Hiện nay, Trung tâm tiếp tục duy trì hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 và tiêu chuẩn "Thực hành tốt phòng thí nghiệm-GLP” với 41 phép thử vật lý/hóa lý và 2 phép thử vi sinh vật; thực hiện bảo trì, hiệu chuẩn trang thiết bị kiểm nghiệm, đảm bảo tính chính xác của kết quả thử nghiệm.
Để thực hiện tốt công tác tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc và mỹ phẩm, Ban Giám đốc chú trọng đến việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt, thường xuyên cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn, đào tạo về năng lực kiểm nghiệm thuốc; cập nhật ứng dụng kỹ thuật mới trong phân tích dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; theo dõi kiểm soát thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng; tăng cường đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ là các kiểm nghiệm viên và kỹ thuật viên.
Trung tâm đã cử cán bộ tham gia 3 lớp đào tạo từ bên ngoài, 1 lớp đào tạo nội bộ về kỹ thuật định lượng chymotrypsin bằng phương pháp quang phổ UV-VIS điều nhiệt; hiệu chuẩn dụng cụ dung tích thí nghiệm bằng thủy tinh; hướng dẫn quản lý thiết bị phòng thử nghiệm; hướng dẫn công tác lấy mẫu thuốc, mỹ phẩm và quy chế nhãn sản phẩm thuốc…
Trung tâm cũng đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chú trọng ứng dụng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào công tác kiểm nghiệm; khai thác hiệu quả các thiết bị, đẩy mạnh nghiên cứu phương pháp phân tích các hoạt chất mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phương pháp kiểm nghiệm, bảo đảm tính chính xác và khách quan khi kết luận chất lượng thuốc.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã kiểm tra chất lượng được thực hiện có sàng lọc, trọng tâm, nhất là các sản phẩm của các công ty có thuốc vi phạm chất lượng theo thông báo của Cục Quản lý dược và Sở Y tế, các hoạt chất có số lần không đạt cao theo định hướng của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, các loại thuốc có hoạt chất kém bền vững, dễ bị biến đổi do tác động của môi trường. Theo đó, Trung tâm đã kiểm tra, lấy mẫu thuốc, mỹ phẩm tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn và các công ty kinh doanh dược với 140/250 cơ sở được kiểm tra, lấy mẫu, đạt 66%.
Cùng với đó, công tác phân tích mẫu được triển khai toàn diện kỹ thuật kiểm nghiệm bằng các phương pháp hiện đại: sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), sắc ký lớp mỏng (TLC), chuẩn độ thể tích, Karlfischer (KF)…
Đồng thời, tiến hành phân tích mở rộng được 14/10 hoạt chất mới, đạt 140% kế hoạch, nâng số hoạt chất kiểm nghiệm được từ 390 lên 404 hoạt chất. Mẫu đã tiến hành thử nghiệm tại Trung tâm là 459/900 mẫu, đạt trên 51% kế hoạch năm…
Dược sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh cho biết: "Trung tâm tiếp tục duy trì, phát triển hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 và GLP-WHO; tăng cường công tác kiểm tra và lấy mẫu thuốc, mỹ phẩm để giám sát chất lượng tại các cơ sở và các công ty kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh tất cả các khâu: sản xuất, lưu thông, tồn trữ và sử dụng.
Trung tâm cũng cử cán bộ đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo chuyên sâu về các phương pháp kiểm nghiệm tại tuyến trung ương và thực hiện chương trình đánh giá nội bộ, tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo so sánh liên phòng do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương tổ chức.
Đồng thời, phối hợp với thanh tra Sở Y tế, Phòng nghiệp vụ Dược, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm, ngăn chặn, phát hiện kịp thời thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng thuốc, góp phần nâng cao hiệu quả phòng và điều trị bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, trong hoạt động của Trung tâm có không ít khó khăn về phương tiện chuyên dùng nên chúng tôi đề xuất sớm đầu tư xe ô tô chuyên dụng phục vụ công tác lấy mẫu thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Trần Minh