Đó là yêu cầu được đặc biệt nhấn mạnh tại Công văn số 1531/CV-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh vừa ký ban hành ngày 10/5/2024 chỉ đạo các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Theo Công văn, để chủ động tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh (gồm Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông), UBND các huyện, thị xã, thành phố chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân không sử dụng các loại thực vật, động vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ; nếu có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc đến ngay cơ sở y tế gần nhất đế cấp cứu, điều trị kịp thời.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát việc chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng; sẵn sàng phương án tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khoẻ, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra và khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm.
Triển khai các biện pháp giám sát, phòng ngừa và ngăn chặn sự cố về an toàn thực phấm; phối hợp với Sở Y tế trong điều tra nguyên nhân ngộ độc thực phấm (nếu có) và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công, phân cấp quản lý theo quy định.
Khuyến cáo người dân nhất là những người thường xuyên ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng, học sinh, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuyệt đối không sử dụng, ăn uống hoa quả, thực vật, động vật lạ, nghi ngờ có độc để phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên.
Được biết, người dân, nhất là người dân miền núi thường có thói quen ăn những loại côn trùng, động vật lạ, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao, nhiều trường hợp bị ngộ độc khi đến viện thì đã muộn hoặc điều trị rất vất vả. Ví dụ gần đây nhất, ngày 8-5, Bệnh viện Bạch Mai cho biết Trung tâm Chống độc của Bệnh viện đã phải tiếp nhận cấp cứu 3 người dân Yên Bái bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu.
Trước đó, vào khoảng 19h ngày 5-5, 5 người ở tỉnh Yên Bái cùng ăn cơm tối, bữa cơm có món sâu ban miêu chiên. Trong 5 người, có 3 người ăn món sâu ban miêu, 2 người còn lại không ăn. Sau khi ăn khoảng 1-3 giờ đồng hồ, 3 người ăn sâu ban miêu có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, trướng bụng, tiểu buốt, tiểu khó, có người tiểu ra máu… Chuyên gia chống độc khuyến cáo hiện tại vẫn có nhiều người dân ăn sâu ban miêu, hay thậm chí sử dụng loại sâu này để làm thuốc chữa bệnh. Hành động này vô cùng nguy hiểm vì trong sâu ban miêu có chứa chất cực độc.