Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số (DS)/KHHGĐ, công tác DS/KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn và hoàn thiện. Chi cục DS - KHHGĐ đã chủ động tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)/KHHGĐ đến với mọi đối tượng có nhu cầu với phương châm an toàn, thuận tiện, chu đáo và thân thiện. Hàng năm, tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tới vùng khó khăn. Mạng lưới dịch vụ CSSKSS công lập từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu CSSKSS/KHHGĐ của người dân.
Bên cạnh đó, Chi cục DS/KHHGĐ triển khai tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, triển khai tới các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, đây là cơ hội thuận lợi để các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ có nhiều điều kiện tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS cũng như việc thực hiện KHHGĐ phù hợp nhất, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày một tăng.
Việc cung cấp các dịch vụ KHHGĐ đã góp phần giúp công tác DS/KHHGĐ đạt được thành tựu như: sớm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu ổn định về quy mô DS, về duy trì mức sinh thay thế, việc nâng cao chất lượng DS bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, mặc dù công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ đã có được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn có yếu tố gây ảnh hưởng không tốt đến việc cung ứng này bởi ngành DS/KHHGĐ đã và đang gặp khó khăn.
Trong đó, nguồn lực bị cắt giảm mạnh trong thời gian vừa qua, khiến ngành cũng gặp nhiều khó khăn trong ổn định tổ chức bộ máy, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động cũng như năng lực đáp ứng dịch vụ KHHGĐ tại tuyến cơ sở.
Mặt khác, kênh tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai còn nhiều hạn chế, các phương tiện tránh thai chưa được đa dạng hóa. Trong khi đó việc cung cấp sản phẩm tiếp thị xã hội không được liên tục, nên một số đối tượng phải tự mua các sản phẩm ngoài thị trường, do đó hiệu quả của việc tiếp thị xã hội các biện pháp tránh thai còn chưa đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, thời gian qua, người dân được sử dụng các phương tiện tránh thai miễn phí nên chưa quan tâm với việc phải chi trả một phần kinh phí khi sử dụng dịch vụ KHHGĐ.
Một số cộng tác viên cũng chưa mặn mà tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai; tiếp thị các phương tiện tránh thai cũng gặp khó khăn do một số đối tượng so sánh về chất lượng và giá cả các mặt hàng ngoài thị trường…
Vì vậy, để làm tốt hơn nữa công tác tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai, trong thời gian tới, Chi cục DS/KHHGĐ cần đa dạng hóa các phương tiện tránh thai và đảm bảo được nguồn cung cấp liên tục, kịp thời. Xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt trong thay đổi nhận thức và tạo cho người dân có thói quen cùng chi trả một phần khi sử dụng dịch vụ KHHGĐ, Chi cục tiếp tục triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp theo nhóm, đăng, phát bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng,...
Từ đó dần thay đổi quan niệm "bao cấp” trong lĩnh vực DS/KHHGĐ sang "cùng chi trả”, tạo sự đồng thuận chấp nhận chi trả một phần của các đối tượng sử dụng bao cao su và viên uống tránh thai tại địa phương.
Thông qua hệ thống, phân phối sản phẩm tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại các huyện, thị xã với đội ngũ cộng tác viên sẽ là kênh phân phối tốt nhất đưa các phương tiện tránh thai đến với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ từng bước chấp nhận mua phương tiện tránh thai có trợ giá của Nhà nước thông qua tiếp thị xã hội, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn nhiều khó khăn...
Nguyễn Thu