New Zealand
Ngày 8-6, Thủ tướng Jacinda Ardern thông báo bệnh nhân cuối cùng mắc Covid-19 tại nước này đã hồi phục và quốc gia này hoàn toàn sạch bóng vi rút SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế Ashley Bloomfield cho biết, nữ bệnh nhân cuối cùng ở Auckland giờ có thể rời cơ sở cách ly.
New Zealand sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch từ ngày 9-6, trừ việc đóng cửa biên giới sau gần 7 tuần. Bất kỳ ai qua cửa khẩu biên giới đều sẽ phải xét nghiệm Covid-19 dù họ có triệu chứng hay không.
Đến ngày 10-6, Bộ Y tế New Zealand thông báo không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Như vậy, quốc gia châu Á - Thái Bình Dương này đã không ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào trong 19 ngày.
Tổng số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại New Zealand là trên 1.500 ca, trong đó có 22 trường hợp tử vong.
Vatican
Vatican ngày 6-6 thông báo không còn ca nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng dân cư khu vực sau khi toàn bộ 12 bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn.
Người phát ngôn của Vatican ông Matteo Bruni cho biết, bệnh nhân cuối cùng tại đây đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Thành phố xác nhận không có trường hợp tử vong vì bệnh dịch.
Một ngày sau đó, Giáo hoàng Francis đã có bài phát biểu đầu tiên tại Thánh đường Saint Peter kể từ khi khu vực ban bố tình trạng khẩn cấp.
Fiji
Trong tuần đầu tiên của tháng 6, Fiji tuyên bố hết dịch Covid-19 sau khi tất cả 18 bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2 hồi phục. Bày tỏ trên trang mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama ngày 5-6 viết: "Đã 45 ngày kể từ khi chúng ta ghi nhận ca mắc mới cuối cùng. Không có người tử vong, tỷ lệ hồi phục là 100%. Những lời cầu nguyện, sự chăm chỉ và trình độ khoa học đã được hồi đáp”.
Fiji có dân số 900.000 người. Hồi tháng 4, đảo quốc Nam Thái Bình Dương này đã áp dụng lệnh phong tỏa tại một số khu vực và biện pháp hạn chế biên giới.
Tanzania
Tổng thống Tanzania ngày 7-6 thông báo quốc gia này đã sạch bóng Covid-19 vì sức mạnh cầu nguyện của người dân. Tuy nhiên, phát ngôn trên được đưa ra 6 tuần sau khi quốc gia châu Phi này ngưng công khai cập nhật dữ liệu Covid-19 trong nước.
"Covid-19 tại quốc gia chúng ta đã bị sức mạnh của Chúa trời loại bỏ”, Tổng thống John Magufuli phát biểu tại một buổi lễ trong nhà thờ ngày 7-6.
Vào thời điểm cập nhật cuối cùng cách đây 6 tuần, số liệu về ca mắc Covid-19 tại Tanzania dừng ở con số 509 với 21 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, Tổng thống Magufuli nhiều lần khẳng định cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 gây ra đang bị phóng đại quá mức, và kêu gọi các tín đồ vẫn tiếp tục tham dự các buổi lễ trong nhà thờ và thánh đường Hồi giáo, với lý do việc cầu nguyện "có thể tiêu diệt được" vi rút.
Montenegro
69 ngày kể từ khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, ngày 24-5, Montenegro tuyên bố không còn dịch.
Đây cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên công bố chiến thắng trước đại dịch. Tổng cộng nước này ghi nhận 324 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 9 ca tử vong.
Seychelles
Quốc đảo này tuyên bố không còn vi rút SARS-CoV-2 vào ngày 18-5, sau khi Bộ Y tế thông báo toàn bộ bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn. Quốc gia ghi nhận 11 trường hợp mắc Covid-19 nhưng không có trường hợp tử vong.
Saint Kitts và Nevis
Ngày 19-5, quốc gia Tây Ấn tuyên bố không còn Covid-19 sau khi tất cả 15 bệnh nhân được xác nhận đã hồi phục. Chính phủ cho biết tất cả các trường hợp này có tiền sử trở về từ nước ngoài.
Timor Lester
Quốc đảo này tuyên bố không còn Covid-19 vào ngày 15-5 sau khi bệnh nhân cuối cùng số 24 hồi phục.
Không có trường hợp tử vong vì Covid-19 tại quốc gia này.
Papua New Guniea
Ngày 4-5, quốc gia Thái Bình Dương tự tuyên bố hết dịch. Nước này ghi nhận tổng cộng 24 ca mắc Covid-19 và không có ca tử vong.
Lào
Chính phủ Lào tuyên bố nước này đã giành chiến thắng ban đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, sau khi toàn bộ 19 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được xuất viện và không có ca nhiễm mới nào trong 59 ngày liên tiếp.
Phát biểu với giới truyền thông ở Thủ đô Viêng Chăn ngày 10-6, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith khẳng định chiến thắng ban đầu này là bước đi quan trọng đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh có được chiến thắng này là nhờ sự đóng góp của toàn thể người dân Lào có ý thức trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Một số nhân tố khác dẫn đến thành công bao gồm việc áp đặt sớm các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch, ban lãnh đạo chú trọng công tác phòng chống dịch, theo đó thường xuyên chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả và kịp thời của tất cả các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và các nước bạn.
(Theo HNMO)