Sau hơn 3 tháng bùng phát, đến ngày 5/8/2019, BDTLCP xảy ra tại 1.282 hộ ở 195 thôn, bản, tổ của 81 xã, phường, thị trấn ở 9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh 4.523 con, tiêu hủy 7.965 con, trọng lượng trên 373 tấn.
Mặc dù, tỉnh và các địa phương đã tổ chức thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch, nhưng đến nay dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm mà vẫn tiếp tục lây lan, phát sinh trên các thôn, xã mới. Đặc biệt, một số xã BDTLCP đã qua 30 ngày lại tái phát.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người chăn nuôi không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, trong thời gian có dịch không hạn chế, ngăn cấm người ngoài, người mua, buôn bán, giết mổ vào khu vực chăn nuôi; không kiểm soát triệt để việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các địa phương có dịch vào địa bàn; tại một số xã, phường thị trấn có dịch người chăn nuôi bán chạy, giết mổ lợn nhiễm mầm bệnh; nhận thức của người dân ở nhiều nơi về phòng chống dịch còn hạn chế; đặc biệt là việc duy trì các chốt kiểm dịch chưa đạt hiệu quả cũng như thiếu nhân lực trong phòng chống dịch.
Bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết: "Lực lượng làm công tác về thú y hạn chế (hiện nay huyện Văn Yên chỉ có 5 cán bộ thực hiện nhiệm vụ chính) trong khi địa bàn rộng với 27 xã, thị trấn nên việc phát hiện, khống chế dịch gặp khó khăn. Trung tâm đã huy động cả cán bộ khuyến nông viên vào cuộc; tuy nhiên, vẫn không đáp ứng được công việc vì dịch bệnh lây lan nhanh”.
Tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống BDTLCP, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 5/8/2019 vừa qua, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn và các huyện, thị, thành phố đề ra những giải pháp để khống chế hoàn toàn dịch bệnh trước ngày 30/9/2019. Trong đó, có những kinh nghiệm của một số địa phương được nêu lên trong việc khoanh vùng dập dịch, khống chế dịch, để hạn chế sự lây lan, tiêu biểu là huyện Yên Bình, huyện Mù Cang Chải. Đây là 2 huyện có dịch bùng phát sau cùng, nhưng đã có những giải pháp cụ thể trong chỉ đạo, quyết tâm phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: ngay từ khi BDTLCP chưa xâm nhiễm vào địa bàn, huyện đã tăng cường chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sáng tạo trong cách tuyên truyền, cách phòng chống dịch. Các hộ chăn nuôi có biện pháp tự phòng chống; ký cam kết với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch; nhiều hộ nuôi lớn còn cắm biển không tiếp khách để hạn chế người lạ ra vào khu vực chăn nuôi.
Trên cơ sở những tồn tại và những kinh nghiệm trong phòng chống BDTLCP trên địa bàn tỉnh, trong 3 tháng qua, ngành NN&PTNT đã đề ra một số giải pháp cụ thể.
Ông Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: tập trung bảo vệ nghiêm ngặt các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, hạn chế tối đa dịch phát sinh, lây lan tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Từng hộ chăn nuôi phải tự bảo vệ đàn lợn của gia đình mình và nhận thức đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp các địa phương rà soát lại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, những chốt không cần thiết sẽ loại bỏ.
Đối với những vùng đã có dịch, qua 45 ngày không phát sinh ổ dịch mới, người chăn nuôi có thể tái đàn nhưng con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh; tăng cường kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ. Cùng đó, các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi theo đúng đối tượng, chế độ chính sách để người chăn nuôi có điều kiện ổn định cuộc sống và phát triển chăn nuôi. Về lâu dài, khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn trang trại, tập trung đảm bảo an toàn sinh học, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh...
Bên cạnh những giải pháp mà ngành nông nghiệp đưa ra, rất cần sự chung tay của các ngành chức năng, của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, người chăn nuôi phải đồng thuận trong phòng, chống dịch bệnh. Có như vậy, dịch bệnh mới được khống chế hoàn toàn theo mục tiêu đã đề ra, góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi.
Hồng Duyên