Chuyên mục "Sức khỏe là vàng" của Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/9/2019 | 8:36:02 AM

YênBái - Bạn đọc thân mến! Từ ngày 12/9 chuyên mục "Sức khỏe là vàng” chính thức ra mắt bạn đọc. Đây là chuyên mục do các thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái trực tiếp thực hiện và nguồn thông tin từ các tạp chí y khoa danh tiếng nhằm trang bị những kiến thức y khoa cần thiết, giúp bạn đọc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của mình.

Báo Yên Bái mong muốn nhận được sự ủng hộ và tham gia góp ý của đông đảo bạn đọc để chuyên mục thực sự phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

BÀI 6: GIỮ SỨC KHỎE TRONG DỊP TẾT

Ngày thường chẳng ai muôn ngã bệnh, những ngày tết mà ốm thì càng kém vui. Dù vậy, dịp tết rất nhiều người phải nhập viện, sớm kết thúc những ngày du xuân của mình. Các bác sỹ Lương Kim Ngọc - Bệnh viện đa khoa Hữu Nghị 103 đưa ra lời khuyên cho chúng ta các phương pháp giữ gìn sức khỏe dịp tết.



 Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 thực hiện nội soi đường hô hấp cho bệnh nhân. 

1. Không uống quá nhiều rượu

Thật khó có thể kiểm soát được mình trong những cuộc vui ngày Tết nhưng sức khỏe là vàng, bạn hãy hạn chế tửu lượng trong bữa nhậu vì những cuộc vui quá chén sẽ làm bạn mệt đến hôm sau. Tốt nhất chỉ nên uống chút sâm-panh hoặc rượu vang khai vị để kích thích tiêu hóa. Nên uống nhiều nước để tạo điều kiện cho quá trình lọc các chất cặn bã trong cơ thể. Bữa tối, không nên dùng rượu sâm-panh, hãy uống nước hoặc nước quả cho dễ ngủ.

Muốn uống rượu không bị say, hãy uống một thìa dầu ô-liu trước đó. Nó có tác dụng hạn chế quá trình ngấm rượu quá nhanh vào máu. Tuyệt đối không được uống rượu khi đói, vì khi đó rượu sẽ kích thích lớp màng dạ dày. Nên ăn lót dạ một chút trước khi uống, vì rượu sẽ dễ làm bụng bạn cồn cào.

2. Theo cách của người xưa

Những bữa cỗ quá no sẽ làm bạn khó tiêu, đầy bụng. Hãy làm theo cách sau: uống nước hãm của hoa cúc cam, hoa artiso, húng tây, thìa là sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn. Bạn có thể dùng một chiếc khăn bông gập làm bốn, nhúng vào nước nóng rồi vắt khô để đắp lên lồng ngực. Nếu có túi chườm càng tốt. Chườm nóng trong nửa giờ, bạn sẽ thấy dễ chịu ngay.

3. Không hoạt động quá nhiều

Trạng thái thần kinh căng thẳng, dễ bị kích thích gây ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa với các triệu chứng: co thắt, nôn mửa, trướng bụng. Nếu bạn có ý định làm cỗ mời khách đêm Giao thừa hoặc trong ngày Tết, hãy phân bổ công việc hợp lý để các thành viên trong gia đình giúp bạn một tay. Không nên đãi các món quá cầu kỳ. Trước khi tiếp khách, dành 10 phút để nằm nghỉ, hít thở sâu và thư giãn cơ bắp.

4. Chọn trang phục thích hợp

Trong những ngày này, nên chọn trang phục bạn cảm thấy mặc thoải mái, dễ chịu nhất. Không nên mặc đồ bó hoặc thắt lưng quá chật. Cẩn thận những cú sốc thời tiết dễ gây cảm đột ngột. Nên mang theo áo ấm dự phòng.

5. Chọn thực đơn đãi khách

Bạn muốn mời khách ăn cơm, nên chọn thực đơn cân bằng giữa lượng rau và thịt để dễ tiêu hóa. Bữa ăn nhẹ như: mì, phở, bún sẽ thích hợp hơn với cả chủ và khách trong ngày Tết. Chủ nhà vừa đỡ tốn công chuẩn bị, khách cũng dễ ăn, không bị "ngấy”. Nếu bạn đãi khách đồ biển thì chớ nên cho họ dùng kèm nước hoa quả kẻo… yếu bụng.

6. Ăn nhẹ vào mấy ngày trước Tết

Nếu bạn có ý định đãi khách vào đêm Tất niên, trước đó mấy hôm nên để dạ dày… thư giãn. Tránh uống rượu, ăn thức ăn có nhiều chất béo hay ăn các món sốt. Bữa trưa ngày 30 Tết, nên ăn nhẹ để chuẩn bị cho dạ dày phải làm việc nhiều vào bữa tối.

7. Nghỉ ngơi

Để tránh đầy bụng, khó tiêu do ăn uống quá nhiều trong ngày Tết, bạn hãy dành thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức. Nên đi ngủ đúng giờ, đủ giấc. Giấc ngủ sẽ giúp bạn phục hồi sức lực nhanh chóng để chuẩn bị cho các hoạt động ngày hôm sau. Để tránh cơn buồn ngủ đến không đúng lúc, trước khi đi chơi, bạn dùng một tách cà phê hoặc uống một cốc nước pha viên vitamin C sủi.

8. Tập thể dục hàng ngày

Không nên lấy cớ ngày Tết ngủ muộn để bỏ tập thể dục buổi sáng. Bạn muốn cho bộ máy tiêu hóa làm việc tốt hãy tham khảo bài tập đơn giản sau:

- Xoa vào bụng theo chiều kim đồng hồ. Ban đầu ấn nhẹ, sau mạnh dần. Chú ý không làm quá đau.

- Một số động tác Yoga cũng giúp tiêu hóa tốt: đứng, chân rộng bằng vai, nghiêng người về phía trước, hai tay chống đùi, cơ bụng co lại.

9. Lấy lại sức

Nếu chẳng may bạn lỡ quên không làm theo lời khuyên nào đó, thì hãy lấy lại sức bằng cách sau: nghỉ ngơi và ăn nhẹ. Nên ăn nhiều canh rau, sữa chua và những thực phẩm dễ tiêu.

Người cao tuổi, những người mắc các bệnh về tim mạch, tiêu hóa, hô hấp… phải hết sức thận trọng, cần giữ gìn sức khỏe trong những ngày tết. Không may mắc bệnh, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị (những ngày nghỉ tết, Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 duy trì đội ngũ cán bộ làm việc để bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân). Chúc bạn đọc đón tết vui tươi, lành mạnh và sức khỏe!

Bác sĩ Lương Kim Ngọc


BÀI 5: CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP VÀO MÙA ĐÔNG 

Khí hậu mùa đông thường khiến một số vấn đề về sức khoẻ như hen, đau họng, đau khớp và viêm loét dạ dày… trầm trọng hơn do nhiệt độ xuống thấp, gió rét và thiếu ánh nắng mặt trời. Dưới đây là một số mặt bệnh thường gặp mùa đông và cách khắc phục khi trời trở lạnh.



Kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái cấp cứu cho bệnh nhân lên cơn hen suyễn.

1. Cảm lạnh

Bạn có thể phòng tránh cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên. Điều này giúp bạn loại bỏ vi khuẩn mà bạn có thể bị nhiễm từ việc chạm vào các đồ vật được sử dụng chung với những người xung quanh, chẳng hạn như công tắc đèn và tay nắm cửa. Điều quan trọng là phải rửa tay đúng cách. Cần thiết phải giữ cho nhà cửa và đồ gia dụng như ly, tách và khăn sạch sẽ, đặc biệt là nếu ai đó trong nhà bạn bị ốm.

Mẹo mách nhỏ: Nếu bạn bị cảm lạnh, hãy sử dụng khăn giấy dùng một lần thay vì khăn tay để tránh phải rửa tay và giặt khăn liên tục.

2. Viêm họng

Đau họng thường xảy ra vào mùa đông và phần lớn nguyên nhân là do nhiễm virus. Có một số bằng chứng cho thấy sự thay đổi và chênh lệch nhiệt độ - chẳng hạn như đi từ một căn phòng ấm ra ngoài trời lạnh cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến cổ họng.

Lời khuyên: Một biện pháp khắc phục nhanh chóng và dễ dàng thực hiện khi bị đau họng là súc miệng với nước muối ấm. Mặc dù nước muối không chữa được khi bạn bị nhiễm trùng, nhưng nó có tính chống viêm và có tác dụng làm dịu cổ họng đang viêm rát.

3. Hen suyễn

Không khí lạnh là một yếu tố chính gây ra các triệu chứng hen như thở khò khè và thở dốc. Những người bị hen nên đặc biệt cẩn thận vào mùa đông.

Mẹo mách nhỏ: Hãy ở trong nhà vào những ngày nhiệt độ xuống thấp và gió rét. Nếu bạn phải đi ra ngoài, hãy đeo khăn hoặc khẩu trang che kín mũi và miệng. Cẩn thận hơn hãy tích trữ các loại thuốc thông thường và giữ thuốc dạng hít hoặc dạng xịt bên mình. Luôn chú ý giữ ấm để tránh bị bệnh suyễn tấn công.

4. Đau khớp

Nhiều người bị viêm khớp cho biết khớp của họ trở nên đau đớn và cứng hơn vào mùa đông dù không rõ nguyên nhân. Không có bằng chứng cho thấy sự thay đổi thời tiết gây ra những tổn hại chung đến khớp.

Mẹo nhỏ: Nhiều người bị trầm cảm nhẹ trong những tháng mùa đông u ám và điều này có thể làm cho họ cảm thấy đau đớn hơn. Tập thể dục hàng ngày có thể làm tăng trạng thái tinh thần và thể chất. Bơi là cách luyện tập lý tưởng vì nó tác động lên các khớp.

5. Đau dạ dày do lạnh

Thời tiết lạnh thường hay bị đau bao tử và vết loét có vẻ đau nhiều hơn. Trong khi chưa có phương pháp hữu hiệu ngăn chặn viêm loét bao tử, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách chăm sóc bản thân để tăng sức đề kháng.

Lời khuyên: Hàng ngày, làm những việc khiến bạn cảm thấy bớt căng thẳng như tắm nóng, đi bộ trong công viên hoặc xem một trong những bộ phim yêu thích của bạn.

6. Tay lạnh

Hiện tượng tay bị lạnh là một tình trạng phổ biến khiến ngón tay và ngón chân bạn thay đổi màu sắc và trở nên rất đau đớn trong thời tiết lạnh. Các ngón tay có thể chuyển sang màu trắng, sau đó là màu xanh, rồi đỏ và sưng tấy. Các mạch máu nhỏ ở bàn tay và bàn chân bị co thắt lại, khiến lưu lượng máu đến tay và bàn chân của bạn giảm.

Lời khuyên: Đừng hút thuốc hoặc uống cà phê (cả hai có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng) và luôn luôn đeo găng tay, giày dép ấm khi ra ngoài trong thời tiết lạnh.

Mùa đông, cơ thể bạn rất dễ bị tấn công bởi bệnh tật, vậy hãy giữ gìn sức khỏe, chủ động phòng bệnh bằng cách ăn uống điều độ, đủ chất và thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao… Khi mắc bệnh, bạn đừng nên tự ý mua thuốc về điều trị mà hãy đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, được hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Với trang thiết bị đầy đủ và hiện đại cùng với đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ chuyên môn cao, có ý thức trách nhiệm và tận tụy với người bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái sẽ chăm lo cho sức khỏe của bạn.

Bác sĩ Hồ Hữu Hóa (Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái)

BÀI 4: LỜI KHUYÊN CHO BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG TỪ BÁC SỸ LƯƠNG KIM NGỌC

Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân làm cho hơn 230.000 ca tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm. 

Tại Việt Nam, thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong thứ ba với gần 5 triệu người mắc bệnh, ước tính cứ 20 người trưởng thành thì có một bị tiểu đường, tuy nhiên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam. 

Nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh rồi vẫn chưa được điều trị tốt. Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường cao với 5,5% dân số trong độ tuổi 20-79. Khoảng 13,7% dân số mắc tiền đái tháo đường. Chi phí điều trị đái tháo đường ở Việt Nam ước tính khoảng 320 triệu USD năm 2007, dự đoán tăng lên 1,1 tỷ USD năm 2025. 



Bác sỹ Lương Kim Ngọc thăm khám cho bệnh nhân. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng ở tất cả khu vực trên thế giới. Bệnh có tác động rất lớn tới sức khỏe và kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển; khoảng 425 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu và 159 triệu người ở khu vực Tây Thái Bình Dương, dự báo tăng lên 183 triệu người vào năm 2025. Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến biến chứng nặng về tim mạch, thận, tổn thương mắt, nhiễm trùng bàn chân dẫn đến đoạn chi... 

Bệnh tiến triển âm thầm, nhiều người đi khám lần đầu khi đã xuất hiện các biến chứng. Các dấu hiệu cảnh báo có thể rất mờ nhạt như thường đói và mệt mỏi, đi tiểu nhiều hơn và luôn thấy khát, nhìn mờ, miệng khô ngứa da... 

Bệnh có thể được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu định kỳ. Yếu tố nguy cơ cao gây bệnh đái tháo đường là người béo phì thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, phụ nữ sinh con trên 4 kg, buồng trứng đa nang... Để phòng bệnh, cần có lối sống lành mạnh, vận động thể lực, ăn nhiều rau xanh và chất xơ, giảm tinh bột, hạn chế thức ăn chiên xào, không ngồi quá nhiều, giảm stress...

Ngày nay, bệnh tiểu đường trở thành mối lo ngại của rất nhiều người vì những hậu quả nặng nề mà nó để lại. Chuyên mục "Sức khỏe là vàng” kỳ này, bác sỹ chuyên khoa I Lương Kim Ngọc – Khoa Nội Bệnh viện Hữu Nghị 103 chia sẻ những lời khuyên đối với bệnh nhân tiểu đường.  

Tiểu đường là một căn bệnh mãn tính, nó làm cho cơ thể không hấp thu đường dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm như bệnh tim, mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận… và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, mỗi bệnh nhân tiểu đường cần phải có sự hiểu biết về căn bệnh này để tự chăm sóc bản thân nhằm hạn chế các biến chứng nặng nề. Dưới đây là những điều mà mỗi bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý.

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể sẽ có những biểu hiện như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy đi. Đặc biệt đối với những người béo phì, khi có biểu hiện này thì càng chắc chắn hơn về khả năng mắc căn bệnh này. Ngoài ra, bệnh còn có các biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…

Nắm rõ tình trạng bệnh của bản thân

Khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, người bệnh cần phải có tâm lý thật tốt và thoải mái. Đồng thời, cần phải nắm được tình trạng sức khỏe hiện tại, không được lơ là chủ quan về căn bệnh này. Đồng thời, nên đi khám và nghe sự tư vấn cụ thể của bác sĩ để có thể hiểu rõ về căn bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Tuân thủ phương pháp điều trị

Người bệnh cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đúng giờ, đúng liều, không được tự ý bỏ thuốc hay thay đổi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Phải khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra đường máu và làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tình trạng hiện tại. Mỗi người bệnh cần có một sổ theo dõi sức khỏe để có thể nắm rõ quá trình của bệnh.

Cần chú ý đến những thay đổi bất thường như mờ mắt, các vết lở loét ở bàn chân, cơ thể suy yếu nhanh, đau tức ngực … cần phải đi khám ngay để được điều trị hiệu quả nhất.

Chế độ ăn cho người tiểu đường

Các bệnh nhân tiểu đường cần có một chế độ ăn giàu chất xơ, đầy đủ các vitamin cần thiết và giảm các chất béo. Nên ăn các thực phẩm có chứa đường nhưng cơ thể hấp thu chậm như bột, gạo, ngũ cốc. Cần hạn chế các thức ăn có độ ngọt cao như bánh, kẹo, nước ngọt… Nếu ăn nhạt làm người bệnh khó ăn, có thể sử dụng chất tạo ngọt. Cần chia thực đơn trong ngày thành nhiều bữa, phải đảm bảo ăn đủ bữa, đều đặn, không được bỏ bữa. Tùy vào thể trạng, ta có thể chia các buổi ăn như sau:

- Đối với người gầy cần có 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ.

- Đối với người có thể trạng trung bình hoặc mập thì cần 3 bữa chính và thêm 1 bữa phụ.

Người bệnh nên có thói quen ăn uống tốt, ăn thức ăn được chuẩn bị tại nhà, vừa đảm bảo được vệ sinh mà còn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng hợp lý. Hạn chế ăn tại các cửa hàng, quán vỉa hè…

Chế độ luyện tập

Ngoài chế độ ăn hợp lý, người bệnh cần phải thương xuyên rèn luyện thân thể để có một sức khỏe tốt, một cơ thể khỏe mạnh để chống lại bệnh tật. Các bài tập, các môn thể thao cần phù hợp với thể lực, sở thích của mỗi người.

Vệ sinh cá nhân

Thường xuyên kiểm tra cơ thể, nhất là vùng da bàn chân và các vị trí tỳ đè, phải kiểm tra xem có tổn thương da hay không. Nếu có cần đến ngay bác sĩ để được điều trị cho phù hợp. Để tránh biến chứng lở loét da, người bệnh nên mang giày dép vừa chân có đế mềm, nằm nệm êm có kê lót vùng tỳ đè, khi nằm nên thường xuyên xoay trở, tránh nằm lâu một tư thế. Tắm rửa hằng ngày với nước ấm, lau khô bằng khăn mềm, bôi kem dưỡng ẩm cho da. Tránh để cho da bị tổn thương vì sẽ rất lâu lành, khi bị thương cần phải đến bác sĩ để được điều trị.

Lê Xuân Trường  
-----------------------------------

BÀI 3: TÌM HIỂU PHƯƠNG PHÁP NỘI SOI TIÊU HÓA CHẨN ĐOÁN UNG THƯ SỚM

Nội soi tiêu hóa (NSTH) là phương pháp hữu hiệu nhất để phát hiện các bệnh lý, nguy cơ, tổn thương, các bất thường ở đường tiêu hóa, giúp phát hiện sớm ung thư nếu có. Khi phát hiện có polyp hoặc dấu hiệu ung thư sớm, người bệnh được hội chẩn, tư vấn hướng điều trị và chỉ định can thiệp kịp thời bởi các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Bởi vậy, việc xử lý sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với việc phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Nội soi tiêu hóa là gì?

NSTH là tên gọi chung của phương pháp nội soi dạ dày - tá tràng - đại tràng - trực tràng. Đây là một trong những phương pháp hiện đại nhất hiện nay giúp các bác sỹ chẩn đoán chính xác và dễ dàng các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Đặc biệt là những phát hiện tiềm ẩn của các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến hệ tiêu hóa như: ung thư dạ dày, ung thư trực tràng, ung thư tá tràng...

Đối tượng cần được chỉ định nội soi dạ dày là những người có các triệu chứng của bệnh lý dạ dày như thường xuyên đau vùng thượng vị, ăn uống kém, sụt cân, cảm giác buồn nôn - nôn, ợ hơi, ợ chua. 

Những người có các dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa với triệu chứng ói ra máu, đi cầu phân đen hay thiếu máu mà chưa rõ nguyên nhân cũng cần được NSTH... Quá trình NSTH sẽ diễn ra từ 5 - 10 phút.

Vai trò của NSTH trong chẩn đoán ung thư sớm

Ung thư là một trong những căn bệnh phổ biến nhất hiện nay, nếu được phát hiện và điều trị ung thư sớm sẽ mang lại hiệu quả càng cao. Lợi ích của NSTH chẩn đoán ung thư là giúp kéo dài thời gian sống sau khi điều trị; phương pháp điều trị đơn giản, rút ngắn thời gian nằm viện; tránh được những biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tiết kiệm chi phí điều trị bệnh.

Hiện nay, NSTH bao gồm 2 phương pháp cơ bản là: NSTH thường và NSTH gây mê. Với NSTH gây mê bệnh nhân sẽ không còn cảm giác đau đớn hay khó chịu. Quá trình gây mê thường diễn ra ngắn nên người bệnh có thể tỉnh táo ngay sau khi kết thúc quá trình nội soi. 

Lượng thuốc gây mê cũng rất nhỏ nên hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Với một số trường hợp đặc biệt, bác sỹ sẽ phải tiến hành lấy mẫu tế bào để xét nghiệm HP giúp chẩn đoán sớm ung thư. Khi đó, thời gian NSTH có thể sẽ kéo dài hơn.



Kíp bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái thực hiện một ca nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân.

Thực hiện NSTH như thế nào?

Bệnh nhân khi đến khám sẽ đều được thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các xét nghiệm thường quy. Điều này là cần thiết để đánh giá không chỉ các bệnh lý chuyên khoa tiêu hóa mà còn tình trạng sức khỏe tổng quát nói chung. 

Chỉ những bệnh nhân nào được xác định là có các triệu chứng nghi ngờ hay nhiều yếu tố nguy cơ mới được chỉ định NSTH. Đồng thời, các bệnh lý nội - ngoại khoa đi kèm khác cũng được đánh giá mức độ để loại trừ chống chỉ định khi thực hiện kỹ thuật này. Tiếp theo, bệnh nhân cùng người nhà sẽ được tư vấn, giải thích về sự cần thiết của nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh. 

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái đã và đang trở thành một địa chỉ uy tín NSTH trong chẩn đoán ung thư sớm với hàng nghìn ca mỗi năm. Cùng với dàn máy móc hiện đại và đội ngũ bác sỹ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Tại đây, quy trình kỹ thuật nội soi sẽ đều được kiểm soát nghiêm ngặt và đảm bảo an toàn chất lượng cho người bệnh. 

Lê Xuân Trường
________________

 
BÀI 2: THOÁT KHỎI ĐAU ĐỚN DO SỎI NIỆU QUẢN BẰNG PHẪU THUẬT NỘI SOI

Sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến, chiếm gần 2/3 số các bệnh về tiết niệu, gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, niệu đạo. Trong đó sỏi niệu quản chiếm 28% tỷ lệ sỏi đường tiết niệu và là bệnh rất hay gặp. Nguyên nhân gây sỏi hầu hết là do sỏi rơi từ trên thận xuống, sỏi hình thành tại niệu quản rất ít gặp chỉ trong một số điều kiện như hẹp, u hay có túi thừa niệu quản. Sỏi niệu quản được chia làm sỏi niệu quản 1⁄3 trên, 1⁄3 giữa và 1⁄3 dưới. 

Một số triệu chứng sỏi niệu quản: 

Đau: có thể đau âm ỉ vùng hố thắt lưng lan dần theo đường đi của niệu quản; cơn đau có thể xuất hiện đột ngột, đau dữ dội, đau từ vùng thắt lưng lan xuống vùng bẹn và sinh dục. 

Đái máu: có thể đái máu vi thể, phát hiện qua soi hay đái máu đại thể có thể phát hiện bằng mắt thường, nước tiểu màu hồng. Đái ra sỏi chỉ gặp trong những trường hợp sỏi nhỏ dưới 6mm. Đái ra mủ trong trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu biểu hiện các triệu chứng: sốt, đái buốt, đái rắt.

Biến chứng của sỏi niệu quản:

Ứ nước tại thận gây giãn đài bể thận: do sỏi chặn đường nước tiểu đi qua, nước tiểu không xuống được bàng quang để đào thải ra ngoài gây ra ứ nước tại thận, giãn đài bể thận làm ảnh hưởng tới chức năng thận. Nặng hơn sẽ gây suy thận. 

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: khi viên sỏi di chuyển làm tổn thương niêm mạc niệu quản tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm với biểu hiện sốt cao rét run, hố thắt lưng căng đau. 
Suy thận cấp: Sảy ra khi sỏi gây tắc hoàn toàn đường niệu quản cả 2 bên.

Suy thận mạn: khi viêm nhiễm đường tiết niệu xảy ra nhiều đợt kèm theo sự cản trở lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang sẽ làm các tế bào thận tổn thương không hồi phục. Người bệnh có thể phát hiện sỏi niệu quản bằng những cách như: siêu âm, chẩn đoán hình ảnh (chụp Xquang, chụp CT…), xét nghiệm nước tiểu và sinh hóa máu.



Kíp phẫu thuật Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 thực hiện tán sỏi bằng phẫu thuật nội soi. 

Bác sỹ chuyên khoa I Hoàng Văn Môn - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 cho biết: Có nhiều phương pháp điều trị cho bệnh nhân có sỏi niệu quản; trong đó, phẫu thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp có rất nhiều ưu điểm, bệnh nhân không cần phải mổ mở. 

Thời gian thực hiện 1 ca phẫu thuật trung bình khoảng 30-50 phút, bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh, ra viện sớm hơn so với các phẫu thuật mổ khác. 

Xem videoclip phẫu thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser


Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái đã đầu tư trang thiết bị và hợp tác thường xuyên với bác sỹ chuyên ngành tiết niệu của Bệnh viện Việt Đức để thực hiện thành công rất nhiều ca tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser cho bệnh nhân. Đây được xem là sự hợp tác và phát triển rất có ý nghĩa, qua đó giúp người dân tiếp cận được với y học hiện đại, không phải chuyển tuyến Trung ương, chi phí thấp, không phải chờ đợi hoặc đi lại… 

Bác sỹ Hoàng Văn Môn cũng lưu ý: Bệnh nhân bị sỏi niệu quản hoặc có hiểu hiện như mô tả ở phần trên cần được khám và tư vấn. Bác sỹ chuyên khoa sẽ đánh giá và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Chẳng hạn, nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser được áp dụng điều trị đối với những bệnh nhân có sỏi niệu quản kích thước 0,6cm - 2cm; sỏi niệu quản nhỏ < 0,5cm sẽ điều trị nội khoa 1 tuần không cải thiện lâm sàng, sỏi không di chuyển xuống vị trí thấp hơn, sỏi trên vị trí hẹp niệu quản, sỏi trên polyp; sỏi niệu quản trên vị trí sa lồi niệu quản. Với ống nội soi bán cứng có thể tán nội soi ngược dòng những viên sỏi nằm ở vị trí niệu quản 1/3 trên đối với nữ giới dù vị trí gần sát bể thận, còn nam giới nên áp dụng với sỏi ở vị trí thấp hơn.

Lê Xuân Trường
________________


BÀI 1: ỨNG PHÓ VỚI BỆNH ĐAU VAI GÁY

Người bị đau vai gáy thường có biểu hiện đau cơ vùng cổ vai, gáy và lưng trên; khó khăn khi quay cổ, khi sờ nhẹ ngoài da hay ấn nhẹ vai gáy cũng tạo cảm giác đau; đi lại nhẹ nhàng cũng thấy đau, cơn đau tăng khi di chuyển hoặc vận động, ảnh hưởng đến nghỉ ngơi do đau nhức vai gáy… Các triệu chứng có thể kéo dài và lặp đi lặp lại.

Hội chứng vai gáy là một bệnh khá phổ biến hiện nay, bệnh có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ. Theo y học cổ truyền (YHCT) mô tả, bệnh này thuộc phạm vi chứng tý do chức năng gan thận suy giảm vì tuổi tác cao, lao động nặng nhọc, sai tư thế, ăn uống và sinh hoạt kém lành mạnh, hay do phong hàn thấp xâm nhập vào các kinh mạch khiến khí huyết bị tắc nghẹn gây ra đau mỏi, gân cốt, cơ bắp, khớp xương bị đau, tê dại, co duỗi khó.

Xem video chữa đau vai gáy bằng phương pháp châm cứu trong y học cổ truyền 


Nhận biết triệu chứng:
 
Để điều trị hội chứng này, y học hiện đại sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm nhưng có nhiều tác dụng phụ và giá thành cao. Trong khi đó châm cứu đau vai gáy bằng phương pháp YHCT đã được áp dụng từ lâu đời, đây là một phương pháp mà ngày nay y học hiện đại cũng đánh giá cao vai trò trong việc chữa các bệnh cột sống nói chung.

Châm cứu là biện pháp dùng kim châm tác động vào các huyệt đạo để điều hòa lại hoạt động của dây thần kinh. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ châm cứu sẽ giúp kích thích những đốt sống cổ đã bị tổn thương bằng cách tạo ra chất steroid, thúc đẩy sản xuất endorphin - hormone giúp giảm đau hiệu quả. Bằng cách hoàn toàn tự nhiên, các vị trí sưng tấy sẽ nhanh chóng xẹp nhỏ lại khiến cơn đau được giải phóng.

Châm cứu chữa bệnh đau vai gáy đã chứng tỏ là khá an toàn cho người bệnh và đem lại hiệu quả cao.

Châm cứu chữa đau vai gáy hiệu quả như thế nào?

■ Giúp bệnh nhân giảm đau nhanh.

■ Cải thiện triệu chứng đau trong hội chứng vai tay một cách rõ rệt.

■ Giúp bệnh nhân thay đổi vận động cột sống cổ theo chiều hướng tốt hơn.

■ Thay đổi sự biến đổi góc vận động khớp vai cả 3 tư thế chiều hướng tốt hơn.

Để có thể chữa đau vai gáy bằng châm cứu thành công, người thầy thuốc, lương y cần nắm rõ được các huyệt đạo cũng như vị trí trọng điểm ở vùng vai gáy, đây là yếu tố kiên quyết ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều trị có hiệu quả hay không.

Có đến hơn 90% người bệnh bị đau vai gáy phục hồi được hoàn toàn chức năng với biện pháp vật lý trị liệu này. Mặc dù vậy không nên kỳ vọng châm cứu 1, 2 lần có thể chữa dứt điểm được bệnh mà cần kết hợp với phác đồ điều trị của bác sĩ kết hợp với cách sử dụng thuốc, điều chỉnh tư thế, lối sống.

Bà Trần Thị Hoa, 56 tuổi ở huyện Trấn Yên - hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái cho biết: "Tôi bị đau mỏi vai gáy cũng đã lâu, tuy nhiên tôi có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng nên bị bệnh viêm khớp tôi không thể sử dụng thuốc Tây y được lâu dài, vì thế tôi đã chuyển sang châm cứu Đông y. Ngày nào tôi cũng lên Bệnh viện châm cứu và thấy rất hiệu quả, kiên trì trong một thời gian thì những cơn đau chấm dứt hẳn. Hiện nay tôi đã có thể vận động thoải mái”.

Muốn châm cứu vai gáy hiệu quả bạn cần thăm khám trực tiếp để bác sĩ nắm được tình trạng bệnh cụ thể từ đó lựa chọn châm cứu các huyệt cho phù hợp. Không nên tự thực hiện tại nhà mà hãy đến các phòng châm cứu chuyên môn, ở đó các lương y sẽ biết châm vào chính xác vị trí các huyệt đạo để tạo ra phản ứng lan tỏa hoặc giảm nhanh chóng sự co thắt cơ gây đau.

Được biết, hiện nay Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 đang thực hiện khám chữa bệnh bằng các kỹ thuật đặc thù của YHCT kết hợp với y học hiện đại cho bệnh nhân, điều trị hiệu quả các bệnh lý thoái hóa xương khớp với các bệnh: thoái hóa đốt sống cổ, đau vai gáy, vẹo cổ cấp, liệt giây thần kinh VII ngoại biên, di chứng liệt nửa người sau tai biến mạch máu não, viêm quanh khớp vai, thoái hóa khớp gối, thoái hóa thắt lưng, đau dây thần kinh tọa…


Các tin khác

Tỉnh Yên Bái hiện có trên 215 nghìn học sinh các cấp, trong đó, có 2.972 học sinh nội trú, 23.823 học sinh bán trú và 56.832 trẻ mầm non. Quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục về công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các trường học, nhất là đối với các trường nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục - đào tạo và các địa phương

YBĐT - Những hàng đồ ăn có nguy cơ cao không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng.

Chế biến thức ăn tại các bếp ăn tập thể cần có nguồn nguyên liệu an toàn.

YBĐT - Mặc dù tỉnh Yên Bái đã chú trọng tới công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) ở địa phương nhưng những năm gần đây, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) trên địa bàn vẫn có diễn biến phức tạp. Năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ NĐTP, 237 người mắc, 4 người tử vong.

Bày bán tràn lan, màu sắc hấp dẫn, giá lại quá rẻ khiến cho cả người lớn và trẻ nhỏ đều thích. Nước ngọt giá rẻ có nguồn gốc từ đâu? Nguyên liệu để tạo nên sản phẩm này là gì? Mời quý vị và các bạn tìm hiểu qua phóng sự của VTV!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục