Tìm hiểu thực tế, 5 phòng khám thuộc diện tổ chức, sắp xếp lại gồm: Trạm Tấu thuộc huyện Trạm Tấu; thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (nay là xã Nghĩa Lộ thuộc thị xã Nghĩa Lộ); Sơn Lương, Đồng Khê, Tân Thịnh thuộc huyện Văn Chấn được tổ chức, sắp xếp lại do nhiều nguyên nhân khách quan như: đường giao thông đi lại dễ dàng, thuận lợi hơn, khoảng cách một số phòng khám gần với bệnh viện hoặc trung tâm y tế nên người dân đến thẳng tuyến trên.
Bên cạnh đó, nhờ việc thông tuyến bảo hiểm y tế, người dân có thể đến thẳng tuyến trên để khám, chữa bệnh (KCB) mà không bị ảnh hưởng đến quyền lợi; các phòng khám thiếu trang thiết bị, nhân lực, chất lượng cung cấp dịch vụ hạn chế, chủ yếu là khám và điều trị một số bệnh thông thường theo phân tuyến kỹ thuật của trạm y tế xã; một số phòng khám không thực hiện điều trị nội trú, số lượng bệnh nhân đến KCB vì thế cũng giảm dần, dẫn đến nguồn thu từ hoạt động KCB giảm, trong khi đó kinh phí chi thường xuyên tăng lên…
Mặt khác, trong khi các phòng khám gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động và chất lượng KCB thì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế có bác sĩ làm việc, hệ thống trạm y tế đang được đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất và đang trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ”.
Về nguyên nhân chủ quan thì vấn đề đặt ra, đó là kinh phí hoạt động của PKĐKKV thực hiện theo Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 9/1/2019 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án "Chuyển sang tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có khả năng xã hội hóa cao, giai đoạn 2019 - 2025”.
Các trung tâm y tế là đơn vị tự chủ một phần hoặc toàn bộ về chi thường xuyên, trong đó phòng khám là một bộ phận của trung tâm y tế nên toàn bộ kinh phí thu chi đều do trung tâm y tế đảm bảo và điều tiết.
Song, thực tế nguồn thu từ các phòng khám rất thấp, không đủ chi phí nên mọi khoản kinh phí còn thiếu đều phải điều tiết từ trung tâm y tế. Giai đoạn từ 2018 - 2020, điển hình như PKĐKKV Trạm Tấu, hàng năm âm về tài chính gần 1 tỷ đồng.
Bên cạnh các phòng khám hoạt động hiệu quả còn một số phòng khám hoạt động không hiệu quả trong vài năm gần đây, cụ thể: số lượng khám và điều trị, sử dụng dịch vụ không nhiều của cả người dân mà phòng khám đóng trên địa bàn và các địa phương lân cận.
Hơn 2 năm thực hiện Đề án, hoạt động các trạm y tế đã ổn định và nền nếp, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Trong 3 năm 2018 - 2020, 18 phòng khám có 489.006 lượt người dân đến khám bệnh, trung bình mỗi phòng khám đạt 9.056 lượt người/năm, cao nhất là PKĐKKV Hưng Khánh trên 20.000 lượt, thấp nhất là 5 phòng khám: Trạm Tấu, Đồng Khê, Tân Thịnh, Khao Mang, Ngã Ba Kim dưới 6.000 lượt, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của tất cả các phòng khám trên địa bàn toàn tỉnh.
Các phòng khám điều trị nội trú cho 24.816 lượt bệnh nhân, trung bình mỗi phòng khám 460 lượt bệnh nhân/năm. Trong đó, cao nhất là PKĐKKV Hưng Khánh trên 1.316 lượt/năm và thấp nhất là PKĐKKV Trạm Tấu mới có 6 bệnh nhân điều trị nội trú; riêng 4 phòng khám: Sơn Lương, Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Đồng Khê, Tân Thịnh không thực hiện điều trị nội trú từ 2019 do không đảm bảo yêu cầu về nhân lực chuyên môn.
Thực tế cho thấy, từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan có 5 phòng khám hoạt động không hiệu quả cả về chỉ tiêu khám bệnh và điều trị nội trú là: Trạm Tấu, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Sơn Lương, Đồng Khê, Tân Thịnh cần thiết phải tổ chức, sắp xếp lại. Huyện Văn Chấn là địa phương có 3 phòng khám được tổ chức, sắp xếp lại.
Ông Nguyễn Đình Liên - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: "Đề án này đã tập trung vào việc chuyển đổi các phòng khám thành các trạm y tế rất phù hợp với điều kiện thực tế, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hiệu quả Đề án mang lại là sự tối ưu hóa về con người, trang thiết bị và cơ sở vật chất, đội ngũ y tế được điều động một cách hợp lý, tăng cường sự hiện diện y tế trong cộng đồng và thúc đẩy việc phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Các trang thiết bị y tế đã được cập nhật và sắp xếp đúng đắn, giúp tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa sử dụng các nguồn tài nguyên y tế, tài sản cố định như đất đai, vật kiến trúc, công trình phụ trợ trên đất, các tài sản khác như trang thiết bị văn phòng được quản lý, sử dụng theo quy định”.
Việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống PKĐKKV trên địa bàn tỉnh là cần thiết nhằm bố trí lại cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân lực y tế cơ sở và nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân một cách hiệu quả.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trên tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, ngành y tế đã chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện Đề án.
Trong quá trình thực hiện Đề án, Sở Y tế đã chủ động rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các PKĐKKV, bám sát các nguyên tắc, các quy định của Đảng, Nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phát huy hiệu quả sau khi tổ chức lại; thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng về tài sản, tài chính, nhân sự, nhiệm vụ chuyên môn theo quy định; điều chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ y tế phù hợp với tiêu chuẩn, vị trí việc làm, rà soát, bổ nhiệm lại đối với cán bộ của trạm y tế đảm bảo đúng quy định, kịp thời xây dựng, ban hành nội quy, quy chế hoạt động để đảm bảo trạm y tế tiếp tục đi vào hoạt động toàn diện các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao".
"Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Đề án, ngành y tế cần nhận được sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các địa phương, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ y tế và nhân dân trên địa bàn để hoàn thành Đề án theo đúng tiến độ. Đồng thời, tiếp tục duy trì các phòng khám còn lại được đầu tư cơ sở vật chất với đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu cho việc KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khu vực..." - bà Vân cho biết thêm.
Trần Minh
Bài 2: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động