Sau hơn một tháng xâm nhiễm vào một hộ chăn nuôi ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội), đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 122 hộ chăn nuôi, ở 58 thôn, tổ dân phố của 32 xã, phường thuộc 12 quận, huyện; làm mắc bệnh, tiêu hủy 2.218 con lợn với tổng trọng lượng 146.196 kg.
Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết, trong bối cảnh chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh, để khống chế bệnh dịch lây lan, thì rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh, tiêu độc khử trùng là biện pháp hiệu quả nhất. Các hộ chăn nuôi cần tích cực áp dụng biện pháp này.
Ngày 2/4, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. UBND Thành phố yêu cầu tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; tuyên truyền sâu rộng, đa dạng bằng nhiều hình thức đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống bệnh dịch...
Trước việc có tới 7/8 huyện, thị xã, thành phố xuất hiện DTLCP, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với người dân nỗ lực khoanh vùng, khống chế dịch tại chỗ; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế sự lây lan, bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.
Cơ quan thú y cũng đưa ra khuyến cáo đối với các hộ xuất hiện lợn dịch cần thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột và hóa chất 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên và 3 lần/tuần trong các tuần tiếp theo.
Bên cạnh đó, yêu cầu người dân không nhập đàn mới cho đến khi tình hình dịch ổn định và có quyết định thông báo hết dịch của các cơ quan chuyên môn.
Tỉnh cũng đã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác khống chế, xử lý dịch. Các cơ quan chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt những nơi chăn nuôi quy mô lớn, nguy cơ lây nhiễm cao.
Đến nay, các ổ DTLCP ở Bắc Ninh cơ bản được khống chế, có ổ dịch sau 10 ngày không xuất hiện thêm dịch mới. Hiện nay, tỉnh có cơ chế hỗ trợ đối với lợn buộc phải tiêu hủy là 38.000/kg. Đây là sự hỗ trợ, điểm tựa cho người dân yên tâm sản xuất.
Trong khi đó, tại Nghệ An, sau khi phát hiện 3 ổ DTLCP lớn tại huyện Quỳnh Lưu và các ổ dịch tại các huyện như Hoàng Mai, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, TP. Vinh… cơ quan chức năng đã lập điểm chốt phòng dịch trên hầu hết các địa phương, tuyến đường trong tỉnh nhằm phòng chống dịch.
Đồng thời tổ chức phun hóa chất, rắc vôi bột trong các khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn, kiểm soát chặt các lò giết mổ lợn... Người dân đã ý thức cao trong công tác phòng chống dịch, như: Không vận chuyển lợn ra vào khu vực có dịch, không giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, nói không với sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, với sự nỗ lực của các địa phương, đến nay, các ổ DTLCP đã cơ bản được khống chế. Tại các địa phương khác đã xảy ra ổ DTLCP, những ngày qua không phát hiện thêm lợn chết bị bệnh.
Tính đến hết ngày 28/3, đã có 17 xã, thị trấn thuộc 6 huyện của tỉnh Sơn La xuất hiện DTLCP. Các cơ quan chức năng đã tiêu hủy hơn 1.400 con lợn, với trọng lượng hơn 25.000 kg.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiếp tục lan rộng, tỉnh Sơn La đang tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tạm dừng việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các vùng có dịch ra khỏi địa bàn trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh được tiêu hủy.
Chỉ cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính đối với bệnh. Thịt và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng có dịch theo công bố của chủ tịch UBND huyện. Việc giết mổ phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép, đảm bảo vệ sinh thú y. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ lợn, xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, hoạt động không phép.
Phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus DTLCP. Việc xử lý chôn lấp, tiêu hủy lợn phải đảm bảo yêu cầu tiêu diệt được virus dịch tả lợn.
Song song với đó là tăng cường thông tin tuyên truyền về các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của Nhà nước với tổ chức, cá nhân có lợn phải tiêu hủy, về diễn biến tình hình dịch bệnh, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là thực hiện vệ sinh cơ giới, sát trùng tiêu độc bằng rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, người ra vào khu vực chăn nuôi…
Nhằm hạn chế thấp nhất DTLCP xảy ra trên địa bàn, tỉnh Bạc Liêu đã và đang tăng cường, thực hiện nhiều giải pháp với sự chủ động, quyết tâm của các ngành, các cấp và người dân, góp phần phát triển đàn lợn trên địa bàn bền vững.
Tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra các vùng chăn nuôi tập trung, những nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao để kiểm tra, giám sát dịch bệnh, nếu phát hiện lợn nghi mắc bệnh dịch tả, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và có hướng xử lý tiêu hủy kịp thời, thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định; không để dịch bệnh phát sinh và lây lan diện rộng.
Tỉnh cũng tăng cường thanh, kiểm tra việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn và xử lý nghiêm những vi phạm trong mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định, nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
(Theo chinhphu.vn)