- Thưa ông Lê Thế Mẫu, ông có thể đưa ra quan điểm dự đoán của cá nhân về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra trong hai ngày 27-28/2 xuất phát từ diễn biến khá thuận lợi trong những ngày qua. Được biết, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tại Singapore, tưởng chừng cuộc gặp đã không thể diễn ra do hai bên đều "dọa" sẽ hủy bỏ cuộc gặp. Trong khi đó, ở cuộc gặp sắp tới, hai bên tỏ ra rất thiện chí?
Theo tôi, khác với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ra được Tuyên bố chung chỉ mang tính chất định hướng, thì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Hà Nội sẽ đạt được những kết quả cụ thể. Bối cảnh diễn ra Hội nghị lần này tạo cơ sở để đưa ra nhận định đó. Có thể nhận thấy rất rõ là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi rất cơ bản so với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore.
Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng), chuyên gia phân tích chính trị-quân sự
Một là, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 đã được Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên ở Singapore khai thông bế tắc tích tụ trong đó vô vàn sự nghi kỵ, mâu thuẫn và bất đồng dồn nén lại trong hơn nửa thế kỷ trong quan hệ giữa hai nước kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Dân gian có câu "vạn sự khởi đầu nan". Sự khởi đầu nan đó đã qua đi và cuộc gặp ở Hà Nội hiện nay đã tránh được sự khởi đầu rất khó khăn đó.
Hai là, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore đã khẳng định xu hướng chung rất căn bản trong quan hệ giữa hai nước, theo đó Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa, còn Mỹ và Triều Tiên cùng cam kết thiết lập các mối quan hệ mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng. Do đó, hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần sẽ định ra lộ trình phi hạt nhân hóa và hai bên đạt được một số thỏa thuận cụ thể.
Ba là, những gì diễn ra trong gần 1 năm qua sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ở Singapore, hai bên đã nhận diện rõ hơn thực chất những yêu cầu của nhau để có thể tìm được tiếng nói chung trong những bước tiếp theo.
Bốn là, sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ cuối năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều không gian hơn để có thể "cơ động" trong chính sách đối ngoại.
Hiện có thể đưa ra 3 kịch bản về kết quả cuộc gặp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, trong đó kịch bản 1 là không đạt được bất cứ thỏa thuận nào? Ông có bình luận gì về kịch bản này?
Dư luận cũng như nhận định của giới phân tích trong những ngày gần đây có đưa ra kịch bản bi quan rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sẽ không đạt được kết quả cụ thể nào. Theo tôi, nhận định bi quan đó hoàn toàn không có cơ sở. Trước hết, cần nhận thấy dù bất kỳ ai ở cương vị Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump hay một ai khác, thì chuyện Triều Tiên phi hạt nhân hóa, bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều và Triều Tiên hội nhập với thế giới sẽ đem lại lợi ích rất lớn trước mắt cũng như lâu dài cho cả Triều Tiên và Mỹ. Từ phía Triều Tiên, trong hơn một thập kỷ qua, Bình Nhưỡng đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Mỹ để bàn về việc họ từ bỏ vũ khí hạt nhân và nhận được sự bảo đảm hòa bình từ phía Mỹ. Chỉ có Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận đề xuất đó.
Đối với cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông muốn được ghi vào lịch sử là người có công lớn hóa giải một trong những hồ sơ an ninh phức tạp nhất trên thế giới mà các đời tổng thống Mỹ trước đây không thể làm được. Trong Thông điệp Liên bang vừa qua được đọc trước Quốc hội, ông Donald Trump cũng đã coi đó nhưng một thắng lợi trong chính sách đối ngoại của mình. Ngoài ra, ông Donald Trump cũng cần đạt được kết quả cụ thể, thậm chí là quan trọng nếu không muốn nói là đột phá, trước khi bước vào chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2 vào năm 2020.
- Kịch bản 2 là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 có thể đạt được thỏa thuận cụ thể nào đó để thực hiện Tuyên bố chung Singapore năm 2018 nhưng sẽ không có Tuyên bố chung Hà Nội. Ông bình luận gì về kịch bản 2 này, thưa ông?
Theo tôi, có nhiều khả năng hai bên sẽ thông qua được Tuyên bố chung Hà Nội. Nhưng khác với Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore chỉ đưa ra định hướng chung, thì Tuyên bố chung Mỹ-Triều ở Hà Nội sẽ xác định nội hàm cụ thể của phi hạt nhân hóa và quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Trong đó, quan trọng nhất là hóa giải vướng mắc lớn nhất giữa Mỹ và Triều Tiên là hai bên chưa thống nhất được lộ trình phi hạt nhân hóa.
Trong khi Triều Tiên đề nghị phi hạt nhân hóa từng bước và yêu cầu nhận được các biện pháp dỡ bỏ cấm vận của Mỹ, thì Mỹ lại yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa toàn diện và được kiểm chứng, sau đó mới nhận được sự dỡ bỏ cấm vận. Ở Hà Nội lần này, hai bên sẽ hóa giải vướng mắc này và sẽ chấp nhận cơ chế "giải pháp đổi lấy giải pháp".
Kịch bản 3 là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sẽ ra Tuyên bố chung Hà Nội về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đặt dấu chấm hết đối với tình hình căng thẳng giữa các bên trên bán đảo Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên và Mỹ. Theo ông, khả năng của kịch bản này là thế nào?
Trước hết cần nhận thấy quan hệ Mỹ-Triều cũng như quan hệ Liên Triều bao gồm các thành tố chính trị, an ninh và kinh tế liên quan chặt chẽ với nhau và liên quan tới nhiều quốc gia. Chiến tranh Triều Tiên trước đây thực chất là cuộc chiến tranh địa chính trị giữa nhiều bên. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hiện nay cũng là tâm điểm cạnh tranh địa chính trị giữa nhiều bên, chứ không chỉ giới hạn trong quan hệ Mỹ-Triều.
Để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cần giải quyết đồng thời các vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế có liên quan. Để làm được điều đó, vấn đề trước tiên và quan trọng nhất là thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nói chung và khu vực Đông Băc Á nói chung. Chỉ có trên cơ sở môi trường hòa bình được bảo đảm vững chắc, các bên có liên quan mới có điều kiện thông qua đối thoại để giải quyết các vấn đề khác nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Do đó, theo tôi, nội dung hòa bình trong Tuyên bố chung Hà Nội sẽ là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Có lẽ chính vì thế mà cả Mỹ và Triều Tiên đều muốn chọn Hà Nội là nơi đưa ra tuyên bố về hòa bình. Trên thế giới, Việt Nam là một trong số rất ít nơi xứng đáng được ghi nhận dấu ấn lịch sử về một tuyên bố hòa bình vào đúng thời điểm Hà Nội vừa tròn 20 năm được Liên Hợp Quốc công nhận là Thành phố vì hòa bình.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
(Theo VTV)