Trong khuôn khổ sự kiện ra mắt Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney, hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế”, do Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, vấn đề tồn tại và phát triển, thách thức và cơ hội đối với các cơ quan báo chí, một vấn đề không mới nhưng vẫn rất "nóng”, lại được xới lên.
Không chuyển đổi số là chết
Khẳng định chuyển đổi số với các cơ quan báo chí là xu thế tất yếu, ông Lê Quốc Minh cho biết kể từ khi nêu vấn đề đa nền tảng vào năm 2015 thì rất nhiều người lúc đó cho rằng có gì đó xa lạ, không thực tế với Việt Nam. Khi nói về tin giả (fake news) cuối những năm 2016 cũng không ai tin. Và rồi khi nói về trí tuệ nhân tạo (AI) trong báo chí vào năm 2018, mọi người cũng cảm thấy xa vời. "Nhưng giờ đây tất cả đều xảy ra và gắn liền với cuộc sống, gắn liền với hoạt động của cơ quan báo chí. Nếu không nắm bắt được xu hướng thì điều tưởng như tất yếu chưa chắc đã xảy ra với mình”, ông Minh nói.
Tổng biên tập Báo Nhân dân cho biết Nhân dân là tờ báo rất chính thống, rất truyền thống nhưng khi cả thế giới và báo chí Việt Nam đã nhộn nhịp trong quá trình số hóa thì báo Nhân dân tuy ra báo điện tử rất sớm nhưng hoạt động của tòa soạn nói chung vẫn khá truyền thống. Một năm trước, khi ông Minh được giao nhiệm vụ phụ trách Báo Nhân dân, rất nhiều hoạt động trong quá trình sản xuất thông tin, thu thập thông tin, phát hành thông tin, đặc biệt là vấn đề quản lý tòa soạn vẫn… khá "kinh điển, cổ điển”.
Nhưng theo ông Minh, trong một năm qua, Báo Nhân dân đã bắt nhịp rất nhanh để có sự thay đổi. "Chúng tôi đã chuyển sang quan niệm "digital first” – tức ưu tiên các nội dung lên nền tảng digital trước, thậm chí "social first” – nghĩa là nhiều nội dung chưa thành tin đã được đẩy lên hệ thống mạng xã hội để tiếp cận với độc giả”.
"Điều không tưởng là Báo Nhân dân đã xuất hiện trên TikTok - một nền tảng dành cho thế hệ Z (13-18 tuổi) và thực tế khi xuất hiện trên TikTok, tưởng chừng rất chính thống, rất khô khan như những vấn đề chính trị xã hội lại được được người xem rất quan tâm. Có những video thu hút được 3-4 triệu lượt xem là rất bình thường”, Tổng biên tập Báo Nhân dân nói. Theo ông Minh, dùng bất kỳ biện pháp nào để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nhắm trúng đối tượng, thực hiện đa nền tảng và đạt hiệu quả thì nên làm.
Một cơ quan báo chí lớn hàng đầu khác là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cũng khẳng định sự cần thiết phải chuyển đổi số. Ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số của Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết trong 8 năm qua, VTV đã thử nghiệm rất nhiều mô hình và cuối cùng thấy việc sản xuất nội dung, phân phối nội dung và hạ tầng kỹ thuật công nghệ phải về cùng một nhà, phải tạo ra sức mạnh của cả một hệ thống thì mới có thể đương đầu và phát triển được.
"Nếu không có chuyển đổi số của VTV thì không có VTV Money hôm nay, không có VTV Go. Đó là sự chuyển đổi, chuyển dịch của VTV trong quan điểm chỉ đạo, trong nhận thức của mọi người cũng như phương thức sản xuất và cách thức sản xuất. Mỗi phóng viên bây giờ không còn sản xuất truyền hình nữa mà sản xuất đa phương tiện”, ông Phạm Anh Chiến nói.
Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm cho biết hiện nay chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 đang được trình Thủ tướng Chính phủ và đang ở công đoạn cuối cùng để Thủ tướng có quyết định phê duyệt. Chiến lược được phê duyệt sẽ có cơ sở để bàn thảo về cách Nhà nước sẽ tiếp cận và đồng hành với câu chuyện chuyển đổi số của báo chí. Tuy nhiên, theo ông Lâm, có hai vấn đề, thứ nhất không chuyển đổi số thì chắc chắn là chết, nên chỉ có khó khăn là đầu tư như thế nào và bắt đầu từ đâu. Khó khăn về kinh tế là có, theo ông Lâm, vì giờ nhiều cơ quan báo chí giờ tự cân đối đã khó chứ chưa nói đến đầu tư phát triển.
Thứ hai, Cục trưởng cho biết chắc chắn cũng sẽ có những dẫn dắt, hướng dẫn về việc nên làm gì trước cho vừa sức. Vì có rất nhiều cách đi và chúng ta sẽ phải tìm. Trên thế giới hay nói cách làm nào đúng, cách nào sai, nhưng trong mọi cách phải biết chọn cách làm của Việt Nam, phù hợp hoàn cảnh của Việt Nam, chứ không có công thức chung nào áp dụng cho các cơ quan báo chí Việt Nam.
Cuộc chiến với các nền tảng và "nuôi dưỡng" độc giả trung thành
"Nguồn sống” không nhỏ của báo chí từ rất nhiều năm qua đã bị các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok… lấy đi. Ông Lê Quốc Minh cho biết, khoảng 15 năm trước, thế giới đã dùng thuật ngữ để nói về các nền tảng, rằng vừa coi là bạn vì cần, vừa coi là thù vì cũng là đối thủ về mặt kinh doanh. Trong một thời gian khá dài, các nhà sản xuất nội dung, các cơ quan báo chí trên thế giới phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng, dù rằng đổi lại họ có lượng truy cập và nguồn tài chính nhất định.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tư duy của các cơ quan báo chí thay đổi nhiều. Các ý kiến cho rằng dựa quá nhiều vào các nền tảng sẽ có lượng truy cập nhưng không có độc giả vì không biết độc giả là ai, đến từ đâu. Có thể lượng truy cập đến từ mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và chiếm tỷ lệ khá lớn, nhiều cơ quan báo chí có thể lên tới 70-80%, nhưng tất cả các dữ liệu về độc giả thì các nền tảng nắm hết. Do vậy, xu hướng bây giờ là các cơ quan báo chí phải nắm được dữ liệu về người dùng.
Theo ông Phạm Anh Chiến, một bài toán mà hầu hết các cơ quan báo chí đều trăn trở là dùng nền tảng của mình hay dùng nền tảng của các mạng xã hội đã rất hùng mạnh và cái gì đưa lên trước. VTV chục năm qua cũng đã trăn trở như thế. Nhưng câu chuyện bị mâu thuẫn ở chỗ, lên (đăng thông tin) một nơi có rất nhiều người xem thì rất phấn khởi, nhưng vấn đề đặt ra 5 năm, 10 năm nữa quay lại thì các báo có gì trên nền tảng đó, trong khi giá trị cốt lõi là nội dung.
Vị Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số của VTV cho rằng cần phải có sự cân đối hài hòa giữa khái niệm nền tảng dùng chung, nền tảng mạng xã hội và những nền tảng tự phát triển riêng. Tất nhiên nền tảng phát triển riêng không có nghĩa làm từ A đến Z, và sẽ không bao giờ làm được từ A-Z mà cần sự đồng hành của các bên, cả các nhà mạng, các đối tác công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Theo Tổng biên tập báo Nhân dân, nếu không nắm được dữ liệu người dùng, vẫn phụ thuộc vào nền tảng và bằng các phương thức khác thì mãi mãi không bao giờ cung cấp được nội dung mà nhắm được đúng đến đối tượng chứ đừng nói đến câu chuyện cá nhân hóa, rồi quy trình sản xuất nội dung, và sắp tới còn sử dụng cả robot để viết tin. "Bây giờ phải quay lại thời đi bán cho từng gia đình với hình ảnh cậu bé ném báo vào từng gia đình, như thế sẽ biết được gia đình này sống ở khu vực nào, có mấy con, khả năng thu nhập bao nhiêu…”, ông Minh ví von và khẳng định việc nắm giữ được dữ liệu người dùng là vô cùng quan trọng.
Báo Nhân dân hiện đang hợp tác với các nền tảng như Tiktok, Facebook và đang trao đổi với Google, nhưng ông Minh cho biết sẽ không quá lệ thuộc vào các nền tảng này. Tất nhiên, theo ông Minh, việc xây dựng một nền tảng riêng là rất khó và gần như là không thể, vì rất tốn kém và nhiều khi còn là cơ may. Các báo không nên nghĩ đến chuyện xây dựng nền tảng riêng nhưng phải chủ động trong việc thu thập dữ liệu của độc giả, bởi có được mối quan hệ với độc giả, hiểu được độc giả thì phần thắng trong cuộc cạnh tranh với các nền tảng xã hội ít nhất đã là 50%. Ngược lại, nếu không làm được điều này – nắm giữ được dữ liệu người dùng, thì tất cả nội dung giống như đẩy lên trời ai xem thì xem, không biết người đó là ai, thì rất nguy hiểm.
Giới chuyên môn cho rằng, xu hướng báo chí hiện nay không phải cứ nhiều người xem là tốt mà phải giữ được người dùng trung thành. Theo phân tích tỷ lệ 80-20 thì 20 lượng người trung thành có khi mang lại lợi ích bằng 80% còn lại. "Tất nhiên điều đó không có nghĩa không cần 80% kia nhưng nếu nuôi dưỡng 20% trung thành bằng các công cụ, biện pháp của các cơ quan báo chí, như việc mời họ đến nhà, thỉnh thoảng chiêu đãi họ bằng những món ăn ngon, đưa cho họ những nội dung tốt, giữ chân họ, thì đó là cách làm báo chí hiện nay và rất phù hợp”, Tổng biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh nhìn nhận.
(Theo vneconomy)