Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái sẻ chia cùng bệnh nhân chạy thận

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/4/2024 | 6:53:09 AM

YênBái - Bên trong phòng kín đầy những máy móc chạy không ngơi nghỉ của đơn nguyên thận lọc máu là những bệnh nhân da dẻ nhợt nhạt, mệt mỏi vì đau đớn, bệnh tật, tình người ấm áp vẫn lan tỏa từ những người đồng cảnh ngộ và từ sự đồng hành, chăm sóc của những y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

Lãnh đạo Bệnh viện cùng lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc quan tâm, thăm hỏi bệnh nhân chạy thận.
Lãnh đạo Bệnh viện cùng lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc quan tâm, thăm hỏi bệnh nhân chạy thận.

Để duy trì, kéo dài sự sống phương pháp hiệu quả, tối ưu nhất cho bệnh nhân suy thận chính là chạy thận nhân tạo. Cuộc sống gắn liền với bệnh viện, máy móc cùng muôn vàn khó khăn, nhưng với những bệnh nhân suy thận đang điều trị tại Đơn nguyên thận lọc máu, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTCCĐ) Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Bệnh viện tỉnh) chưa bao giờ có ý định buông bỏ bởi phía sau luôn có sự đồng hành, hỗ trợ thường trực của những người thầy thuốc. 

Những mảnh đời chung số phận

Đúng 4 giờ 30 phút sáng - thời điểm khởi động một ngày làm việc của các y, bác sĩ đơn nguyên thận lọc máu, Khoa HSTTCĐ Bệnh viện tỉnh cũng là thời điểm các bệnh nhân tập trung đông đủ chờ đợi vào ca chạy thận. Khoảng 30 phút trước ca chạy, trong khi các y, bác sĩ khởi động, kiểm tra máy móc, thông số kỹ thuật thì bên ngoài bệnh nhân tập trung ngồi nghỉ ngơi ổn định sức khỏe, huyết áp, tranh thủ tâm sự, chia sẻ, hỏi han nhau. 

Bệnh tật "kéo gần” lại những con người từ khắp nơi, trẻ hay già, kinh tế khá giả hay nghèo khó... Là bệnh nhân chạy thận trẻ nhất, em Đỗ Thị Thiên Hương đến từ thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên nhận được nhiều sự quan tâm, động viên hơn cả. Năm nay Hương mới 19 tuổi và em phát hiện ra bệnh khi đang học THPT. Với một cô gái đang tuổi tràn đầy ước mơ, hoài bão thì căn bệnh suy thận đã "đóng sập” mọi dự định. 

Nhớ lại ngày phát hiện ra bệnh, Hương tâm sự: "Đang học lớp 12 thì mắt em cứ mờ dần, tưởng bị cận nên gia đình đưa em đi khám, các bác sĩ bệnh viện huyện cho em thuốc về uống 1 tuần và dặn nếu không khỏi phải đi kiểm tra tuyến trên. Dùng hết thuốc mắt em không đỡ mà mờ thêm, nên gia đình đưa đi Hà Nội kiểm tra. Đang khám thì huyết áp em tăng, ngất tại chỗ được đưa đi cấp cứu. Sau đó, qua nhiều lần điều trị, kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ phát hiện ra em bị suy thận”. 

"Nhìn các bạn học xong 12 tiếp tục bước ra chân trời mới, còn em cuộc sống chỉ gắn liền với bệnh viện, kim tiêm, lọc máu em buồn lắm! Hiện, em chạy thận vào thứ ba, năm, bảy hằng tuần. Nhà xa nhưng sức khỏe vẫn cho phép, nên đến lịch chạy thận thì em đi sớm, chạy xong nghỉ ngơi đi về nhà với gia đình cho vui” – Hương nói. 


Cùng trẻ tuổi, bệnh nhân Đỗ Thu Giang đến từ xã Hán Đà, huyện Yên Bình có 34 năm tuổi đời thì thâm niên 12 năm chạy thận. Nhà xa, phải ở trọ để chạy thận quanh năm; do đó, những bữa cơm gia đình, khoảnh khắc bên người thân với chị Giang là điều xa xỉ. 

Chị Giang chia sẻ: "Chạy thận, tôi được bảo hiểm y tế chi trả 100% nhưng tôi phải dùng thêm một số loại thuốc hỗ trợ điều trị tim, huyết áp mà bảo hiểm y tế không đáp ứng. Hơn nữa, ở trọ tôi phải chi thêm các khoản ăn, ở, sinh hoạt nên rất tốm kém. Để giảm áp lực kinh tế cho gia đình, những lúc trong người khỏe tôi nhận trông người bệnh đang điều trị tại các khoa khác của Bệnh viện”. 

Chạy thận với người trẻ áp lực kinh tế một thì người già áp lực kinh tế gấp nhiều lần. Tuổi cao, không thể làm thêm tăng thu nhập, đôi khi còn cần thêm người đưa đón, chăm sóc. Bà Nguyễn Thị Mỹ - bệnh nhân 70 tuổi đến từ xã Vân Hội, huyện Trấn Yên cho biết: "Tuổi cao, sức yếu, mỗi lần tôi đi chạy thận là con, cháu phải bố trí người đưa đi. Tôi làm nông, điều trị bệnh đã tốn kém cho con cháu, giờ thêm khoản đi đưa đón về càng ảnh hưởng thêm. Tôi buồn lắm! Mỗi lần tôi thấy tôi nghĩ ngợi, con cháu lại động viên tôi phải vui vẻ sống, điều trị bệnh cho tốt con cháu còn được gọi mẹ, gọi bà”. 

Để bệnh nhân không đơn độc

Hiện, 20 máy chạy thận tại đơn nguyên thận lọc máu của Khoa HSTTCĐ Bệnh viện tỉnh đang ngày đêm lọc máu cho 118 bệnh nhân trong tỉnh. Với số lượng bệnh nhân lớn, đều đặn 2 bác sĩ, 8 điều dưỡng đơn nguyên thận lọc máy phải làm việc liên tục từ 4 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút các ngày hành chính, không ngoại trừ lễ, tết. Bình quân mỗi ngày, mỗi chiếc máy chạy thận phải hoạt động 3 ca, tương ứng với 3 lượt bệnh nhân. Giữa mỗi lượt lọc máu, máy được nghỉ khoảng 45 phút để lọc rửa, thay dụng cụ. Gọi là nghỉ, nhưng cả máy lẫn người vẫn làm việc để chuẩn bị cho lượt chạy tiếp theo. 

Vất vả là vậy, nhưng các y, bác sĩ tại đây luôn thấu hiểu, san sẻ nỗi niềm, sự vất vả mà mỗi bệnh nhân phải chịu. Sau khi đi một vòng kiểm tra công việc của các y, bác sĩ, hỏi han tình hình bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Chúc - Trưởng Khoa HSTTCĐ bùi ngùi chia sẻ: "Bệnh nhân ở đây người trẻ nhất 19 tuổi, già nhất 87 tuổi. Ngoài việc hỗ trợ chi trả của bảo hiểm y tế từ 80 - 100%, bệnh nhân chạy thận còn phải chi thêm nhiều khoản khác cho đi lại, ăn ở, bồi dưỡng sức khỏe". 

Chạy thận là việc duy trì suốt đời, người giàu chạy mãi cũng thành nghèo. Trong khi, hầu hết bệnh nhân chạy thận tại đây đều là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, tất cả các y, bác sĩ trong Khoa nói riêng và Ban Giám đốc, tập thể cán bộ, y, bác sĩ trong bệnh viện đều rất sẵn lòng chia sẻ cả về vật chất, tinh thần với bệnh nhân. 

"Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2023, máy lọc máu của Bệnh viện cũ, hỏng hóc nhiều, không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, lãnh đạo Bệnh viện đã thống nhất gửi bệnh nhân đi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và hỗ trợ miễn phí xe đưa, đón bệnh nhân đi về hàng ngày” – Bác sỹ Chúc cho biết. 

Cùng đó, thấu hiểu vất vả, bằng tình yêu thương mong muốn san sẻ phần nào khó khăn với bệnh nhân chạy thận, Bệnh viện tỉnh đã bố trí riêng một khu vực gửi xe miễn phí, ưu tiên phân bổ ủng hộ từ các đoàn thiện nguyện. 

Bác sỹ Trịnh Thị Thu Hoài - Phó Giám đốc Bệnh viện tỉnh cho biết: "Thời gian tới, để tiếp thêm động lực bước tiếp hành trình chống chọi với bệnh tật của bệnh nhân chạy thận Bệnh viện tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ công tác dành sự ưu tiên phân bổ các đoàn thiện nguyện về đơn nguyên thận lọc máu, dành chế độ quan tâm nhiều hơn nữa cho bệnh nhân chạy thận. Đặc biệt, Bệnh viện tỉnh sẽ tăng cường tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho y, bác sỹ đơn nguyên thận lọc máu”. 

Bên trong phòng kín đầy những máy móc chạy không ngơi nghỉ của đơn nguyên thận lọc máu là những bệnh nhân da dẻ nhợt nhạt, mệt mỏi vì đau đớn, bệnh tật, tình người ấm áp vẫn lan tỏa từ những người đồng cảnh ngộ và từ sự đồng hành, chăm sóc của đội ngũ y, bác sĩ. Sự quan tâm, động viên ấm áp, tràn đầy yêu thương, đó là niềm an ủi lớn lao để bệnh nhân suy thận tin tưởng tiếp tục hành trình kéo dài sự sống. 

Lê Thương

Tags bệnh nhân chạy thận Bệnh viện đa khoa tỉnh sẻ chia nhân tạo

Các tin khác
Hình minh họa.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Giọt máu khô giúp người bệnh có thể phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát minh ra một công cụ xét nghiệm chỉ với chưa đầy 0,05 mm máu khô có thể giúp chẩn đoán ba trong số những bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với con người.

Nhân viên y tế kiểm tra một con rái cá chết ở bãi biển Chepeconde, Peru xem có phải do cúm gia cầm hay không

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-4 kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với vi rút cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm ở một số lượng lớn các loài động vật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục