Nghĩa Lộ: Người nuôi lợn chưa vội tái đàn

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2019 | 1:47:21 PM

YênBái - Hiện thị xã Nghĩa Lộ có 2 đơn vị đã qua 30 ngày bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) không tái phát là xã Nghĩa Phúc và phường Pú Trạng; 3 đơn vị đã qua 30 ngày dịch nhưng tái phát là xã Nghĩa An, phường Trung Tâm, phường Tân An.

Hoàng Văn Vĩnh, thôn Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi chăm sóc đàn lợn hiện có.
Hoàng Văn Vĩnh, thôn Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi chăm sóc đàn lợn hiện có.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp, thị xã tiếp tục triển khai tốt các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, khuyến khích hộ chăn nuôi chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp để đảm bảo thu nhập và chủ động nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn khi đàn lợn giảm, giá tăng cao.

Thận trọng không tăng đàn, duy trì đàn lợn 20 con lợn thịt và 5 con lợn nái sinh sản hiện có; thực hiện nghiêm túc tiêu độc khử trùng, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn chăn nuôi và quy trình chăm sóc đàn lợn… là những gì anh Hoàng Văn Vĩnh, thôn Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi thực hiện thời gian này. Theo anh Vĩnh, hiện giá lợn hơi đã ổn định, tăng cao, nhưng không vì thế mà anh tăng đàn khi chưa chuẩn bị kỹ các điều kiện an toàn chăn nuôi. 

Đối với ông Lò Văn Đoàn ở thôn Pá Làng, xã Nghĩa Phúc, khi không tái đàn lợn thì ông chuyển hướng sang nuôi trâu, ngan thịt, cho dù địa phương đã qua 30 ngày không tái phát BDTLCP. Theo ông Đoàn, mặc dù hết dịch, nhưng thực hiện sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, gia đình ông thấy chuyển hướng chăn nuôi để đảm bảo thu nhập và có thực phẩm thay thế lúc thịt lợn thiếu hụt là rất hợp lý. 

Do đó, với số vốn vay ưu đãi 20 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã Nghĩa Lộ, vừa qua gia đình ông đã mua một con trâu mẹ và gần 100 con ngan giống về nuôi. Hiện, trâu mẹ đã sinh sản một trâu nghé; đàn ngan đã được xuất bán. 

Ông Hoàng Văn Duyên - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết: là một trong 2 địa phương của thị xã đã qua 30 ngày không tái phát BDTLCP, sau khi nhận công bố của UBND thị xã Nghĩa Lộ, xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các đoàn thể, trưởng các thôn bản hướng dẫn người dân tu sửa, tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại; đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình để có phương án phòng chống kịp thời nếu dịch bệnh tái phát. 

Cùng đó, nhiều hộ cũng không vội vàng mua lợn giống về khôi phục chăn nuôi mà duy trì phát triển tốt đàn lợn hiện có và chuyển hướng sang nuôi trâu, bò, gà, ngan, vịt, nên đến nay, tổng đàn gia súc của xã vẫn đạt 1.300 con, trong đó, đàn lợn gần 1.000 con, gia cầm trên 10.000 con. 

Theo ông Trần Văn Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và phát triển nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ cho biết: đến ngày 24/9/2019, tất cả các xã, phường, 28/71 tổ, thôn của thị xã có BDTLCP; có 2 đơn vị qua 30 ngày dịch không tái phát; 3 đơn vị đã qua 30 ngày dịch nhưng tái phát; 14 tổ dân phố còn dịch; có 70 hộ có lợn bị mắc BDTLCP với số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy trên 400 con, trọng lượng tiêu hủy trên 15 tấn. 

Trước diễn biến phức tạp của BDTLCP, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức các lớp tập huấn cho khuyến nông viên cơ sở và hộ nông dân về phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm từ lợn trên địa bàn thị xã, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong mùa lễ hội; tổ chức phun tiêu độc khử trùng khẩn cấp phòng chống BDTLCP; kịp thời hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi bị thiệt hại; hướng dẫn người dân chuyển đổi chăn nuôi phù hợp theo điều kiện gia đình… 

Tổng đàn gia súc chính hiện đạt gần 12.000 con, đạt trên 70% kế hoạch năm; trong đó, đàn lợn trên 8.000 con. Nhìn chung, các hộ chăn nuôi lợn rất tích cực thực hiện tiêu độc khử trùng, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn chăn nuôi và thực hiện tốt các quy trình chăm sóc đàn lợn... 

Thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là BDTLCP; tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, đảm bảo khu vực chăn nuôi được tiêu độc khử trùng thường xuyên. Đồng thời, thị xã cũng khuyến cáo người dân không nên tái đàn vào thời điểm này; tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng bệnh; thông báo kịp thời cho người dân các hộ có lợn mắc dịch để chủ động phòng tránh lây lan.

Thùy Hương (Trung tâm TT&VH thị xã Nghĩa Lộ)

Tags Nghĩa Lộ Nghĩa Phúc Pú Trạng tả lợn châu Phi

Các tin khác
Vệ sinh tiêu độc khử trùng là một trong những biện pháp quan trọng khi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) xảy ra, tỉnh Yên Bái xác định đây là dịch bệnh rất nguy hiểm có thể sẽ kéo dài. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo việc tái đàn phát triển chăn nuôi trong thời điểm dịch chưa được khống chế.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời tại phiên chất vấn.

Dịch tả lợn châu Phi là một loại dịch lịch sử trong ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới, khi xâm nhập vào đàn lợn gây tỷ lệ chết 100%.

Lực lượng chức năng ở Hà Nội diễn tập ứng phó với dịch tả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đàn lợn giống với 109.000 con đã được bảo vệ nghiêm ngặt trong dịch tả lợn châu Phi.

Dịch tả lợn châu Phi đang đe dọa ngành chăn nuôi gia súc trên toàn thế giới.

Dịch tả lợn châu Phi lây lan ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, nơi chiếm tới một nửa đàn lợn trên thế giới, đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục