Do ăn thịt gia cầm bệnh?
Khoảng 1 tuần trước khi bệnh nhi này nhập viện, gia đình mổ ngan, gà có biểu hiện bệnh để ăn. Ít ngày sau, bệnh nhi ho, sốt, nhập viện với chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Sau 2 ngày điều trị, Bệnh viện Nhi Trung ương xác định bệnh nhi này nhiễm cúm A/H5. Kết quả tương tự cũng được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương công bố sau 7 ngày. Đến ngày 22-10, sau gần 2 tuần nhập viện, bệnh nhi đã được rút nội khí quản, tỉnh táo, tiếp tục được theo dõi chức năng thận để có các biện pháp điều trị phù hợp.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ, xung quanh khu vực nhà bệnh nhi nêu trên sinh sống chưa ghi nhận ca bệnh tương tự. Cơ quan chức năng đang tiếp tục giám sát chặt qua 21 ngày kể từ khi xuất hiện ca bệnh này. Một chuyên gia dịch tễ cho biết mẫu xét nghiệm mới chỉ khẳng định bệnh nhi nhiễm cúm A/H5 mà chưa đủ để đánh giá nhiễm kháng nguyên "N" nào.
Cúm A có 15 loại kháng nguyên H (từ H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những tổ hợp của 2 loại kháng nguyên này tạo nên các phân loại khác nhau của virus cúm A. Trong đó, virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao. Hơn 20 năm qua, sự bùng phát của virus H5N1 đã làm hàng chục triệu gia cầm nhiễm bệnh và chết.
Các nhà khoa học đánh giá H5N1 là loại virus có khả năng tự biến đổi hoặc tái tổ hợp rất cao. Chúng có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra đại dịch cúm cho người với tỉ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong rất lớn.
Các chủng virus độc lực cao có thể tồn tại lâu trong môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp. Chúng có thể sống ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 40 độ C nhưng nếu đông băng thì có khả năng sống nhiều năm. Ở nhiệt độ 37 độ C, chúng có thể sống đến 6 ngày trong phân gia cầm. Tỉ lệ biến chứng và tử vong ở người nhiễm cúm A/H5N1 rất cao, từ 50%-60% trường hợp mắc.
Chủ động phòng chống
Trước ca bệnh nêu trên, năm 2014, Bộ Y tế từng thông báo về 2 ca nhiễm A/H5N1 ở Bình Phước và Đồng Tháp, đều tử vong sau đó. Từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1. Trong đó, năm 2013, nước ta ghi nhận số ca mắc cúm A/H5N1 và tử vong cao, đứng thứ 3 trong khu vực.
Theo các chuyên gia dịch tễ, Việt Nam là một trong những nước có sự lưu hành của nhiều chủng virus cúm, bao gồm các chủng cúm gia cầm A/H5, A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8. "Các chủng A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc" - một chuyên gia cảnh báo.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết hiện đã có thêm nhiều loại thuốc kháng virus để điều trị các bệnh do virus, trong đó có cúm gia cầm. "Với các ca nhiễm cúm gia cầm, điều quan trọng là phát hiện và điều trị sớm để tránh tổn thương phổi, hạn chế tình trạng suy đa tạng. Vì thế, người nào từng tiếp xúc bệnh nhân mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh hoặc sống ở khu vực đang lưu hành bệnh cúm gia cầm, khi có biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở… thì nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay" - bác sĩ Hà khuyến cáo.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết bệnh cúm A trên người là bệnh lây qua gia cầm. Virus này lây sang người qua đường hô hấp, qua tiếp xúc vật dụng nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1; ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Nếu không xảy ra dịch trên gia cầm thì cũng không xảy ra dịch bệnh trên người.
Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi đó, tổng đàn gia cầm đang có xu hướng gia tăng để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Với thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có các biểu hiện cúm không rõ lý do hoặc sau khi tiếp xúc gia cầm, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
(Theo NLĐ)