Theo Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững MSD, trong hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng trẻ em ở Việt Nam có thiết bị kết nối Internet như: máy tính, smartphone, iPad… đã tăng lên hơn 66%. Đây thực sự là con số đáng báo động khi trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như chưa nhận thức được hết mặt trái của mạng Internet.
Bên cạnh những tiện ích về: tìm hiểu được nhiều thông tin, kiến thức, những trò chơi giải trí, sáng tạo, đặc biệt là đáp ứng việc học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ... trên môi trường mạng (MTM), trẻ em còn có thể gặp rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn như: tiếp cận với quá nhiều thông tin giả; lộ lọt thông tin cá nhân; bị dụ dỗ, lôi kéo truy cập vào những trang mạng có thông tin xấu độc, hoặc nội dung lừa đảo…
Ngày 1/6/2022 - tròn 1 năm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng (giai đoạn 2021 - 2025) tại Quyết định số 830/QĐ-TTg.
Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chương trình cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên MTM được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nó thể hiện rõ quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng một MTM an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Ngoài sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí, Chương trình còn có sự vào cuộc của các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an.
Tại tỉnh Yên Bái, ngày 31/5/2022, Kế hoạch liên ngành số 883 giữa Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo về triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên MTM, giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn tỉnh cũng đã được ký kết nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 830 của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu của Chương trình là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi tham gia các hoạt động trên MTM; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng MTM thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; trang bị kiến thức, kỹ năng số, giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên MTM.
Để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng thì công tác quản lý, giáo dục của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi các em cần được trang bị đầy đủ kiến thức về sử dụng Internet an toàn để có nhận thức đúng đắn, sử dụng mạng một cách thiết thực, hiệu quả cho học tập và cuộc sống, nhất là tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Theo đó, các gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục, quan tâm, gần gũi, hướng dẫn trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo, nhận biết, ứng phó thông minh, có văn hóa và đúng pháp luật trên MTM. Như vậy, vừa giúp trẻ phát huy được tính thông minh, sáng tạo, khoa học, vừa bảo vệ trẻ khỏi những tác động tiêu cực mà mặt trái của mạng xã hội mang lại.
Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng là yêu cầu cấp thiết, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp tích cực của mỗi gia đình để kịp thời phát hiện, điều chỉnh hoặc can thiệp ngay đối với những hành vi, cách ứng xử không phù hợp của trẻ trên không gian mạng.
Thanh Hương