Mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn lan rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, gây thiệt hại cho nông dân và ngành chăn nuôi.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 4/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên đàn lợn của 72 hộ chăn nuôi tại 23 thôn với 13 xã của 4 huyện, thành phố gồm Hải Lăng, thành phố Đông Hà, Gio Linh và Hướng Hóa.
Tất cả các hộ này khi lấy mẫu gửi xét nghiệm gửi Cơ quan Thú y vùng 3 đều cho kết quả dương tính với virusdịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 408 con.
Chỉ riêng những ngày đầu tháng 6, ngành chức năng đã tiêu hủy 78 con lợn bệnh tại các xã Hải Chánh, Hải Ba, Hải Vĩnh, Hải An và Hải Tân của huyện Hải Lăng.
Hiện tổng số đàn lợn của tỉnh có khoảng 250.000 con; trong đó, huyện Hải Lăng là một trong những địa phương nuôi số lượng lớn với trên 40.000 con.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lan rộng đã gây thiệt hại rất lớn đến ngành chăn nuôi của tỉnh; khiến đàn lợn của địa phương có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Việc tiêu thụ thịt lợn bị ảnh hưởng khi người dân quay lưng không sử dụng khiến giá thịt lợn xuống thấp. Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra cho thịt lợn hơi gặp nhiều khó khăn đã đẩy người chăn nuôi vào thế bí.
Ông Trần Hoãn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, việc xác định nguyên nhân của dịch bệnh rất khó bởi nó có thể lây lan bằng nhiều con đường khác nhau như trực tiếp, qua thức ăn và vật chủ trung gian... Trước tốc độ lây lan của dịch, chi cục phối hợp với các địa phương thực hiện khâu phòng và kiểm soát là chính.
Đối với các ổ dịch vừa mới phát hiện, Chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành xử lý, tiêu hủy, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rải vôi bột xung quang khu vực chuồng trại và các tuyến đường giáp ranh; thành lập các chốt chặn quanh địa bàn thôn có dịch để hạn chế việc vận chuyển lợn ra - vào vùng dịch; tăng cường tuyên truyền để người dân được biết và thực hiện tốt "5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, chiều 4/6, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang khẳng định: "Cả hệ thống chính trị huyện Hòa Vang đang quyết liệt vào cuộc chống dịch tả lợn châu Phi, tránh lây lan ra các địa phương khác.”
Theo ông Hành, trước khi xuất hiện 2 ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân huyện đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn không tránh được, vì vậy hiện các biện pháp đã được tăng cường hơn.
Cụ thể, huyện tăng tần suất tiêu độc khử trùng tại các địa phương, từ 3 ngày phun một lần trước đây lên phun hàng ngày. Các vùng có dịch nghiêm cấm vận chuyển lợn, gia súc, gia cầm.
Huyện đã tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển và giết mổ lợn trên địa bàn xã Hòa Phú, Hòa Phong; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống dịch cho người dân.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang đã thành lập ban chỉ đạo và chỉ đạo các phòng, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định, quy trình về phòng chống dịch.
Trước đó, huyện Hòa Vang đã công bố dịch tả lợn châu Phi vào chiều 3/6. Điều này dựa trên kết quả xét nghiệm 7 mẫu lợn lấy từ 2 đàn lợn của hộ ông Dương Thành Châu (thôn Hội Phước, xã Hòa Phú) và hộ ông Nguyễn Đức (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong), có 6 mẫu xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau khi phát hiện dịch bệnh, huyện đã tổ chức thiêu hủy đàn lợn của hai hộ trên.
Hòa Vang hiện là huyện duy nhất của thành phố Đà Nẵng đang bị dịch tả lợn châu Phi.
Còn ở tại tỉnh Đắk Lắk, chiều 4/6, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp Nguyễn Đình Toản đã ký quyết định số 1584/QĐ-UBND về việc công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện.
Như vậy, sau thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea Súp là địa phương thứ 2 ở Đắk Lắk công bố dịch.
Theo quyết định, vùng đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi là xã Ea Rốk, Đồn biên phòng Yok Mbre thuộc xã Ea Bung. Vùng dịch uy hiếp là các xã trên địa bàn toàn huyện.
Ủy ban Nhân dân huyện Ea Súp yêu cầu trong thời gian có dịch tạm ngừng tất cả hoạt động vận chuyển, trao đổi, mua bán lợn và các sản phẩm của lợn ra vào huyện Ea Súp; chủ vật nuôi, các phương tiện giao thông ra vào vùng dịch phải tuân thủ sự hướng dẫn của thú y về tiêu độc, khử trùng theo quy định của cơ quan thú y.
Huyện Ea Súp cũng yêu cầu các phòng chức năng, phối hợp với chính quyền địa phương giám sát việc kiểm tra, phát hiện lợn bị dịch tả lợn châu Phi; thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi theo Quyết định 763/QĐ-UBND, ngày 5/4/2019 của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, ngày 3/6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk phối hợp với UBND huyện Ea Súp tiến hành tiêu hủy 116 con lợn dương tính với virusdịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Ea Rốk và Đồn biên phòng Yok Mbre thuộc xã Ea Bung.
Đồng thời, lực lượng chức năng huyện Ea Súp triển khai các biện pháp phun tiêu độc, khử trùng, tăng cường lực lượng kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán giết mổ lợn, ngăn chặn không để dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên địa bàn.
Theo thống kê sơ bộ đến chiều 4/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 53 tỉnh, thành phố trên cả nước với số lợn nhiễm dịch bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con.
(Theo TTXVN)