Ghi nhận 14 ca bệnh
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2023 cho đến ngày 4-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 14 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại huyện Ba Vì. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, thành phố chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca bệnh.
14 ca bệnh nêu trên được ghi nhận tại 8 quận, huyện. Trong đó, Chương Mỹ có nhiều bệnh nhân nhất với 6 ca, tiếp đến là Ba Vì có 2 ca bệnh. Còn lại 6 quận, huyện là Đông Anh, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Quốc Oai, Thanh Oai, Thanh Trì, mỗi địa bàn có 1 ca bệnh. Điều đáng nói, không chỉ ăn tiết canh mà qua điều tra dịch tễ, có 8/14 trường hợp mắc bệnh sau khi tham gia giết mổ lợn, ăn lòng lợn, hoặc làm nghề bán thịt lợn.
Đáng lưu ý là trường hợp bệnh nhân 51 tuổi (ở huyện Quốc Oai). Người nhà bệnh nhân này cho biết, sau khi sốt cao, đau đầu, mỏi người, ông tự điều trị tại nhà không đỡ. Tình trạng đau đầu nặng lên kèm theo ý thức lơ mơ, kích thích, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Quân y 103, quận Hà Đông, Hà Nội. Tại đây, kết quả cấy máu và dịch não tủy cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn streptococcus suis (gây bệnh liên cầu khuẩn lợn). Trước khi nhiễm bệnh, người đàn ông này không ăn tiết canh, cũng không tham gia giết mổ lợn.
Tương tự, trước khi nhập viện 4 ngày, nữ bệnh nhân tên K. (59 tuổi, ở Hà Nội) và gia đình có ăn lòng lợn nhưng không ăn tiết canh. Sau bữa ăn một ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, liên tục rét run, kèm đi ngoài phân lỏng 5 lần/ngày, buồn nôn, nôn ra thức ăn, đau đầu âm ỉ, đau mỏi toàn thân. Sang ngày thứ 2, bệnh nhân xuất hiện mảng tím đen trên da vùng mặt. Kết quả cấy máu, dịch não phát hiện vi khuẩn liên cầu lợn. Sau đó, bệnh nhân được chăm sóc và điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương). Đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã được cải thiện.
Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) thời gian qua cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng rất nặng và nguy kịch, đe dọa tính mạng. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Thế, Phó Chủ nhiệm khoa cho biết, đây là loại bệnh truyền nhiễm của động vật lây sang người. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu cho lợn (lợn nhà, lợn rừng), nhưng cũng có thể lây truyền và gây bệnh cho người. Nguồn bệnh chủ yếu là lợn bị bệnh và lợn mang vi khuẩn không triệu chứng. Hiện chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người.
"Người bị nhiễm bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh, lợn mang vi khuẩn gây bệnh, các chất bài tiết của lợn bị bệnh (phân, nước tiểu) hoặc do ăn các sản phẩm chế biến từ thịt lợn bị bệnh chưa được nấu chín như tiết canh lợn, ăn thịt sống, thịt tái, nem, thịt nấu chưa chín kỹ. Như vậy, những người dễ bị mắc bệnh là những người chăn nuôi lợn, người giết mổ lợn, người chế biến thịt lợn sống, người có thói quen ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái, thịt lợn chưa nấu kỹ, nem thịt lợn tái”, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Thế lý giải.
Tuân thủ các biện pháp phòng bệnh
Theo các chuyên gia y tế, thời gian ủ bệnh liên cầu khuẩn, tính từ khi phơi nhiễm đến khi phát bệnh thông thường từ vài giờ đến 3 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn, kéo dài đến 7-10 ngày. Các biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, có những cơn rét run; nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; đau đầu dữ dội. Trường hợp bệnh nặng, nguy kịch sẽ xuất hiện các rối loạn thần kinh như: Lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, co giật… hoặc tổn thương các dây thần kinh trung ương như điếc, mắt mờ; rối loạn tuần hoàn.
Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện rối loạn hô hấp như: Khó thở, viêm phổi, suy hô hấp; suy chức năng gan; suy chức năng thận; xuất huyết dưới da toàn thân dưới dạng mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc; xuất huyết nội tạng và nhiều rối loạn khác. Khi phát hiện một trong những triệu chứng trên, nhất là ở những người có tiền sử tiếp xúc thường xuyên với lợn hoặc ăn tiết canh, thịt lợn thì cần khẩn trương đưa người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Thế cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn có thể chữa được. Tuy nhiên, người bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm bằng các loại kháng sinh như: Ampicillin, Amoxicillin, Cefotaxim, Ceftriaxon, Meropenem… Trường hợp bệnh nặng và nguy kịch, ngoài điều trị kháng sinh, người bệnh cần được chăm sóc, điều trị tại các khoa hồi sức tích cực, áp dụng các biện pháp điều trị đặc biệt như chống sốc, đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, truyền máu và các chế phẩm của máu, điều trị suy đa tạng (suy tim, suy gan, suy thận) và điều chỉnh các rối loạn nội môi khác trong cơ thể.
Để tránh mắc bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ chế biến thịt lợn như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay; thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ. Tuyệt đối không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết, tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái chưa nấu chín kỹ. Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng theo đúng quy định. Người tiêu dùng nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.
(Theo HNMO)