Khống chế dịch tả lợn châu Phi: Yên Bái dốc toàn lực

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/8/2019 | 8:09:16 AM

YênBái - Hàng ngàn con lợn đã bị chết và tiêu hủy, cả ngàn hộ chăn nuôi lợn rơi vào cảnh trắng tay. Trong “bão dịch”, tỉnh Yên Bái đã và đang dốc toàn lực phấn đấu đến ngày 30/8 này khống chế được bệnh dịch, đến ngày 30/9 tới khống chế hoàn toàn bệnh dịch để ổn định sản xuất, đảm bảo tốc độ phát triển chăn nuôi của tỉnh và ổn định nguồn cung cho thị trường - một nỗ lực rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Yên Bái quyết liệt trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Yên Bái quyết liệt trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 4/5/2019, ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh xảy ra tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Tỉnh và huyện đã huy động các lực lượng vào cuộc phòng chống, ngăn chặn. Tuy nhiên, bệnh dịch diễn biến vô cùng phức tạp, lây lan mạnh. 

Đến 15 giờ ngày 7/8, bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) đã xảy ra tại 1.386 hộ ở 197 thôn, bản, tổ của 83 xã, phường, thị trấn trên 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh là 4.738 con, tiêu hủy 8.216 con, tổng trọng lượng 384.591 kg. 

Ông Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Ngay sau khi phát hiện có ổ dịch, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung, quyết liệt phòng, chống bệnh dịch. Các huyện, thị xã, thành phố cũng ban hành kế hoạch ứng phó ; tổ chức khoanh vùng, khống chế xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn ốm chết do nhiễm vi rút BDTLCP; thực hiện tiêu độc, khử trùng vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm, môi trường chăn nuôi; kiểm soát vận chuyển  lợn, sản phẩm từ lợn ra vào ổ dịch, giám sát dịch bệnh tại các vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm và từ các tỉnh đang có dịch vào địa bàn”. 

Song song với đó, tỉnh đã thành lập 64 chốt kiểm soát bệnh dịch trên quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã; cấp phát trên 8.480 lít thuốc tiêu độc khử trùng tại vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm và các chốt kiểm dịch. 

Các địa phương đã sử dụng gần 30 tấn vôi bột để tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường ngăn chặn sự lây nhiễm. Tỉnh cũng tiến hành hỗ trợ cho các chủ vật nuôi có lợn tiêu hủy và hỗ trợ công tác tiêu hủy, phòng chống dịch với số tiền trên 7 tỷ đồng. 

Có thể nói, sau 3 tháng kể từ khi xuất hiện bệnh dịch, các địa phương đã tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khá đồng bộ. Tính đến ngày 4/8, đã có 25 xã thuộc 8 huyện qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh DTLCP. Trong đó, Văn Chấn có 3 xã, Trấn Yên 2 xã, thị xã Nghĩa Lộ 2 xã, Trạm Tấu 4 xã, Lục Yên 3 xã, thị trấn, Yên Bình 1 xã, Văn Yên 5 xã, thành phố Yên Bái 3 xã.

Yên Bái đề ra mục tiêu đến ngày 30/8 khống chế được dịch, đến ngày 30/9 khống chế hoàn toàn dịch bệnh để ổn định và phát triển ngành chăn nuôi. Để thực hiện mục tiêu này, công tác phòng chống dịch đang gặp không ít khó khăn. 

Đó là: dịch xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, trong thời gian có dịch không hạn chế, ngăn cấm người ngoài, người mua, buôn bán, giết mổ vào khu vực chăn nuôi nên khó kiểm soát hết được dịch; không kiểm soát triệt để việc vận chuyển lậu động vật, sản phẩm động vật từ các địa phương có dịch vào địa bàn; một số xã, phường, thị trấn có bệnh dịch, người chăn nuôi đã bán chạy, giết mổ lợn nhiễm mầm BDTLCP. 

Một cái khó nữa là trên địa bàn tỉnh hiện chưa có một cơ sở giết mổ tập trung nào. Trong tổng số 610 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chỉ có 18 cơ sở được cấp giấy đủ điều kiện vệ sinh thú y. Với những khó khăn trên, để khống chế được bệnh dịch theo mục tiêu đề ra, cần có sự nỗ lực cao độ, sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, bài bản, đồng bộ cao từ các cấp, các ngành. 

Cùng với tiếp tục khắc phục những hạn chế, nguyên nhân, khó khăn đã chỉ ra, các địa phương cần đẩy mạnh thông tin, hướng dẫn người chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ đạo tổ chức xử lý tiêu hủy lợn bệnh kịp thời, đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo không lây lan dịch bệnh. 

Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra vào ổ dịch, giám sát dịch bệnh tại các vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng tại ổ dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm; kiểm soát chặt các phương tiện giao thông từ các tỉnh, các địa phương đã và đang có dịch mang lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn. 

Các xã, phường, thị trấn cần rà soát, quản lý các cơ sở giết mổ trên địa bàn, bố trí cán bộ chuyên môn thực hiện kiểm soát giết mổ lợn theo quy định; tập trung thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin định kỳ cho đàn gia súc  năm 2019... Các cơ sở giết mổ không đủ điều kiện vệ sinh thú y phải được xử lý triệt để và nghiêm cấm hoạt động.   
        
Với sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi sinh học, chăn nuôi theo tiêu chuẩn, chắc chắn Yên Bái sẽ khống chế bệnh dịch thành công, đúng kế hoạch, thúc đẩy chăn nuôi tăng trưởng, phát triển bền vững.

Ngọc Trúc

Tags Yên Bái dịch tả lợn châu Phi khống chế dịch

Các tin khác
Các hộ chăn nuôi lớn chủ động bảo vệ đàn lợn của mình bằng cách tăng liều lượng và thời gian phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống, nhưng hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) vẫn có những diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại. Để đạt được mục tiêu đến 30/9/2019, tỉnh Yên Bái sẽ khống chế được BDTLCP, cần phải có những biện pháp cụ thể cả về chủ trương lẫn kỹ thuật; đồng thời, có sự đồng thuận thì mục tiêu trên mới có thể thực hiện được.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong ngày 1/8, dịch tả lợn châu Phi không phát sinh thêm tại các xã mới; tuy nhiên, dịch phát sinh thêm tại các xã cũ là 20 hộ với 36 con mắc.

Trong khi bệnh dịch bùng phát, các hàng thịt lợn bán rong hàng ngày vẫn ngang nhiên hoạt động ở các tuyến đường, ngõ phố trên địa bàn thành phố Yên Bái.

"Đội quân” bán thịt lợn rong trên địa bàn thành phố Yên Bái có nhiều hình thức tinh vi nhằm che mắt, qua mặt các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra như để thịt vào cốp xe máy, cho vào thùng đựng cá, để trong các thùng xốp bên dưới là thịt lợn, bên trên là thịt gà, thịt bò; vận chuyển bằng taxi, thậm chí bằng đường thủy...

Đến thời điểm này, Yên Bái đã cấp hơn 2.000 lít thuốc sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng.

Tính đến hết ngày 26/7, thị xã Nghĩa Lộ đã có 6/7 xã, phường xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, tiêu hủy trên 8 tấn lợn. 2 địa phương đang chờ công nhận hết dịch bệnh là phường Tân An và phường Trung Tâm đã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục