Theo đó, khoảng 16 giờ 30 ngày 19/3, trong lúc em bé này đang chơi trước sân nhà thì bị một con chó có biểu hiện bệnh dại bất ngờ tấn công gây thương tích ở vùng mặt, môi và lưỡi. Ngay sau đó, nạn nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa Cái Nước rửa vết thương, khâu cầm máu, tiêm vaccine, tiêm huyết thanh kháng dại, tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván. Tuy nhiên, bác sĩ nhận định vết thương của bé có nguy cơ hoại tử nên yêu cầu gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) điều trị. Đến ngày 23/3, sức khỏe bé đã dần ổn định và được xuất viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy, con chó tấn công cháu bé này dương tính với bệnh dại.
Ngày 21/3, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị này tiếp nhận 2 bệnh nhi đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nghi do chó dại cắn. Theo đó, cháu V.Q.H. (9 tuổi, trú huyện Tân Kỳ, Nghệ An) được đưa đến bệnh viện với chẩn đoán bị bệnh dại. Cháu bé không được tiêm vaccine dại, khi nhập viện, bệnh nhi tử vong.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2023, bé L.B.T (3 tuổi, trú huyện Quế Phong, Nghệ An) xuất hiện nôn nhiều kèm co giật. Sau khi cấp cứu ở Trung tâm y tế tuyến huyện, trẻ đã được chuyển Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước. Qua khai thác tiền sử, trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó mèo. Sau khi vào bệnh viện, bé T. đã không qua khỏi.
Ngày 16/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên xác nhận trên địa bàn có một trường hợp tử vong do bị chó dại cắn, 8 người tiếp xúc gần cũng phải điều trị. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, đơn vị vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhân nữ tử vong do bệnh dại sau 18 tháng bị chó của gia đình cắn nhưng không tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Trong 3 tháng đầu năm, tại một số địa phương đã ghi nhận nhiều người dân đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại. Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng dại, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại.
Bộ Y tế cho biết, mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên, bệnh dại gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine. Bệnh dại khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên, thường tác động lên hệ thần kinh con người. Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Thông thường thời kỳ lây truyền bệnh dại ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày trước khi chết và trong khoảng thời gian từ 1 - 3 ngày trước khi có biểu hiện dại thì virus dại đã thải ra đến tuyến nước bọt của con vật. Vì vậy, nếu bị cắn trong giai đoạn này vẫn có thể mắc bệnh, mặc dù tại thời điểm bị cắn thấy chó vẫn bình thường.
Ông Phu cũng lưu ý: Bằng mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không, do đó khi có người nhà bị chó dại cắn cần theo dõi con vật. Nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 - 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Còn BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương thì chia sẻ, nhiều trường hợp nghĩ chó nhà nuôi cắn thì không sao và trước đó con chó cũng không có biểu hiện gì đặc biệt nên nhiều người chủ quan không tiêm phòng. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vaccine phòng bệnh thì đã quá muộn. Lúc này, virus bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không có thuốc nào chữa được.
Về giải pháp để loại trừ bệnh dại trên người, các chuyên gia y tế cho rằng, quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%. Tiếp đến là tiêm vaccine phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa.
(Theo daidoanket)