Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ nhỏ không mắc bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch không chỉ tạo ra sức đề kháng chống lại một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mà còn giúp trẻ tránh được nguy cơ suy dinh dưỡng, tàn tật và nguy cơ tử vong.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc - xin cho trẻ em dưới 1 tuổi trong cả nước chưa đạt được tiến độ. Đối với tỉnh Yên Bái, tỷ lệ này cũng không là ngoại lệ.
Tổng hợp báo cáo kết quả từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi, 6 tháng năm 2024 đạt 39,8%, chưa đạt tiến độ so với kế hoạch 49,3%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (42,7%); tỷ lệ tiêm phòng UV2+ cho phụ nữ có thai đạt 42,0%, chưa đạt tiến độ so với kế hoạch (48,5%), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (45,0%); tỷ lệ tiêm vắc - xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh tại các cơ sở y tế đạt 80,8%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (96,1%)…
Tìm hiểu được biết, việc tiêm chủng chưa đạt tiến độ do nhiều nguyên nhân dẫn như: việc cung ứng vắc - xin từ trung ương chưa đầy đủ, bị gián đoạn, một số loại vắc - xin SII, uốn ván, DPT… vẫn chưa được cấp đủ theo dự trù của các đơn vị để triển khai tiêm kịp tiến độ.
Mặt khác, là do nhận thức của người dân về vắc - xin còn hạn chế, gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ xảy ra tai biến trong việc sử dụng vắc - xin trong tiêm chủng mở rộng. Do cha mẹ còn e ngại vắc - xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng có phản ứng phụ, nên nhiều phụ huynh tìm đến các loại vắc - xin dịch vụ để tiêm cho con mình…
Nói về vấn đề này, Thạc sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về việc cho trẻ sơ sinh được tiêm chủng trong 24 giờ đầu tiên cũng như vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em đi tiêm vắc - xin phòng bệnh, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc - xin phòng bệnh. Chỉ đạo trung tâm y tế, cán bộ y tế cơ sở tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc tiêm vắc - xin phòng bệnh".
"Đồng thời, Sở tham mưu rà soát nhu cầu vắc - xin để đề xuất phân bổ kịp thời bảo đảm cho trẻ được tiêm đủ liều, đúng lịch, bảo đảm hiệu quả, chất lượng phòng bệnh. Cùng đó, tích cực chỉ đạo các trung tâm y tế các huyện, thành phố tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng trẻ đến lịch tiêm mà chưa được tiêm để khi được phân bổ vắc - xin thì có thể tiêm bù, tiêm vét sớm nhất có thể” - bà Vân nói.
Vắc - xin cũng giống như thuốc, dù tốt đến đâu cũng không thể bảo đảm an toàn tuyệt đối như mong muốn. Bởi vì, phản ứng sau tiêm chủng là phản ứng cá thể do cơ địa của từng trẻ với vắc - xin chứ không phải do chất lượng vắc - xin và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ.
Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể trẻ lại có phản ứng mạnh với vắc - xin như: sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái; thậm chí, là sốc phản vệ và tử vong. Điều này, khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không dám cho con đi tiêm phòng; dẫn đến, nhiều trẻ không được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh có cơ hội hoành hành trong cộng đồng.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: "Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là tối ưu nhất cho việc phòng bệnh cho trẻ, chỉ khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch thì khả năng phòng bệnh của vắc - xin trước bệnh truyền nhiễm mới đạt hiệu quả cao nhất”.
Thực tế cho thấy, sự nỗ lực của ngành y tế đã góp phần thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, nâng cao hiệu quả phòng các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2024, ngành y tế tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98,5%; bảo đảm chất lượng, an toàn trong tiêm chủng và nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về công tác tiêm chủng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do tai biến tiêm chủng.
Trần Minh