Trong 1 tháng, lực lượng chức năng đã phát hiện thu giữ 837 bình "khí cười” và 103 vỏ bình kim loại trên địa bàn TP. Hà Nội.
Khí trong bóng cười là chất gây mê
Mới đây, tối ngày Valentine 14/2, lực lượng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kiểm tra quán bar Hey Club tại số 57 Cửa Nam, phường Cửa Nam đã phát hiện, thu giữ 3 bình khí cười. Ngày 12/2, kiểm tra tại quán café Moth, lực lượng làm nhiệm vụ đã thu giữ 1 bình khí cười, thu 4 bình tại quán One Lounge 61 Mã Mây, phường Hàng Buồm.
Trước đó, ngày 11/2, kiểm tra quán bar Roman-9 HBG 12/14 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, tổ công tác thu giữ 14 bình khí cười. Tại cơ sở kinh doanh tại số 61 Lương Ngọc Quyến sau khi được bàn giao cho chủ mới, người này đã phát hiện và tự giao nộp 7 bình khí cười. Ngày 10/2, kiểm tra quán bar Play Boy ở số 8 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, lực lượng Công an đã thu giữ 12 bình khí cười.
Dù đã có nhiều cảnh báo song bóng cười vẫn thu hút sự tò mò của nhiều bạn trẻ. Từ thử cho biết đến thích, thành thói quen, nghiện… Trò vui này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà ít người hiểu rõ. Do không được quản lý triệt để và không nằm trong danh mục hàng cấm sử dụng nên bóng cười vẫn có đất sống.
Khí cười thực ra là oxit nitơ (N2O). Giải thích về tác hại của loại khí này đến sức khỏe, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khí N2O thực ra là thuốc gây mê. Khi hít phải ở lượng nhỏ sẽ kích thích thần kinh trung ương tạo ra hưng phấn và gây cười.
Theo TS Trần Hồng Côn, việc thần kinh bị kích thích, hưng phấn và cười một cách cơ học như vậy rất nguy hiểm nếu diễn ra thường xuyên. Việc một chất kích thích đúng vào trung tâm gây cười mà không xuất phát từ cảm xúc thực sự sẽ làm cho thần kinh bị chai lì, quen với việc bị kích thích mới cười. Lâu dần sẽ làm người hít bóng cười bị tự kỉ, vui cũng không thể cười được, không muốn nói năng gì, đau đầu, mệt mỏi.
Nếu sử dụng một thời gian dài hơn, người dùng có thể bị thiếu vitamin B12, gây tổn thương thần kinh ở tay và chân, hoặc các vấn đề với hệ thống miễn dịch vì hóa chất có thể ngăn chặn các tế bào bạch cầu hình thành đúng cách. Ở liều cao có thể dẫn đến ảo giác và chóng mặt, làm tăng nguy cơ tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông, khiến cơ thể dễ mất kiểm soát.
Hôn mê, tử vong là dễ hiểu
Dù liên tục lập tổ công tác truy quét, kiểm tra hàng đêm nhưng nghịch lý là theo quy định hiện nay, hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh khí N2O (hay còn còn gọi là bóng cười) chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng/vụ.
Một quả bóng cười tại các quán bar đang được bán cho khách với mức giá 200.000 đồng. Với số lượng bóng cười tiêu thụ là hàng trăm, hàng nghìn quả, chỉ sau một đêm, chủ cơ sở đã thu về hàng trăm triệu đồng.
Bóng cười là một món hàng siêu lợi nhuận nên để ngăn chặn triệt để vấn nạn kinh doanh sử dụng trái phép bóng cười, chỉ sự vào cuộc truy quét của cơ quan công an sẽ là không đủ nếu chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm như hiện nay.
PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, một số nước cho phép sử dụng bóng cười như một trò giải trí, tuy nhiên họ kiểm soát rất nghiêm ngặt hàm lượng khí trong mỗi quả bóng cũng như chất lượng loại khí N2O sử dụng.
Còn ở Việt Nam, bóng cười không nằm trong danh mục cấm nên việc sản xuất tràn lan, không thể kiểm soát chất lượng cũng như số lượng khí bơm vào mỗi quả bóng. Do đó, rủi ro cho người chơi là rất cao. Trường hợp khí N2O trong quả bóng quá nhiều sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Chất lượng khí lại không đảm bảo thì nguy hại nhân đôi.
"Khí này không tan trong máu, lượng oxy thấp, có quả bóng không có tí oxy nào nên khi sử dụng sẽ làm thiếu oxy lên não. Ban đầu có thể phấn khích, sau đó sẽ rơi vào hôn mê nếu người dùng có tiền sử các bệnh tim mạch, hen suyễn, dễ kích ứng thần kinh. Nhiều người không hiểu rõ cơ chế gây tác hại của bóng cười nên vô tư sử dụng để giải trí là điều rất nguy hiểm. Cha mẹ cần kiểm soát con cái chặt hơn, tuyệt đối không cho sử dụng bóng cười", PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết thêm.
Tất cả các chất hóa học đều có thể gây nghiện và nếu sử dụng sai mục đích, với thời gian dài đều gây tác hại đặc biệt là các tổn thương vĩnh viễn trên não bộ. N2O được sử dụng trong y học từ hơn 150 năm trước để gây mê toàn thân. Tuy nhiên do tác dụng yếu nên hiện nay trong y học chất này ít được sử dụng đơn độc mà thường được sử dụng phối hợp với các thuốc gây mê khác.
(Theo SKĐS)