Sốt mò là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính khó chẩn đoán
Sốt mò là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính khó chẩn đoán, đang có xu hướng gia tăng trở lại sau một thời gian dài tạm lắng. Nếu không phát hiện kịp thời, có hướng điều trị đúng, sốt mò biến chứng nguy hiểm kéo theo tổn thương đa tạng như: viêm cơ tim, trụy tim mạch; đông máu nội mạc rải rác; viêm phổi nặng, suy hô hấp; viêm não và màng não; suy gan cấp, tăng men gan; sốc nhiễm khuẩn; suy thận; xuất huyết nội tạng. Do đó, thời gian qua, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã tích cực tuyên truyền để bà con có những thông tin cơ bản về căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do côn trùng này để phòng tránh và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Trần Thị Tuyết - Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái: "Bệnh sốt mò còn có tên gọi khác là sốt bụi rậm, sốt phát ban rừng... Nguyên nhân gây bệnh là do loại vi khuẩn Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia, truyền bệnh sang người khi bị ấu trùng mò đốt.
Nguồn truyền nhiễm là các động vật hoang dã như loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột), thỏ, các loài chim, hoặc gia súc (chó, lợn, gà)… Trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò bị nhiễm R.Orientalis khi hút máu vật chủ có mang mầm bệnh, sau đó ấu trùng mò phát triển thành mò trưởng thành và đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh và sẵn sàng hút máu (mò có thể truyền mầm bệnh qua trứng đến đời thứ 3).
Những con ấu trùng đời sau sẽ làm lây nhiễm cho các con vật khác và người khi đốt và hút máu. Như vậy, mò vừa là vật chủ vừa là trung gian truyền bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa mưa, từ tháng 4 - 5 đến tháng 9 - 10. Từ tháng 6 đến tháng 9 là thời gian cao điểm của bệnh. Mò thường đốt ở những vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ… đôi khi ở trong vành tai, rốn, mi mắt”.
Theo số liệu báo cáo từ các trung tâm y tế tỉnh Yên Bái, từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 290 ca sốt mò. Địa phương mắcnhiều nhất là huyện Mù Cang Chải với 133 ca; tiếp đến là huyện Trạm Tấu 59 ca; huyện Văn Chấn 58 ca; huyện Văn Yên 12 ca và thị xã Nghĩa Lộ 23 ca.
Riêng trong tháng 8/2023 ghi nhận 106 ca mắc, tăng 57 ca so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 12 ca so với tháng 7. Trong đó, huyện Mù Cang Chải 55 ca, huyện Trạm Tấu 18 ca, huyện Văn Chấn 17 ca, huyện Văn Yên 3 ca và thị xã Nghĩa Lộ 11 ca, 2 ca vãng lai có hộ khẩu tỉnh Sơn La.
Người dân cần biết cách phòng và điều trị bệnh sốt mò
Sốt mò không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định. Biểu hiện của sốt mò rất giống với các bệnh lý nhiễm khuẩn khác nên dễ nhầm và bỏ sót bệnh, đặc biệt là các trường hợp không tìm được vết mò đốt và bệnh đã ở giai đoạn nặng khi đã có biến chứng.
Trong tháng 7/2023, trên địa bàn huyện Trạm Tấu có
một ca tử vong do bệnh sốt mò. Nguyên nhân là do bệnh nhân đến viện khám và điều trị muộn. Do đó, bệnh sốt mò nếu được chẩn đoán đúng, sớm thì tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân sẽ cải thiện và phục hồi rất nhanh chóng. Bởi vậy, người dân cần có tích cực tìm hiểu để có hiểu biết và nhận biết về sốt mò.
Triệu chứng của sốt mò là người bệnh có sốt, một, hai ngày đầu sốt nhẹ, sau đó sốt cao liên tục, cũng có nhiều trường hợp đột ngột sốt cao 39 - 40 độ C trong ngày đầu giống như sốt rét. Sau đó sốt cao 40 độ C liên tục dai dẳng hoặc từng cơn, kéo dài từ 15 đến 20 ngày. Vết loét đặc trưng của mò đốt thường hình tròn hoặc bầu dục, đường kính từ 1mm đến 2cm, có vẩy đen, cứng phủ trên một nốt sẩn có gờ cứng. Nếu vẩy đã bong thì để lại vết loét lõm, màu đỏ tươi, sạch không tiết dịch, không có mủ. Người bệnh không hề biết có vết loét vì hoàn toàn không đau, không ngứa hay rát.
Vết loét trên bệnh nhân sốt mò. (Ảnh: CDC Yên Bái).
Cùng với đó, bệnh nhân sốt mò đều có hạch sưng to và ban xuất hiện ở cuối tuần đầu và đầu tuần thứ hai của bệnh. Ban mọc khắp toàn thân (lưng, ngực, bụng, tứ chi) trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân, ban tồn tại từ vài giờ tới một tuần.
Trước tình hình bệnh sốt mò có chiều hướng gia tăng, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm giúp người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh sốt mò, biết các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Ông Lò Văn Sừa - thôn Lừu 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết: "Được cán bộ y tế về bản tuyên truyền về bệnh sốt mò, bà con chúng tôi đã hiểu được nguyên nhân và sự nguy hiểm nếu mắc phải bệnh sốt mò nên bản thân tôi, những người thân trong gia đình sẽ nghiêm chỉnh chấp hành khuyến cáo của bác sĩ để phòng bệnh và nếu nghi ngờ mắc sốt mò sẽ đến cơ sở y tế khám chứ không tự chữa ở nhà”.
Hiện nay, bệnh sốt mò chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sốt mò, theo bác sĩ Trần Thị Tuyết - Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, là người dân cần phát quang bụi rậm, diệt ổ dịch, bôi thuốc diệt côn trùng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Nơi ở gần nhiều cây, sông, suối cần được che chắn cẩn thận, phun thuốc diệt côn trùng để hạn chế nơi trú ngụ, phát triển của tác nhân gây bệnh sốt mò.
Cùng với đó, người dân cần sử dụng bảo hộ lao động, không nằm ngủ, nghỉ trên bãi cỏ, bìa rừng, nương đồi khi đi làm. Đặc biệt, không được tự ý điều trị bệnh tại nhà, không được chủ quan, nên đến ngay cơ sở khám, chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt mò.
Thanh Chi