UBND tỉnh xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện nghị quyết, các kế hoạch triển khai chương trình CĐS trên địa bàn tỉnh. Mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị lại có cách làm phù hợp với thực tế, tạo bước đi vững chắc trong tiến trình CĐS.
Phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã thực hiện công tác CĐS khá bài bản, qua đó khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện giao dịch điện tử.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà - Chủ tịch UBND phường cho biết: "Phường đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông khảo sát thực trạng cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin; tham gia ý kiến vào dự thảo kế hoạch CĐS, xây dựng báo cáo thực trạng; tham gia các hội nghị trực tuyến hướng dẫn chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt của hệ thống VNPAY và chuyển đổi xã hội số của các đơn vị tư vấn; triển khai thu thập thông tin, số điện thoại đảng viên để triển khai nền tảng số Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”.
Ngay sau khi khảo sát, Đảng ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện CĐS phường Đồng Tâm gồm 10 thành viên; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển đô thị thông minh phường Đồng Tâm. Đồng thời, ban hành các quyết định, kế hoạch nhằm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn phường Đồng Tâm.
Tiêu biểu như Trạm Y tế phường đã áp dụng công nghệ số vào việc quản lý, khám chữa bệnh, giúp người dân không phải mất nhiều thời gian chờ đợi liên tục để có kết quả xét nghiệm hoặc kết quả khám chữa bệnh. Hệ thống sẽ tự động rà quét, phân tích, đo lường và thông báo tình trạng bệnh nhân tới bác sĩ.
Cùng với đó, phường Đồng Tâm cũng đạt nhiều kết quả về thực hiện CĐS trong quản lý dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Đến nay, công tác cập nhật dữ liệu dân cư trên địa bàn phường đạt 3.906/3.920 hộ; 13.730/13.758 khẩu.
Đặc biệt, toàn phường có 589/595 hộ kinh doanh (98,99%) sử dụng tài khoản không dùng tiền mặt; phường cũng tạo tài khoản và mã QR của UBND phường đặt tại Bộ phận Phục vụ hành chính công phường, cổng chợ Đồng Tâm, phố đi bộ thương mại dịch vụ Hào Gia đi vào hoạt động có hiệu quả.
Ngoài ra, việc điều hành tác nghiệp theo quy trình xử lý văn bản trên môi trường mạng cũng được UBND phường thực hiện tốt với 100% các giao dịch tại cấp phường trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử. Đến nay, Bộ phận Phục vụ hành chính công phường đã triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 đạt 100%, tỷ lệ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%.
Là 1 trong 12 địa phương được huyện Yên Bình lựa chọn thực hiện đầy đủ 11 nền tảng, ứng dụng dùng chung trong chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua, Ban Chỉ đạo CĐS thị trấn Yên Bình đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan lựa chọn và triển khai các mô hình CĐS phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Đến nay, việc thực hiện CĐS tại thị trấn Yên Bình đã đạt được 1 số kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Về hạ tầng viễn thông đã phủ sóng thông tin di động 3G, 4G và Internet băng thông rộng cố định đến 100% tổ dân phố; 13/13 nhà văn hóa tổ dân phố đã được lắp đặt hệ thống wifi, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt trên 90%.
Trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, UBND thị trấn đã triển khai nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” tại 4 chi bộ với 100% đảng viên tham gia và đang tiếp tục nhân rộng tại tất cả các chi bộ trên địa bàn; 100% cán bộ công chức thị trấn Yên Bình được trang bị máy tính để làm việc và sử dụng thành thạo các nền tảng số và phần mềm đa ứng dụng.
Từ đầu năm đến nay, Bộ phận Phục vụ hành chính công thị trấn đã thực hiện giải quyết trên 2.500 hồ sơ dịch vụ công; trong đó, có 515 hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đạt 100%.
Về kinh tế số, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; trên 60% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng qua các kênh thanh toán điện tử. Hiện tại, thị trấn Yên Bình có trên 90 doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 600 hộ kinh doanh và đều sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.
Với cách làm cụ thể, trong điều kiện cụ thể, Yên Bái đang từng bước hướng đến mục tiêu chính quyền số, kinh tế số, công dân số.
Văn Tuấn - Hồng Duyên