Đến thăm các bệnh nhân tại khoa Tâm căn - Tâm lý điều trị, Bệnh viện Tâm thần tỉnh mới thấy nỗi vất vả của các y, bác sĩ ở đây. Nhưng với tấm lòng nhân ái "Lương y như từ mẫu”, những người thầy thuốc đặc biệt ấy đã vượt qua trở ngại, đồng cảm và chia sẻ với người bệnh, tạo điểm tựa tinh thần, sợi dây kết nối giúp họ sớm bình phục, hòa nhập cộng đồng.
Khoa Tâm căn - Tâm lý điều trị hiện có khoảng 40 bệnh nhân đang điều trị nội trú ở độ tuổi khác nhau mắc các bệnh như: trầm cảm, tự kỷ, rối loạn tăng động… Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Kim Thắng - Trưởng khoa tâm Căn - Tâm lý điều trị chia sẻ: "Tâm thần không hẳn là điên dại như mọi người thường nghĩ mà đây là tên gọi chung cho hàng trăm dạng bệnh liên quan đến thần kinh, tâm lý do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: do di truyền; gặp phải cú sốc tinh thần hoặc bị một áp lực nào đó mà phát bệnh... Những người phải vào điều trị tại bệnh viện thường là bị rối loạn trầm cảm thuộc dạng nặng, tâm thần phân liệt, chậm phát triển tâm thần, động kinh, mất trí tuổi già... nhiều khi không làm chủ được hành vi, lời nói của mình và rơi vào tình trạng bị kích động mạnh. Những trường hợp này, tiếp xúc, điều trị bệnh khó khăn và rất nguy hiểm”.
Có nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện vì có triệu chứng như: mất ngủ kéo dài, hay lo âu, bồn chồn, suy giảm trí nhớ cần được tư vấn điều trị của các bác sĩ. Đến bệnh viện khám sức khỏe tâm lý anh T.V.Q ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái bộc bạch: "Mấy tuần gần đây tôi thường bị mất ngủ và hay lo âu suy nghĩ vẩn vơ, ăn uống kém, người mệt mỏi nên vào đây để được bác sĩ hướng dẫn, tư vấn nhằm ổn định lại tinh thần. Sau 1 tuần điều trị, tôi đã thấy tâm lý thoải mái lên nhiều”.
Các y, bác sĩ ở Bệnh viện ngoài chuyên môn điều trị tâm lý còn đóng vai trò làm người bạn thân sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ bệnh nhân, dỗ dành, tâm sự, tạo niềm tin để người bệnh chấp hành việc ăn, uống thuốc, đi ngủ đúng giờ... "Với bệnh nhân tâm thần chỉ khâu uống thuốc thôi cũng đòi hỏi chúng tôi phải cẩn trọng. Không ít lần họ tìm cách trốn uống hoặc giả vờ uống. Có trường hợp tay cầm thuốc nhưng nếu bác sĩ không để ý họ sẽ tìm cách giấu vào tay áo, thậm chí uống xong tìm cách vào nhà vệ sinh nôn thuốc ra ngoài. Vì thế, mỗi lần cho bệnh nhân uống thuốc, nhân viên y tế ở đây chúng tôi phải ngồi hàng giờ quan sát, chờ bệnh nhân uống thuốc xong một thời gian mới có thể yên tâm ra ngoài” - Bác sĩ Nguyễn Kim Thắng nói.
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Tâm thần Yên Bái tiếp nhận khoảng 100 lượt bệnh nhân đến khám trong đó lại có khoảng 5 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Đã có kinh nghiệm 7 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần Yên Bái trong vai trò là cán bộ tâm lý thực hiện các đánh giá tâm lý cho bệnh nhân đến khám và thực hiện trị liệu tâm lý cho các bệnh nhân điều trị nội trú trong viện. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Sơn thường chú ý quan sát trạng thái, ánh mắt, cử chỉ của bệnh nhân để tìm cách trò chuyện phù hợp giúp người bệnh cảm thấy tin tưởng, an toàn và thoải mái khi tiếp xúc để họ tin tưởng giãi bày tâm sự, giúp chị dễ dàng thực hiện các trắc nghiệm tâm lý, trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả tích cực.
Đưa con trai 4 tuổi đến điều trị tự kỷ, chị N.T.H ở huyện Văn Yên bộc bạch: "Gia đình tôi do bận bịu công việc nên chủ quan để cháu tiếp xúc quá sớm với điện thoại thông minh, tivi nên hầu như cả ngày cháu chỉ thích ngồi xem điện thoại, không chịu nói chuyện với mọi người. Từ khi lên 4 tuổi là hỏi gì cháu cũng không chịu nói, không nhìn vào mắt người đối diện, không tập trung trong mọi việc, chỉ đòi xem điện thoại. Càng ngày, tình trạng của cháu lại thêm phần nặng hơn, xuất hiện thêm dấu hiệu đập phá, tự làm đau bản thân khi không được theo ý muốn”.
Để trị liệu tâm lý cho trẻ em mắc chứng tự kỷ, người bệnh trầm cảm là cả quá trình dài khó khăn. Do đó, người làm tâm lý phải có tinh thần vững vàng và thường xuyên trau dồi, nâng cao chuyên môn, hiểu biết, cập nhật kiến thức mới thông qua việc học tập và nghiên cứu, áp dụng những ý tưởng sáng kiến mới vào công việc cũng như không ngừng phát triển bản thân để có thể dễ dàng trao đổi với nhiều đối tượng người bệnh khác nhau và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về điều trị tâm lý của xã hội.
Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Sơn chia sẻ: "Việc tiếp xúc ban đầu để tạo niềm tin với bệnh nhân là khâu quan trọng nhất bởi trị liệu tâm lý không thể tính bằng vài giờ hay một buổi để đo lường kết quả mà nó là cả quá trình trị liệu theo nhóm bệnh. Thoạt nhìn, người mắc bệnh về thần kinh có thể đáng sợ nhưng tiếp xúc với họ lâu, trò chuyện với họ trong những khoảng tĩnh lúc bình thường, tôi mới thấy họ thật đáng thương và cần một điểm tựa tinh thần để giải tỏa những ngột ngạt, áp lực trong suy nghĩ”.
Công việc trị liệu, chăm sóc, điều trị sức khỏe tâm lý tinh thần không chỉ bằng những đơn thuốc, mà còn bằng cả sự thấu hiểu, tấm lòng yêu thương người bệnh. Từ lòng yêu nghề và trái tim ấm áp tình thương là nguồn động lực to lớn giúp các y, bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần tỉnh luôn vững tâm, nỗ lực cố gắng và cống hiến hết mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bùi Minh