Hiện nay, Yên Bái có số lợn bị tiêu hủy, chiếm tỷ lệ 2,9% tổng đàn. Trong khi con số này ở Lào Cai là 4,44%, Phú Thọ 5,5%, Tuyên Quang 3,5%... Thống kê cho thấy, một số huyện của Yên Bái đang khống chế giảm được bệnh dịch. Huyện Yên Bình, Mù Cang Chải, Trạm Tấu nhiều ngày nay không phát sinh thêm lợn bệnh và có 5/10 xã có dịch của thành phố Yên Bái qua 60 ngày không phát sinh dịch bệnh.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, 13 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 500 con lợn nái và 1.000 lợn thịt trở lên và 308 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 5 lợn nái và trên 50 con lợn thịt vẫn an toàn.
Ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Mù Cang Chải là địa phương cuối cùng trong tỉnh có 20 hộ của 3 bản thuộc 2 xã Nậm Khắt và Hồ Bốn có lợn mắc bệnh dịch, từ ngày 21/8 đến nay trên địa bàn huyện không có thêm lợn mắc bệnh. Huyện đã thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ”.
Mặc dù BDTLCP có chiều hướng giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, công tác phòng và chống bệnh dịch vẫn gặp nhiều khó khăn: chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ vẫn chiếm đa số, hầu hết các hộ này chủ quan, không tuân thủ nghiêm quy trình phòng bệnh; tỉnh chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung, hoạt động giết mổ vẫn ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, lực lượng thú y mỏng, không kiểm soát triệt để hoạt động giết mổ, thiếu cán bộ thú y.
Hiện nay, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không theo chuỗi cung ứng, mà chủ yếu do tư thương thu mua, vận chuyển, tiêu thụ nên khó kiểm soát. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng vứt lợn chết do nhiễm bệnh ra môi trường, khiến cho một số địa phương khó khăn trong khống chế dịch bệnh. Trong đó, tại Văn Yên, bệnh dịch đã lây lan ra 21/27 xã, thị trấn, trên 3.900 con lợn tiêu hủy.
Trước yêu cầu đến 30/9 khống chế được BDTLCP, các địa phương đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để khống chế. Trong đó, thực hiện bao vây xử lý triệt để các ổ dịch; duy trì hoạt động có hiệu quả các chốt kiểm soát dịch bệnh; tổ chức phun tiêu độc, vệ sinh khử trùng môi trường; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng, chống BDTLCP; kịp thời chi trả kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân; các địa phương cần ngăn chặn hiện tượng vứt xác lợn bệnh ra môi trường; tiếp tục tiêm vắc xin phòng chống các dịch bệnh thông thường trên đàn lợn...
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đối với các địa phương dịch đã qua 30 ngày, cần tiếp tục duy trì công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, không để tái phát sinh thêm ổ dịch mới; có tái đàn phải đủ điều kiện bảo đảm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống sạch bệnh, kết hợp sử dụng các chế phẩm vi sinh vật đã được công nhận lưu hành, đã được kiểm chứng có tác dụng trong phòng chống BDTLCP
"Tuy nhiên, cần chuyển hướng dần chăn nuôi lợn nhỏ lẻ sang chăn nuôi các vật nuôi khác như chăn nuôi gia cầm, tăng số lứa nuôi tối đa để tăng sản lượng, giá trị chăn nuôi, hoặc chuyển dần sang chăn nuôi lợn tập trung có kiểm soát...” - ông Hùng nói.
Hồng Duyên