Ngày đông nhớ lạp xưởng gác bếp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/12/2021 | 7:45:05 AM

YênBái - Lạp xưởng là một trong những món ăn đặc sản của đồng bào các dân tộc Yên Bái. Món ăn này được hòa quyện bởi mùi thơm của nắng vùng cao, mùi của gia vị nơi núi rừng Tây Bắc quyện vị thơm ngọt của thịt. Tất cả những hương vị ấy được gửi trọn trong món lạp xưởng Yên Bái, khiến ai đã một lần thưởng thức khó quên được.

Lạp xưởng là món ăn ưa thích của mỗi gia đình trong mùa đông.
Lạp xưởng là món ăn ưa thích của mỗi gia đình trong mùa đông.

Nguyên liệu chính để làm nên món lạp xưởng hun khói là thịt lợn và lòng non. Thịt lợn phải lựa chọn những phần ngon nhất của con lợn, thịt vai hoặc thịt mông có độ nạc và mỡ đều nhau. Thịt đem thái nhỏ hạt lựu và ướp với các loại gia vị: mắc khén, tỏi, muối, rượu mai quế lộ, mật ong, nêm nếm cho vừa vặn. 

Sau đó, thịt được nhồi thật chặt vào lòng non đã làm sạch sao cho tròn đều, căng bóng. Hoàn thành công đoạn trên, người ta làm mang lạp xưởng đi hong phơi nắng gió ngoài trời trong khoảng nửa ngày rồi mới treo lên gác bếp. 

Những ngày sau đó, trong bếp lúc nào cũng phải giữ đỏ lửa than hồng, hong đến khi vỏ và thịt miếng lạp xưởng khô săn lại và ngả sang màu đỏ đậm xen lẫn với những đường vân vàng óng của thịt mỡ là được. Cứ thế, lạp xưởng treo nơi gác bếp để quanh năm không hỏng, không mốc và nhờ hơi gác bếp mà chín dần. 

Chia sẻ về kinh nghiệm làm lạp xưởng, bà Hoàng Thị Phượng - Chủ homestay Luật Phượng, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ bộc bạch: "Linh hồn của món lạp xưởng này chính là hạt mắc khén rừng. Mắc khén rang có mùi thơm rất nồng nàn, kích thích vị giác và thơm mạnh hơn cả hạt tiêu. Nếu thiếu đi thứ gia vị này thì không thể tạo nên hương vị khác biệt của lạp xưởng Tây Bắc so với các loại lạp xưởng nơi khác”.

Cách sử dụng món ăn này cũng vô cùng đơn giản. Chỉ cần rửa sạch lớp khói bám ở vỏ lạp xưởng, chiên vàng, thái lát mỏng chấm kèm tương ớt, muối ớt hoặc kèm rau thơm tùy thích. Lạp xưởng chuẩn vị khi ăn sẽ thấy vị mặn đậm đà của muối, vị chua thanh thanh của thịt lên men tự nhiên từ quá trình hong sấy, mùi thơm nồng nàn của rượu và hạt mắc khén. Tất cả hài hòa, tròn vị đặc trưng không cần thêm bớt. 

Chị Phan Thị Minh Phương ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Muốn ăn lạp xưởng ngon cũng không phải dễ kiếm. Tôi phải chờ đợi cả năm để đến dịp gần tết mới có thể đặt một bác người địa phương làm giúp để dùng và làm quà mang về quê biếu người thân, họ hàng, bởi lạp xưởng hun khói chỉ làm được vào mùa lạnh. Thời tiết nóng bức lạp xưởng làm ra sẽ hỏng ngay”.

Lạp xưởng hun khói mang hương vị đậm đà của quê hương Yên Bái, khiến du khách cảm nhận được sự gần gũi, mộc mạc của món ăn bình dị, dân dã nhưng chứa đựng trong đó là tình cảm chân tình của con người nơi đây, tạo nên dấu ấn không thể quên trong lòng du khách gần xa khi tới Yên Bái. 

Bảo Linh

Tags Yên bái Nghĩa Lộ lạp xưởng gác bếp mắc khén tỏi muối rượu mai quế lộ mật ong

Các tin khác

Tại các nước châu Phi, ốc sên khổng lồ được sử dụng để chế biến một số món ăn, thường là ở các quán bar.

Ngày 1/11, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) cho biết, Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA) có trụ sở tại Hồng Kông vừa chính thức thông qua 5 Kỷ lục Thế giới về ẩm thực đặc sản của Việt Nam. Sự công nhận này tiếp tục khẳng định những giá trị đặc biệt của nền ẩm thực nói riêng và hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam nói chung.

Văn Chấn không chỉ có chè Shan tuyết danh bất hư truyền mà còn có đặc sản cốm Tú Lệ nức tiếng gần xa. Thung lũng Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Từ lâu nơi đây đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt to, tròn, trắng, trong. Thứ nếp này khi được thổi thành xôi có vị dẻo thơm đặc biệt. Còn khi chế biến thành cốm thì lại có hương vị ngọt ngào và thanh mát.

Nhắc đến Tú Lệ của Yên Bái là nhắc tới một miền quê với phong cảnh hữu tình được vây quanh bởi ba ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt to tròn, trắng trong gọi là nếp Tú Lệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục