữ vết chân ngựa của người xưa đến vùng đất này khai khẩn. Sân trước đình hẹp, kề sát vực suối và mỏ nước ngầm. Trái đình kề dải đồi dốc thấp được chọn làm nơi lên xuống, đón khách chiêm bái. Ngoài ra, kiến trúc của đình cũng có sự giao thoa giữa lan can của người Tày và kiểu dáng nhà đất của người Kinh.

 Lễ hội đình làng Dọc được tổ chức 2 kỳ trong năm, vào mồng 3 mồng 4 tháng Giêng Âm lịch (gọi là lễ Hạ điền) và 13, 14 tháng 7 âm lịch (lễ hội cầu Thần Nông). Lễ cúng trong các ngày hội gồm 4 mâm cỗ chay và 27 mâm cỗ mặn. Riêng lễ tháng 7 còn có thêm thịt trâu hay thịt dê. Lễ hội đình làng Dọc mang đậm sắc thái của người Kinh và người Tày cổ, trong đó có sự pha trộn giữa nghi thức tế lễ của người Kinh với các điệu múa xòe then của dân tộc Tày. Những ngày đầu xuân, Đảng ủy, chính quyền xã đã tích cực phối hợp để tổ chức tốt phần lễ và phần hội trong ngày mùng 3, mùng 4 tháng Giêng.

Với tâm nguyện cầu cho mạ xanh lúa tốt, cầu an lành, thịnh vượng, nhà nhà ấm no hạnh phúc..., phần lễ được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, không lợi dụng mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, phần hội cũng được tổ chức rất đa dạng, phong phú với các trò chơi ném còn, kéo co, đẩy gậy. Ngoài thờ thần linh, thờ Thành Hoàng làng, đình làng Dọc còn thờ ông tổ họ Phạm (hai người này được vua Khải Định ban sắc phong) và 6 dòng họ khác có công khai khẩn vùng đất này từ thế kỷ 18.

 Đình làng Dọc là một trong hai ngôi đình còn sót lại sau chiến tranh của tỉnh Yên Bái. Vì thế, lễ hội đình làng Dọc không chỉ mang đậm mầu sắc tâm linh mà qua đây lưu truyền và bảo tồn được nét đẹp cùng những giá trị đặc sắc của văn hoá truyền thống, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đây cũng là dịp để những người đang sống tưởng nhớ đến tổ tiên ông cha đã có công khai khẩn ra mảnh đất này.

Gắn với lịch sử thăng trầm của vùng đất phía tây nam của tỉnh, được thừa hưởng sự linh thiêng của đời xưa, đình làng Dọc có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng. Hội đình đã thu hút được nhân dân các dân tộc Tày, Kinh, Thái của xã Việt Hồng và xã Đại Lịch huyện Văn Chấn về dự lễ hàng năm. Đặc biệt, năm 2005, đình làng Dọc được công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tuy nhiên trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi đình đã xuống cấp trầm trọng. Để góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, năm 2010, đình làng Dọc đã được xây dựng lại với số tiền gần 600 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, của huyện, của tập thể và cá nhân cung tiến. Đây là điều kiện tốt để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trong vùng.

            Thu Phượng

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục