Thưởng thức bánh chưng gù độc đáo của người Dao đỏ

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/2/2015 | 7:53:19 AM

Đối với đồng bào Dao đỏ ở Yên Bái, đón Tết cổ truyền, ngoài những lễ vật như xôi, thịt, rượu thì không thể thiếu những chiếc bánh chưng gù truyền thống để thờ cúng tổ tiên. Để làm được một chiếc bánh chưng gù phải trải qua rất nhiều giai đoạn. Trước hết cần chọn được những nguyên liệu tốt: gạo phải là loại gạo nếp nương ngon, đỗ xanh là loại đỗ hạt nhỏ, ruột vàng, thịt lợn ba chỉ ngon và lá dong dáng đẹp.

Để tạo ra những chiếc bánh có hình “gù”, đòi hỏi sự khéo léo của phụ nữ người Dao. Khi gói, phải đặt lá dong xuống bàn, cho gạo nếp vào sao cho vừa chiếc lá, nhiều gạo quá sẽ không gói được, ít quá bánh sẽ không đẹp. Sau đó trộn thêm đỗ và thịt, gấp hai mép lá dong lại với nhau tạo thành đường cong (gù) cho chiếc bánh, lấy lạt buộc chắc lại, đem đi luộc khoảng 8 tiếng.

Bánh chưng gù của người Dao đỏ còn có loại bánh đen. Nguyên liệu có thêm loại rơm của giống gạo nếp nương phơi khô, đốt thành tro. Gạo nếp sau khi vo sạch, để ráo nước sẽ trộn với loại tro đó để có được màu đen tuyền đặc trưng.

Chị Triệu Thị Bình, một người con Dao đỏ của làng Văn hóa Cẩu Vè, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái khi nhớ lại ký ức tuổi thơ cùng cha mẹ gói bánh lưng gù, chị rất xúc động: “Khi còn nhỏ, tôi được cùng bố mẹ gói bánh của dân tộc. Bây giờ công tác xa nhà, nhưng mỗi khi Tết đến về thăm quê, tôi lại được thưởng thức hương vị của quê hương mình, nơi mà mình đã sinh ra, lớn lên. Những ký ức đó luôn trong tâm trí tôi. Mùi vị của bánh làm tôi không thể nào quê với gạo nếp nương dẻo thơm, vị bùi của đỗ và ngầy ngậy của thịt”.

Dân tộc Dao là một trong số các dân tộc ít người ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở một số tỉnh trung du và ven biển Bắc bộ như: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh…. Trong cộng đồng người Dao đỏ ở Yên Bái, chiếc bánh chưng gù vẫn được thế hệ này truyền lại cho thế hệ khác. Và đó cũng là niềm tự hào của mỗi người con Dao đỏ Yên Bái khi giới thiệu với bạn bè về văn hóa truyền thống của dân tộc.

(Theo VTV)

Các tin khác
Ẩm thực Mường Lò tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng Tây Bắc.

YBĐT - Bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020. Năm 2014, lần đầu tiên thị xã Nghĩa Lộ tổ chức Hội thi ẩm thực "Hương vị Mường Lò" nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái vùng Mường Lò và đã đạt kết quả mỹ mãn.

YBĐT - Trong thú ẩm thực vùng cao, người ta không thể không nói đến giống gà đen của đồng bào dân tộc Mông.

YBĐT - Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiểu và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối - chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.

YBĐT - Nhắc đến ẩm thực vùng đất Ngọc Lục Yên, người ta thường nhớ đến những đặc sản có tiếng như: cam sành, khoai tím, hồng không hạt, gà trống thiến... thơm ngon nổi tiếng khắp vùng. Nhưng còn có một đặc sản nữa rất dân dã, đó là món cà giòn, chỉ có ở Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục