Bán hàng trên mạng xã hội (MXH) là xu thế chung khi công nghệ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cần có chế tài quản lý chặt chẽ hoạt động livestream, quảng cáo đối với thuốc, do đây là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Rủi ro từ quầy thuốc online
Vốn bị bệnh xương khớp, tiểu đường, mất ngủ do tiểu đêm ông Đ.V.T. (72 tuổi, ở Hà Nội) phải tái khám thường xuyên. Cách đây không lâu, sau xem các quảng cáo trên MXH về một "loại thuốc gia truyền ba đời, chỉ uống một liệu trình sẽ khỏi", ông T. đã đặt câu hỏi dưới phần bình luận. Ngay sau đó, một người tự xưng dược sĩ xin số điện thoại, gọi điện tư vấn cho ông T. về liệu trình điều trị. Sau 20 phút được tư vấn, ông T. có cảm giác như được "bác sĩ" bắt trúng bệnh nên tin tưởng mua nửa liệu trình với 10 hộp thuốc trị giá 4.499.000 đồng để điều trị giảm đau nhức xương khớp, hạ đường huyết. Tuy nhiên, chưa uống hết 2 lọ ông T. đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, vàng da, men gan cao.
Trước đó, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu cho nam bệnh nhân 63 tuổi sau khi uống thuốc trị tiểu đường mua trên mạng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, xét nghiệm loại thuốc bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng cách đây hơn 50 năm.
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay thuốc chữa bệnh được bán tràn lan trên mạng. Đơn cử như thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, giảm buồn ngủ Ritalin, Modafinil là nhóm thuốc phải kê đơn nhưng thực tế thuốc này được bán tràn lan. Nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên hay người mất ngủ lạm dụng và sử dụng như một loại thuốc uống hằng ngày để cải thiện trí nhớ, tăng cường khả năng tập trung.
PGS-TS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết trong quá trình thăm khám bác sĩ đã xử lý nhiều trường hợp bệnh nhân dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý mua thuốc trên MXH. Có những trường hợp bệnh nhân điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, suy thận qua mạng và thuốc được gửi thông qua bên giao hàng. Qua khai thác các bệnh nhân này cho biết trên mạng đều có "dược sĩ", "bác sĩ" tư vấn và những trang bán hàng bệnh gì cũng chữa được. Theo PGS Tùng thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt và việc mua bán qua mạng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như: không kiểm soát được nguồn gốc thuốc, thuốc giả, không đúng chỉ định của thuốc… Điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, gây ra các biến chứng hay hậu quả khó lường. Đó là chưa kể thuốc mua trên mạng hay sàn giao dịch điện tử rất khó kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc, nhiều thuốc giả được quảng cáo thổi phồng công dụng, sai chỉ định làm mất "thời gian vàng" điều trị của bệnh.
Chỉ cho bán thuốc trong danh mục
Ngày 17-6, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Dự luật bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), ứng dụng TMĐT bán hàng, website TMĐT bán hàng. Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh TMĐT. Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền. Dự luật đề xuất không được kinh doanh dược trên MXH và các hình thức kinh doanh điện tử khác. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội cho biết có hai luồng ý kiến về thuốc bán lẻ theo phương thức TMĐT. Nhóm thứ nhất đề nghị chỉ áp dụng với thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc. Nhóm thứ hai đề nghị không ghi cụ thể mà giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định để bảo đảm linh hoạt, đáp ứng với sự thay đổi của khoa học kỹ thuật. Đa số ý kiến thống nhất loại ý kiến thứ nhất, bởi thuốc là mặt hàng đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng trước sự phát triển của hệ thống TMĐT và thói quen mua sắm online thì việc bán thuốc, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe không thể đứng ngoài xu thế này. Hiện nay, việc cá nhân và nhà thuốc bán thuốc có được bán thuốc online hay không chưa được quy định cụ thể. Do đó, sự ra đời của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược được kỳ vọng giải quyết những "nút thắt" trong loại hình kinh doanh thuốc này.
Liên quan đến đề xuất cấm mua bán thuốc qua MXH, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; song pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng này. Thuốc là mặt hàng kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Y tế. Hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe. Để quản lý việc bán thuốc trên mạng, ông Cường cho rằng cần liên thông kết nối các hệ thống từ người kê đơn đến người bán thuốc; đồng thời có chế tài phạt nặng người bán thuốc trong danh mục kê đơn mà không có đơn thuốc của bác sĩ qua hệ thống phần mềm.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ cho bán thuốc trên mạng đối với những thuốc trong danh mục được phép bán không kê đơn (OTC) và thực phẩm chức năng. Các cá nhân không được phép livestream, quảng cáo bán thuốc kê đơn trên các nền tảng MXH.
(Theo NLĐO)