Chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện Trấn Yên được bắt đầu từ nông dân, coi người nông dân là người đầu tiên và là gốc để CĐS. Qua đó, huyện đã xây dựng "Đề án phát triển các sản phẩm OCOP huyện Trấn Yên, giai đoạn 2021 - 2025”; hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, doanh nghiệp, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Ngoài các đối tượng trên có thể bao gồm các hiệp hội, trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương tham gia CĐS.
Để đẩy mạnh tốc độ CĐS, huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm tham gia Đề án OCOP là các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ CĐS gồm các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, mang đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa của từng xã, thị trấn; sản phẩm dịch vụ là các dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, dựa trên các lợi thế, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan và văn hóa vùng miền của mỗi địa phương. Thực hiện đưa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao lên sàn thương mại điện tử.
Hiện nay, hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn huyện được tổ chức theo 3 hình thức sản xuất chủ yếu gồm: hộ nông dân sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp. Các nhóm công nghệ số cơ bản trong nông nghiệp đã được triển khai hoặc bắt đầu được thử nghiệm như trong lĩnh vực trồng trọt, công nghệ nền tảng Internet vạn vật (IOT), dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số. Đây là phần mềm đã cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, qua đó giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa…
Điển hình, trong lĩnh vực trồng trọt là canh tác sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại xã Y Can; trồng dưa trong nhà lưới có ứng dụng công nghệ tưới, theo dõi dinh dưỡng của đất và quá trình sinh trưởng của cây tại xã Đào Thịnh. Trong chăn nuôi, nhiều cơ sở, trang trại quy mô lớn trên địa bàn đã áp dụng công nghệ IOT, công nghệ chuỗi, công nghệ sinh học.
Lĩnh vực lâm nghiệp đã ứng dụng công nghệ trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng, ứng dụng thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Kiên Thành, Y Can...
Đặc biệt, đến nay, 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao được đề xuất tham gia chương trình đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
Voso.vn. Cùng với các giải pháp CĐS và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện, hầu hết các lĩnh vực, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp đang thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp của mình.
Sau khi rà soát, việc CĐS tại các địa phương, UBND huyện Trấn Yên đề xuất mô hình CĐS trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, xây dựng xã Đào Thịnh và Việt Thành đạt nông thôn mới thông minh toàn diện; trong đó, tập trung thực hiện các nội dung CĐS trên các lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự...
Ngoài ra, việc CĐS trong công tác phòng, chống thiên tai đã được thực hiện hiệu quả, trên địa bàn huyện đã lắp đặt 5 trạm đo mưa tự động (Vrain) tại thị trấn Cổ Phúc và các xã Tân Đồng, Kiên Thành, Hồng Ca, Việt Cường.
Thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục đẩy mạnh việc CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp với chủ thể là người nông dân, hướng người nông dân được tiếp cận bản đồ số nông nghiệp và được cung cấp dữ liệu mở của ngành phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản, thúc đẩy kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm đầu ra vào trong quy trình sản xuất các sản phẩm của ngành nông nghiệp, giúp người nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý.
Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ số phát huy vai trò làm chủ của người nông dân trên địa bàn huyện Trấn Yên trong phát triển nông nghiệp số, giúp người dân ngày càng được tiếp thu nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Người nông dân chủ động học hỏi nâng cao vai trò của người nông dân trong CĐS nông nghiệp, có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn.
Anh Dũng