Bộ Y tế lo nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm tại vùng bị lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/8/2023 | 2:54:50 PM

Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: tiêu chảy đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Trạm Y tế xã Hồ Bốn bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ.
Trạm Y tế xã Hồ Bốn bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ngày 11/8 đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm

Theo Cục Y tế dự phòng, trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã có tác động tiêu cực đến nước ta với sự diễn biến bất thường của thời tiết và xảy ra nhiều tình huống thiên tai bất thường khó dự đoán, nhất là xảy ra mưa lớn bất ngờ và kéo dài ở một số địa phương, có thể gây lũ quét, ngập lụt, xảy ra sụt lún, sạt lở đất làm rất lớn đến tính mạng, tài sản, đời sống sinh hoạt của nhân dân; theo dự báo trong thời gian tới, nhiều khả năng còn có các cơn bão với mưa to và mưa rất to gây ra lũ và ngập lụt tại nhiều nơi là điều kiện thuận lợi có thể làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh tại các vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. 

Bộ Y tế lo nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm tại vùng bị lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất - Ảnh 1.
Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: tiêu chảy đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh và các hậu quả về sức khỏe cho nhân dân, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nội dung công tác cụ thể như sau:

Chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là vùng có thể bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Đồng thời tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: tiêu chảy đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....

Chủ động khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho nhân dân

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và công tác đảm bảo y tế trên địa bàn.

Trận mưa lũ đêm 5 rạng sáng ngày 6/8, đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất đối với Trạm Y tế xã Hồ Bốn. Trạm Y tế xã Hồ Bốn bị lũ quét làm đổ sập và cuốn trôi hoàn toàn 01 dãy nhà ngang gồm 6 phòng và 7 giường bệnh cùng các vật dụng dùng cho bệnh nhân như chăn, màn, gối, chiếu...; cuốn trôi toàn bộ máy tính, bàn làm việc, tài liệu, bàn khám bệnh, tủ các loại… Kho thuốc của Trạm bị ngập hỏng hết thuốc và vật tư trang thiết bị y tế bị trôi một phần, một phần đang ngập trong bùn chưa thống kê được. Toàn bộ trạm bùn, rác ngập 50 -70cm... 

Nhằm kịp thời đáp ứng y tế ban đầu, sau khi thông đường, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã thành lập đoàn khảo sát nắm bắt tình trạng thiệt hại; Cấp cứu, sơ cứu các bệnh nhân bị tai nạn ảnh hưởng do bão lũ gây ra. Đồng thời cấp cho Trạm Y tế xã Hồ Bốn 02 cơ số phòng chống bão lũ để Trạm sử dụng trong khám và điều trị bệnh, 01 máy phun khử trùng, 10 lít xăng và Cloramin B khử trùng nguồn nước.

Trạm Y tế xã Hồ Bốn cũng đã chủ động tham mưu với UBND xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng tránh các loại dịch bệnh sau mưa lũ, thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống.

Do tình hình mưa lũ vẫn tiếp tục tiến triển, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải triển khai các phương án bảo vệ, sơ tán kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và các trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế thuộc đơn vị quản lý ở những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét hoặc vùng trũng thấp dễ bị ngập sau khi có mưa lớn; Triển khai ngay các giải pháp về vệ sinh môi trường, nước sạch, chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt ở những khu vực vừa bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét. Tiếp tục đảm bảo năng lực khám chữa bệnh cho nhân dân ở tuyến huyện, tuyến xã.

Sở Y tế tỉnh Yên Bái chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cần chủ động sẵn sàng các điều kiện hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn trong công tác khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả sau thiên tai, đảm bảo phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thủy Thanh (BT-SKĐS)

Các tin khác
Các trang giả mạo thầy thuốc Bệnh viện trung ương Quân đội 108.

Sáng 11-8, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đưa ra cảnh báo về việc hiện đang có hàng loạt chiêu trò mạo danh bệnh viện để chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng làm tổn hại sức khỏe của người dân… Điều đáng nói là các thủ đoạn lừa đảo liên tục được “nâng cấp”.

Các y, bác sỹ Trạm Y tế thị trấn Mậu A khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người nhiễm chất độc màu da cam trên địa bàn.

Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2023), ngày 10/8, thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên) tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 23 nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội)

Enterovirus gây bệnh tay chân miệng là chủng virus có độc lực cao, rất dễ làm bệnh diễn tiến nặng và có thể gây tử vong.

Gan là cơ quan hoạt động rất thầm lặng trong cơ thể, trừ khi nó xảy ra vấn đề nghiêm trọng còn không thì bạn sẽ rất khó nhận biết triệu chứng. Thế nên nếu thức dậy vào buổi sáng và thấy xuất hiện những dấu hiệu này thì bạn cần nhanh chóng đi khám gan ngay lập tức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục