Dẻo thơm nếp nương quyện vị bùi bùi, ngọt ngọt của trám đen

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/8/2021 | 2:20:28 PM

Trong tiết trời se se, hanh hao của mùa thu, ra vườn nhặt những quả trám đen chín căng mọng mới rụng xuống để về đồ xôi thì quả là tuyệt vời ở nơi đồng quê. Mỗi loại trám có một dư vị riêng và để lại ấn tượng đặc biệt sau khi ăn.

Xôi trám đen là món ăn cổ truyền của người Tày vùng cao Tây Bắc. Người Tày dùng lá dong rừng xanh ngắt để gói xôi trám mong giữ được độ nóng và mùi hương.

Trám đen là loại trám ngon, bùi và quý hiếm hơn trám chua. Mùa này, khi từng chùm trám đen đã căng bóng, vỏ ngoài đen tuyền pha một lượt phấn trắng xung quanh ấy là trám đã chín. 

Người dân miền núi phía Bắc thường lượm trám đen về để chế biến một món ăn vừa độc đáo, vừa đậm đà dư vị. Đó là món xôi trám đen.

Muốn chế biến được món ăn này, cần phải có trám đen và gạo nếp nương. Những quả trám đen đã chín căng mọng mang về, ỏm qua nước sôi lăn tăn khoảng 30 phút để tách lấy cùi bên ngoài.



Trám đen được hái về và đựng trong móm cọ, một kiểu dùng lá cọ đựng đồ của người vùng cao.

Khâu ỏm trám cũng khá cầu kỳ. Muốn ỏm trám thành công phải đun nước thật đúng độ, ỏm trong thời gian vừa đủ thì trám mới mềm và tách khỏi hạt.

Khi cùi trám đã được tách, người chế biến mang trộn đều với gạo nếp nương đã ngâm khoảng 3-4 giờ để gạo và trám được quyện với nhau trước khi đồ. Khi trộn, cần rắc thêm chút muối để vị xôi trám được đậm đà hơn.



Nguyên liệu để chế biến xôi trám đen gồm gạo nếp nương và quả trám đen đã chín.



Cùi trám đã tách hạt và gạo nếp được trộn quyện lẫn nhau.

Sau khi trộn trám và gạo nếp, người chế biến cho vào nồi xôi và bắc lên đồ trên bếp. Trong quá trình đồ xôi, cần chú ý đun lửa cháy đều, ít mở vung nồi để tránh bị bay hơi. 

Đồ được khoảng 20 phút thì mở vung nồi, dùng đũa đảo đều để cho xôi và trám được chín đều, đặc biệt, đảo như vậy sẽ giúp cùi trám được mềm và quyện vào gạo nếp.

Thời gian đồ xôi trám đen từ 35-40 phút tùy theo lượng gạo nhiều hay ít. Thông thường, người chế biến đồ xôi trám trong chõ gỗ, kín và lượng hơi nhiều nên rất nhanh chín, chín được đều, gạo và trám không mất đi hương thơm.



Trám đen đã ỏm chín và được tách cùi trước khi đồ xôi.

Khi xôi chín, người chế biến bắc nồi xôi xuống, dùng đũa xơi xôi ra lá dong tươi xanh và gói thành từng gói nhỏ để giữ được độ nóng và vị thơm của xôi.

Xôi trám đen sau khi đồ chín có màu sắc rất lạ và hấp dẫn. Gạo xôi chuyển sang màu tím nhạt nhờ vào nhựa của cùi trám tiết ra. Cùi trám có màu vàng ruộm, mềm và có miếng nát nhỏ, quyện vào gạo trông rất ngon và đẹp mắt.



Nồi xôi trám chín mềm sau khoảng 35-40 phút.

Món ăn này thưởng thức khi còn nóng hay khi nguội đều ngon. Xôi trám đen khi thưởng thức lần đầu cảm thấy khá lạ miệng. Có vị dẻo thơm của nếp nương hòa quyện vào vị bùi bùi, ngọt ngọt nơi đầu lưỡi của trám đen.

Xôi trám đen ăn với muối vừng, muối lạc, thịt lợn sấy hay cá nướng đều hợp khẩu vị và ngon miệng.

Cả hai dư vị này cùng vị thơm nhè nhẹ của lá dong rừng hòa quyện vào nhau khiến cho người thưởng thức cảm nhận như đang lắng nghe được vị nồng nàn của cây lá, vị thơm của ngũ cốc khiến cho tâm hồn thêm sảng khoái với bao điều thi vị về ẩm thực.

Xôi trám đen rất phù hợp khi thưởng thức vào mùa thu, khi tiết trời mát mẻ, se lạnh.

(Theo TTO)

Các tin khác
Măng sặt được bày bán tại chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái.

Trước đây, măng sặt chủ yếu mọc tự nhiên trong rừng, hiện nay được người dân Yên Bái quy hoạch trồng thành vùng, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị: Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu. Măng sặt được nhiều người ưa chuộng không chỉ bởi có thể chế biến thành nhiều món ăn như: luộc, om, xào, nướng… mà còn bởi đây là loại "rau rừng” giàu dinh dưỡng...

Các thiếu nữ Thái được các bậc cao niên hướng dẫn làm xôi ngũ sắc.

Món gà nướng: gà mổ sạch, ướp gừng, sả, lá thơm, hạt sẻn (mắc khén) rồi nướng than; khi nướng vừa xoay đều tay vừa quạt nhẹ, thỉnh thoảng dùng lông gà phết mỡ lên thân gà, có thế, gà mới chín đều, vàng và thơm ngậy. Món thịt trâu khô nướng đủ độ chín, khi ăn xé ra thành từng sợi nhỏ, cọng dài, ta cảm nhận được vị ngọt của thịt, mùi khói ngai ngái của núi rừng, sự đậm đà tổng hợp các gia vị tẩm như sả, ớt, tỏi, tiêu...

Những tảng rêu tròn trịa, chắc nịch với màu xanh bắt mắt được bà con bày bán tại các khu chợ cóc ven đường thu hút sự chú ý của du khách.

Từ món ăn bình dị của đồng bào người Tày, người Thái ở vùng Tây Bắc, rêu suối đã được nâng tầm, trở thành thứ đặc sản “lạ tai, lạ mắt“ hấp dẫn thực khách gần xa.

Trong mâm cơm ngày Tết dâng lên ông bà tổ tiên của người Tày, không thể nào thiếu món bánh chưng đen

Bánh chưng đen là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của đồng bào dân tộc Tày tại tỉnh Yên Bái. Không chỉ có màu đen nhánh như nhựa đường, bánh chưng đen còn có hương vị đậm đà, thoang thoảng mùi thơm của các loại lá rừng độc đáo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục