Người dân Yên Bái cần chú trọng các biện pháp phòng bệnh sốt mò

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/9/2023 | 5:39:20 PM

YênBái - Bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do Rickettsia gây ra. Đây là vi khuẩn lây truyền từ chuột và thú nhỏ sang người thông qua vết cắn (đốt) của ấu trùng con mò (Trombicula).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái điều tra dịch tễ bệnh nhân sốt mò tại cơ sở.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái điều tra dịch tễ bệnh nhân sốt mò tại cơ sở.


Bác sỹ Trần Thị Tuyết - Trung tâm phòng chống bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết: "Bệnh sốt mò có đặc điểm sốt kéo dài, trên cơ thể người bệnh có vết loét đặc trưng do mò đốt, vị trí mò đốt thường ở những vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ, rốn…, đôi khi ở vị trí ít được chú ý tới như trong vành tai, mi mắt…, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh có diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây tử vong, phần lớn bệnh nhân tử vong là do biến chứng”.

Theo bác sỹ Tuyết, biến chứng của sốt mò rất nguy hiểm kéo theo tổn thương đa tạng như: Viêm cơ tim, trụy tim mạch; đông máu nội mạc rải rác; viêm phổi nặng, suy hô hấp; viêm não và màng não; suy gan cấp, tăng men gan; sốc nhiễm khuẩn; suy thận; xuất huyết nội tạng… Nhưng nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh khỏi hoàn toàn sau 5 đên 7 ngày điều trị. 

Hiện nay bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bác sỹ Tuyết đề nghị người dân hết sức chú trọng để chủ động phòng tránh bệnh bằng cách sau:

1. Thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi cây, lùm cỏ, khơi thông cống rãnh, không để môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

2. Vệ sinh nhà ở thoáng sạch, mở cửa thông thoáng, diệt chuột, phun hóa chất diệt côn trùng…, để hạn chế nơi trú ngụ, phát triển của tác nhân gây bệnh sốt mò.

3. Vệ sinh cá nhân, đặc biệt khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát… vào rừng cần mang giầy và tất, chít ống quần, tắm giặt, thay quần áo sau khi đi rừng, làm rẫy về…

4. Sử dụng bảo hộ lao động, tránh ngồi, nằm phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây; Tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò (permethrine) hoặc xoa chân, xoa tay, xoa cổ thuốc xua mò (DEET).

5. Khi có các triệu chứng bệnh nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế khám, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh không chữa bệnh bằng thuốc nam, mo/cúng và các biện pháp dân gian khác. 



Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái ghi nhận 290 ca sốt mò. Riêng trong tháng 8 số ca mắc tăng, ghi nhận 106 ca, tăng 57 ca so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 12 ca so với tháng 7, trong đó có 1 ca tử vong (bệnh nhân nữ 16 tuổi, dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu). Bệnh nhân mặc sốt mò nhưng đến viện khám và điều trị muộn, nên khi nhập viện các triệu chứng bệnh đã rất nặng và tử vong sau 1 ngày điều trị.

Về triệu chứng: Khi bị sốt mò bệnh nhân thường có biểu hiện vết loét hình bầu dục. Thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt).

Nốt loét không đau, không ngứa, người bệnh thường chỉ có một nốt hiếm có 2-3 nốt, hình tròn/bầu dục đường kính 1mm đến 2 cm, nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ, sau 4 - 5 ngày vỡ ra thành một nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm tùy vào vùng da mềm hay cứng và độ non hay già của nốt loét.

Bệnh còn xuất hiện hạch khu vực nốt loét thường hơi sưng và đau, không đỏ, vẫn di động, xuất hiện cùng với sốt hoặc sau 2 – 3 ngày, là chỉ điểm tìm nốt loét, hạch toàn thân sưng đau nhẹ hơn, trừ những ca nặng.

Khi bị nặng hơn, bệnh nhân có triệu chứng tiếng tim mờ, huyết áp thấp, mạch chậm so với nhiệt độ, chảy máu cam, viêm phế quản, viêm phổi không điển hình… Ngoài ra, bệnh sốt mò còn có thể ẩn và thể không điển hình, không có nốt loét.


Bệnh sốt mò gây nên bởi ấu trùng và không lây từ người sang người

Đường truyền bệnh: Sốt mò là bệnh truyền sang người qua côn trùng trung gian ấu trùng mò; như vậy mò vừa là vật chủ vừa là vectơ truyền bệnh; người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác

Điều kiện lây truyền sang người: Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi dâm mát có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ - gặm nhấm lui tới. Người có thể bị đốt trong các điều kiện sau: Sinh hoạt lao động trong ổ dịch; phát rẫy làm nương; bộ đội đi dã ngoại; ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ, để mũ nón buộc võng vào gốc cây…

Bích Thúy

Tags sốt mò trung tâm phòng chống bệnh tật phòng bệnh

Các tin khác
Người dân tham gia Chương trình đi bộ cổ động vì sức khoẻ.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Dự kiến trên 1.200 trẻ em trên địa bàn tỉnh Yên Bái được khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí trong hai ngày 16 và 17/9/2023.

Chị Trần Thị Thu: "Tôi thấy đây là chương trình rất có ý nghĩa, giúp cho các gia đình còn nhiều khó khăn có cơ hội được khám và sớm phát hiện bệnh để kịp thời cứu chữa cho các con”. Đó là chương trình khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái trong hai ngày cuối tuần, 16 và 17/9/2023.

Các nhân viên lắp đặt tấm biển ghi 'Khu cách ly Nipah, nghiêm cấm ra vào’ tại một bệnh viện ở quận Kozhikode, bang Kerala. Ảnh: Reuters

Virus Nipah đã khiến hai người ở bang Kerala (Ấn Độ) tử vong và ít nhất 4 người khác có kết quả xét nghiệm dương tính.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái hướng dẫn cán bộ Trạm y tế xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu tổ chức các hoạt động tuyên truyền Phòng chống bệnh sốt mò.

Từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã ghi nhận 290 ca sốt mò, trong đó đã có 1 ca tử vong. Người dân cần phát quang bụi rậm, diệt ổ dịch, bôi thuốc diệt côn trùng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Nơi ở gần nhiều cây, sông, suối cần được che chắn cẩn thận, phun thuốc diệt côn trùng để hạn chế nơi trú ngụ, phát triển của tác nhân gây bệnh sốt mò.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục