Đồng thời, còn chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố nguy cơ có hại khác như: bụi, tiếng ồn, điện từ trường, phóng xạ, các khí gây mê, hóa chất khử khuẩn… Cùng với đó, công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, khối lượng công việc lớn và trách nhiệm cao có thể gây ra căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, công tác an toàn vệ sinh lao động đã được ngành y tế đặc biệt quan tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu đề ra.
Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Ngành y tế tỉnh đã có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho nguời lao động. Trong đó, tập trung phổ biến, quán triệt Luật An toàn, vệ sinh lao động, các văn bản hướng dẫn đến cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Đồng thời, triển khai thực hiện quan trắc môi trường lao động và đánh giá các yếu tố nguy cơ tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện làm việc đối với các vị trí có nguy cơ cao để hạn chế nguy cơ bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động; lập mới, cập nhật hồ sơ quản lý vệ sinh lao động; khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định hiện hành của Nhà nước”.
Theo đó, Sở đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác ATVSLĐ giám sát, hỗ trợ chuyên môn thực hiện vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho 5 cơ sở y tế, 3 cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, ngành cũng đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, ngành; 100% các cơ sở tổ chức truyền thông trực tiếp; riêng 3 tháng đầu năm, tổ chức quản lý, khám sức khỏe định kỳ cho 335 người lao động, trong đó có 8 người lao động được phát hiện bệnh nghề nghiệp, từ đó có giải pháp bảo đảm công tác ATVSLĐ tốt hơn tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp vẫn còn những khó khăn, hạn chế do ý thức, nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động; kinh phí để thực hiện các hoạt động về đảm bảo ATVSLĐ còn hạn chế… khiến cho việc đảm bảo ATVSLĐ tại một số nơi còn chưa thực sự được quan tâm, đi vào chiều sâu.
Để tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ y tế phát huy hết khả năng, cống hiến tận tâm, bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế khẳng định: "Những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm và ban hành nhiều chính sách riêng cho nhân viên ngành y tế về bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe nhân viên như: cải thiện chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm, chế độ phụ cấp đặc thù nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên y tế... Đặc biệt, trong danh mục các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội chi trả có 5 bệnh nghề nghiệp chủ yếu của ngành y tế".
"Để giảm thiểu tình trạng này, Sở đã chỉ đạo công đoàn ngành quan tâm hơn nữa đến cán bộ, nhân viên, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp theo Chỉ thị số 29/CT-TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” để người thầy thuốc luôn khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, phát huy hết khả năng, nhiệt huyết trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”, bà Vân nói.
Trần Minh